Một năm trôi qua, xung đột Nga-Ukraine vẫn là cú sốc dai dẳng đối với kinh tế toàn cầu
Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, và cuộc chiến này đã gây ra một vết sứt mẻ trong nền kinh tế toàn cầu...
Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu sắc hơn sẽ đến từ việc chiến tranh sẽ tác động ra sao tới những dịch chuyển vốn dĩ đang định hình lại kinh tế thế giới trước khi cuộc chiến nổ ra.
Theo hãng tin Reuters, gần như ngay tức thì, xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu còn đang gượng dậy sau “chấn thương” kinh tế đại dịch Covid-19 gây ra - sự kiện kéo theo sự gia tăng kỷ lục của nợ công, một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát leo thang, và tình trạng khan hiếm lao động trong nhiều ngành nghề quan trọng.
Tiếp đó, các biện pháp kinh tế mà phương Tây trút xuống nước Nga trở thành một rào cản mới đối với thương mại thế giới, giữa lúc những trở ngại khác đã xuất hiện từ trước và ngày càng tăng lên sau hàng thập kỷ quá trình toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng.
Việc dòng chảy năng lượng từ Nga ra thị trường toàn cầu suy giảm, một mặt do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và một mặt được cho là hành động có chủ đích của Nga, có thể sẽ thúc đẩy tiến trình dịch chuyển năng lượng vốn đã trở nên cấp bách trong việc chống biến đổi khí hậu.
“Cú sốc chiến tranh đối với nhu cầu và giá cả đã lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, cùng với đại dịch và các quyết sách khác, đã tạo ra những cơn gió nghịch đối với tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng chúng ta chưa vượt qua được những thách thức này”, ông Robert Kahn - Giám đốc phụ trách địa kinh tế vĩ mô toàn cầu của công ty tư vấn Eurasia Group - nhận định với Reuters.
Cuộc chiến đã tàn phá nền kinh tế Ukraine, khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm 1/3. Lệnh trừng phạt cũng đang bắt dầu gây suy giảm nguồn thu của Nga từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác. Tuy nhiên, rất khó để định lượng ảnh hưởng đối với phần còn lại của thế giới.
Cho tới hiện tại, châu Âu đã tránh được “cơn ác mộng” phải chia định mức tiêu thụ năng lượng và một làn sóng phá sản như nhiều chuyên gia đã từng lo sợ, nhờ nỗ lực lấp đầy dự trữ năng lượng và kiểm soát nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Thời tiết cũng đứng về phía châu Âu khi mùa đông vừa qua không lạnh như thường lệ.
Giá lương thực và năng lượng toàn cầu vốn đã tăng mạnh từ trước chiến tranh, khi thế giới trỗi dậy sau những đợt phong toả chống Covid trong năm 2020. Chiến tranh chỉ khiến cho giá cả tăng mạnh thêm. Dù vậy, sau một năm, nhiều chỉ số giá cả đã giảm về mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi thấy rằng giá năng lượng trong năm 2021 tăng nhiều hơn so với năm 2022, cho thấy chiến tranh và lệnh trừng phạt là những động lực tăng giá năng lượng quan trọng nhất”, một báo cáo hồi tháng 12 của tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Brussels nhận định.
Một số người có thể đi đến kết luận rằng điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế thế giới đã vượt qua chiến tranh Nga-Ukraine một cách nhẹ nhàng. Lạc quan thắng thế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos hồi tháng 1, trong khi thị trường tài chính đặt cược rằng các nền kinh tế phát triển có thể tránh được một cuộc suy thoái sâu và rộng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện ước tính nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,4% trong năm ngoái, thấp hơn chỉ 1 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng dự báo mà định chế này đưa ra trước khi chiến tranh bùng nổ và trước khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu dấn thân vào cuộc đua tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Nhưng chỉ có thời gian có thể trả lời câu hỏi liệu tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay có đạt mức dự báo 2,9% mà IMF đưa ra hay không. Con số dự báo này của IMF cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng có phần ảm đạm 2,1% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters hồi tháng 1.
Ngoài ra, còn có nhiều nhân tố quan trọng nhưng khó lường khác.
Trong lúc chưa ai dám chắc chiến tranh đến khi nào thì kết thúc, mối đe doạ chính vẫn nằm ở nguy cơ leo thang của cuộc chiến. Một diễn biến như vậy sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu đi theo một hướng khác.
Ở một góc độ tích cực, ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đối với các nguồn năng lượng đã đẩy mạnh nỗ lực của thế giới trong năm 2022 nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái sinh được xem là ít tổn thương hơn trước những cú sốc địa chính trị có thể xảy đến trong tương lai. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sự suy giảm xuất khẩu dầu Nga sẽ sớm đóng góp vào tình trạng đi ngang của nhu cầu năng lượng hoá thạch toàn cầu, từ đó mở ra tiềm năng cho một sự dịch chuyển nhanh chóng hơn sang các nguồn năng lượng xanh.
Nhưng việc này vẫn cần nhiều hơn khoản đầu tư kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD cho năng lượng xanh trong năm 2022 - theo số liệu của IEA. Đối với nền kinh tế, rủi ro nằm ở chỗ giá năng lượng, và lạm phát, sẽ bị đẩy lên cao hơn nếu sự thiếu hụt năng lượng không được bù đắp nhanh chóng.
Đối với thương mại toàn cầu, ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine còn là điều khó đoán định.
Khủng hoảng tài chính 2007-2008 và chiến thắng bầu cử của các chính trị gia ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại vốn đã gây ngừng trệ hai thập kỷ toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ - khoảng thời gian chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hoạt động vận tải hàng hoá bằng container cũng như việc cả Nga và Trung Quốc cùng gia nhập hệ thống thương mại thế giới.
Câu hỏi giờ đây là liệu lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga - nhân tố khiến nước này không còn giữ được vị trí nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới - có phải là sự khởi đầu của sự co cụm tiếp theo về thương mại, khi các quốc gia tìm cách hạn chế thương mại trong phạm vi các đối tác mà họ xem là đồng minh.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các định chế khác nhận thấy nguy cơ thương mại toàn cầu phân mảnh thành những khối thương mại thù nghịch - một kịch bản mà mô hình tính toán của IMF cho rằng sẽ gây sụt giảm tới 7% sản lượng kinh tế toàn cầu. Một “ngòi nổ” cho kịch bản như vậy có thể nằm ở sự dịch chuyển tới một đợt trừng phạt thứ cấp trên diện rộng, không chỉ nằm vào Nga mà cả những công ty và nhà đầu tư làm ăn với Nga.
Chuyên gia Kahn của Eurasia nói rằng một động thái như vậy - điều hoàn toàn có thể có được động lực chính trị nếu căng thẳng leo thang - sẽ khiến Nga bị cô lập kinh tế ở cấp độ tương tự như Iran, đất nước bị trừng phạt kéo dài bởi phương Tây do chương trình phát triển hạt nhân. “Đây chưa phải là kịch bản chủ đạo của chúng tôi, bởi lẽ Nga quan trọng hơn nhiều và vì thế giới lo sợ về ảnh hưởng toàn cầu của cách trừng phạt toàn diện như vậy”, ông Kahn nói.