Ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ không phải thẩm định khi phát hành trái phiếu quốc tế
Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng thương mại Nhà nước...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 17/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Về lý do bỏ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Thông tư 17 hướng dẫn thủ tục thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại Nhà nước căn cứ quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2021 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 90). Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 153 đã bỏ các quy định về việc thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp nhà nước.
Mặt khác, việc thẩm định, phê duyệt, chấp thuận khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế (là một hình thức vay nước ngoài) của doanh nghiệp nhà nước hiện tại được thực hiện theo Luật số 69/2014/QH13 quy định về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Luật 69) và các văn bản hướng dẫn.
Đối với các doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước là Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn/Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, quy trình xem xét, chấp thuận, phê duyệt khoản vay, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đã được quy định tại Quyết định 1500/QĐ-NHNN ngày 20/9/2021 của Thống đốc ban hành quy chế về Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do Ngân hàng nhà nước quản lý (Quyết định 1500).
“Như vậy, mặc dù bỏ quy trình thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại nhà nước tại Thông tư này, nhưng các nội dung cần thiết để xem xét phê duyệt việc phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại nhà nước cũng như các doanh nghiệp khác mà Ngân hàng Nhà nước quản lý sẽ được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 1500 để đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật 69”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.
Quay lại với dự thảo, nhà quản lý cũng muốn bỏ các nội dung không liên quan đến thủ tục hành chính trong việc phát hành trái phiếu quốc tế như nội dung quy định về quyền mua ngoại tệ của Tổ chức phát hành, trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ tài khoản phát hành, quy định về mở tài khoản phát hành; quy định về cơ chế báo cáo.
Đồng thời, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo Thông tư sẽ bổ sung quy định nêu rõ các trường hợp sẽ không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản phát hành, tương tự như quy định đối với khoản vay nước ngoài bao gồm: thay đổi địa chỉ bên đi vay, tên ngân hàng thương mại; trả nợ lãi, phí...
Nhìn chung, dự thảo Thông tư mới nếu được ban hành sẽ có 3 tác động chính.
Thứ nhất, quy trình thực hiện thủ tục hành chính về cơ bản giữ nguyên do đáp ứng yêu cầu về thời gian, trình tự thủ tục phù hợp với đặc thù của hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế, thực tế triển khai thời gian qua không gây khó khăn, vướng mắc; chỉ điều chỉnh diễn đạt và bổ sung cách thức nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia để đảm bảo phù hợp với đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ.
Thứ hai, việc bỏ các quy định về thủ tục thẩm định, bổ sung trường hợp không cần thực hiện đăng ký thay đổi sẽ giảm số lượng thủ tục hành chính liên quan đến khoản phát hành trái phiếu quốc tế phải thực hiện. Số lượng thủ tục hành chính giảm sẽ giúp giảm chi phí cho phía doanh nghiệp cũng như chi phí xử lý từ phía cơ quan nhà nước (giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm chi phí lưu trữ hồ sơ).
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài theo hướng đồng bộ, tránh việc trùng lặp các quy định đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật khác về vay, trả nợ nước ngoài; cũng như thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác (Nghị định 153 và quy định khác có liên quan).