Giao dịch thương mại toàn cầu bằng Nhân dân tệ ngày càng tăng
Trong hơn 2 năm qua, tỷ trọng giao dịch thương mại đồng Nhân dân tệ đã tăng từ 20% lên gần 30%. Trong khi đó, hơn 40% thương mại toàn cầu được thực hiện bằng đồng USD...
Theo các nhà phân tích, từ năm 2020, giao dịch thương mại toàn cầu bằng đồng Nhân đân tệ bắt đầu tăng. Xu hướng này được sự báo sẽ tiếp tục diễn ra khi các doanh nghiệp tìm cách phòng tránh rủi ro biến động tỷ giá trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.
Dữ liệu từ công ty bảo hiểm quốc tế Allianz Trade cho thấy, từ đầu năm 2020 đến tháng 8/2022, tỷ trọng giao dịch thương mại bằng đồng Nhân dân tệ đã tăng từ 20% lên gần 30%. Trong khi đó, hơn 40% thương mại toàn cầu được thực hiện bằng đồng USD.
“Các công ty đang sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn trong thanh toán thương mại vì nhiều lý do, như dự báo về tỷ giá hối đoái trong tương lai”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc Đại lục tại tập đoàn ngân hàng ANZ, nhận xét.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, những năm qua, Trung Quốc đã tìm cách tăng tỷ trọng sử dụng đồng Nhân dân tệ trên thế giới. Việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh nước này có nguy cơ phân ly về mặt tài chính với Mỹ giữa lúc phương Tây áp đặt trừng phạt đối với Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Kelvin Lau, nhà kinh tế cấp cao tại Standard Chartered, cho rằng việc đồng Nhân dân tệ được dùng nhiều hơn là do nhu cầu đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, tình hình địa chính trị ở Ukraine cũng như căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới các vấn đề ở Đài Loan và công nghệ.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy thanh toán thương mại bằng Nhân dân tệ với hàng hóa đã tăng rõ ràng về mặt con số tuyệt đối”, ông Lau nói thêm.
Còn theo ông Michael Pettis, thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace, số lượng các giao dịch thanh toán thương mại bằng đồng Nhân dân tệ có xu hướng tăng lên khi các nhà đầu tư kỳ vọng đồng tiền này sẽ tăng giá. Ngược lại, số lượng sẽ giảm nếu nhà đầu tư dự báo đồng tiền sẽ suy yếu. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Bắc Kinh cũng có thể là lời giải thích cho việc này.
“Trong giai đoạn năm 2020 và 2021, đồng Nhân dân tệ hầu như có xu hướng tăng giá và động lực quốc tế hóa đồng nội tệ cũng có có dấu hiệu được tăng tốc trở lại, đặc biệt là khi tài sản Trung Quốc nằm trong tay người nước ngoài ngày càng tăng”, ông Pettis giải thích.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu diễn ra mạnh mẽ kể từ năm 2020 là một nhân tố khác giúp đồng Nhân tệ được sử dụng nhiều hơn trong thanh toán thương mại - ông Yeung của ngân hàng ANZ chỉ ra.
“Trung Quốc là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử… có liên quan tới điện thoại thông minh và máy tính”, ông nói. “Nước này cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm liên quan tới Covid-19 ra thế giới trong 2 năm qua".
"Nhìn từ góc độ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, một điều rất rõ ràng rằng: Trong thời kỳ căng thẳng địa chiến lược gia tăng, bất kỳ khu vực nào mà kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ đều có thể tạo ra những lỗ hổng và rủi ro".
Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation
Năm 2020, Trung Quốc xuất khẩu lượng mặt hàng phòng chống dịch khổng lồ ra thế giới, đến mức cứ 40 người thì có 1 người sử dụng khẩu trang của nước này. Năm 2021, hoạt động thương mại của nước này vẫn diễn ra mạnh mẽ bất chấp những bất ổn liên quan tới đại dịch.
Số liệu mới nhất từ mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT cho thấy, tính tới tháng 9/2022, tỷ trọng các giao dịch thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc đạt kỷ lục 28%, tăng từ 25% cùng tháng năm 2021 và 2020.
Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp có thể nhằm tăng tỷ trọng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch thanh toán thương mại quốc tế, thay vì sử dụng đồng USD.
“Nhìn từ góc độ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, một điều rất rõ ràng rằng: Trong thời kỳ căng thẳng địa chiến lược gia tăng, bất kỳ khu vực nào mà kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ đều có thể tạo ra những lỗ hổng và rủi ro”, ông Olson chỉ ra.
Theo Yao Li, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, xu hướng phân ly giữa Trung Quốc và Mỹ có thể dẫn đến sự xuất hiện của nhiều khối thương mại mang tính khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (CPTPP) và họ có xu hướng sử dụng đồng tiền thanh toán cũng như phương thức thanh toán của riêng mình.
“Do đó, chúng tôi dự báo tỷ trọng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán thương mại toàn cầu sẽ còn tăng lên trong thời gian tới”, bà nói. “Đồng Nhân dân tệ và đồng Đôla Singapore có thể được sử dụng trong thanh toán quốc tế nhiều hơn giữa các nước thành viên CPTPP”.