09:56 23/02/2023

Nga ngày càng phụ thuộc vào đồng Nhân dân tệ

Trang Linh

Song song với sự sụt giảm trong thanh toán bằng đồng USD và Euro, tỷ lệ các khoản thanh toán bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ tăng lên đáng kể, tổng cộng đạt 47% vào tháng 9/2022...

Hoạt động giao dịch bằng USD và Euro giảm mạnh đã làm giảm đáng kể sự hiện diện của tiền tệ nước ngoài tại Nga - Ảnh: Reuters
Hoạt động giao dịch bằng USD và Euro giảm mạnh đã làm giảm đáng kể sự hiện diện của tiền tệ nước ngoài tại Nga - Ảnh: Reuters

Theo Nikkei Asia, một năm sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga đang ngày càng phụ thuộc vào đồng nội tệ Rúp và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong thanh toán xuyên biên giới và hoạt động tài chính quốc tế. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm hạn chế việc sử dụng đồng USD và Euro của quốc gia này.

Tháng 3/2022, nhằm phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine, Tổ chức Viễn thông tài chính Liên ngân hàng Thế giới (SWIFT) đã loại bỏ một số ngân hàng lớn của Nga ra khỏi mạng lưới này. Ở thời điểm tháng 9/2022, đồng USD và Euro lần lượt chiếm 34% và 19% các khoản thanh toán xuất khẩu của Nga, giảm từ mức tương ứng 52% và 35% của tháng 1 cùng năm - thời điểm trước khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực.

Hiện tại, một số khoản thanh toán khí đốt Nga vẫn được thực hiện bằng đồng USD và Euro. Trong đó, một số được thực hiện thông qua Gazprombank, công ty con thuộc tập đoàn dầu khí Nhà nước Nga Gazprom (được miễn khỏi lệnh cấm của SWIFT) và qua chi nhánh của các ngân hàng phương Tây tại Nga.

Song song với sự sụt giảm trong thanh toán bằng đồng USD và Euro, tỷ lệ các khoản thanh toán bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ tăng lên đáng kể, đạt tổng cộng 47% trong tháng 9/2022.

Gazprom đã chuyển sang xuất khẩu khí đốt cho Trung Quốc bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ, thay vì USD. Cùng với đó, một số công ty nhập khẩu ở châu Âu cũng đang thanh toán bằng đồng Rúp.

Theo các nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với dầu mỏ Nga đã khiến lượng xuất khẩu mặt hàng này sang châu Á tăng mạnh, theo đó thúc đẩy sự dịch chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho SWIFT. Lượng giao dịch bình quân hàng ngày qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đã tăng gần 50% kể từ khi chiến tranh nổ ra, lên tới 21.000 giao dịch/ngày trong tháng 1/2023.

"Về cơ bản CIPS chỉ xử lý các giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ, vì vậy đây là một lựa chọn thay thế SWIFT khá hạn chế”, bà Rie Nakada của Viện nghiên cứu Daiwa nhận xét. “Tuy nhiên, hệ thống này có thể trở nên phổ biến hơn ở những quốc gia có nguy cơ đối mặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu”.

Hoạt động giao dịch bằng USD và Euro giảm mạnh đã làm giảm đáng kể sự hiện diện của tiền tệ nước ngoài tại Nga. Các khoản vay bằng ngoại tệ cho doanh nghiệp ở nước này đã giảm 13% trong giai đoạn từ tháng 3-10/2022, trong khi khoản vay bằng đồng Rúp tăng 11%.

Các nhà đầu tư nước ngoài, từng chiếm khoảng 10% giao dịch trái phiếu Chính phủ Nga, giờ đây gần như đã rút khỏi thị trường này. Từ khi chiến tranh nổ ra, Moscow đã phát hành trái phiếu bằng đồng Rúp độc quyền và tỷ trọng nắm giữa của nhà đầu tư ngoại trong các tài sản này đã giảm từ khoảng 20% xuống chỉ còn khoảng 10%.

“Mỹ và nhiều quốc gia khác đã cấm giao dịch trái phiếu chính phủ Nga và Moscow không có lựa chọn nào khác ngoài việc huy động vốn trong nước”, ông Shota Akimoto của SMBC Nikko Securities, nói.

Bên cạnh đó, các lựa chọn gửi tiền ra và vào nước Nga giờ đây cũng đang bị thu hẹp. Ngân hàng Mizuho của Nhật tháng 10 năm ngoái đã yêu cầu khách hàng sử dụng các tiền tệ khác ngoài đồng USD để chuyển tiền tới Nga.

"Nền kinh tế Nga và Trung Quốc đang ngày càng gắn kết với nhau”, ông Toru Nishihama của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life đánh giá.

Theo các nhà phân tích, điều này làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống tài chính toàn cầu sẽ càng phân mảnh hơn nữa, vừa làm giảm hiệu quả kinh tế vừa làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.