Ngăn sách giáo khoa tăng giá bất thường
Thông tin về những điểm mới của dự thảo Luật Giá (sửa đổi), lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sách giáo khoa sẽ được đưa vào nhóm mặt hàng do Nhà nước định giá và quy định giá tối đa, tránh tình trạng các nhà xuất bản tăng giá bất thường như trước đây...
Qua 10 năm thực hiện, Luật giá 2012 bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đánh giá, tổng kết để sửa đổi, bổ sung Luật Giá và đang được thảo luận tại Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
LINH HOẠT HƠN TRONG ĐIỀU CHỈNH DANH MỤC HÀNG BÌNH ỔN GIÁ
Trao đổi về những nội dung được sửa đổi tại dự thảo Luật Giá sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết Luật Giá sửa đổi lần này vẫn kiên trì mục tiêu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo đó, dự thảo Luật giá (sửa đổi) trình Quốc hội sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn về (1) danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; (2) phương pháp định giá; (3) bình ổn giá (4) kê khai giá; (5) hiệp thương giá; (6) công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; (7) điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá; (8) điều kiện đối với thẩm định viên về giá; (9) hoạt động thẩm định giá của nhà nước.
Công tác quản lý giá hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Giá và nhiều luật chuyên ngành. Do đó, trong Luật Giá (sửa đổi) lần này sẽ bao quát, tổng hợp để đảm bảo công tác quản lý giá được bao quát, tránh chồng chéo giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành, nhất là các mặt hàng do Nhà nước định giá.
“Một trong các thay đổi lớn tại dự thảo là điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cho Chính phủ nhằm tăng cường tính linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch thông qua việc củng cố, quy định rõ về trường hợp, phạm vi, quy trình thực hiện bình ổn giá”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo quy định hiện hành, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Cùng với đó, qua rà soát hiện nay có 52 nhóm mặt hàng do Nhà nước định giá, sẽ rà soát đưa ra khỏi danh sách 14 nhóm mặt hàng, dịch vụ, bổ sung 2 nhóm mặt hàng là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ an ninh quốc phòng do nhà nước đặt hàng.
Luật Giá (sửa đổi) sẽ củng cố thêm các quy định và phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nhất là các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý giá.
Ngoài ra, đối với công tác thẩm định giá, Luật Giá sửa đổi cũng quy định để đảm bảo tính chuyên nghiệp, rõ ràng hơn, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá theo các lĩnh vực, gắn với việc tăng cường điều kiện về thành lập, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá.
Cùng với đó, quy định rõ giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá đồng thời quy định trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá.
SẼ QUY ĐỊNH GIÁ TỐI ĐA ĐỐI VỚI SÁCH GIÁO KHOA
Riêng với mặt hàng sách giáo khoa được quản lý theo quy định tại Luật giáo dục, Luật giá, Luật xuất bản.
Theo đó, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Thẩm quyền định giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Xuất phát từ tính chất sách giáo khoa là hàng hóa thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động diện rộng đến các gia đình học sinh trên cả nước; trên cơ sở đánh giá, từ năm 2020, Bộ Giáo dục và đào tạo đề xuất và Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng tới các hộ gia đình ở Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng phải thực hiện định giá.
Quy định này tiếp tục củng cố, tăng cường tính chủ động của các nhà xuất bản nhưng có cơ chế kiểm soát được giá sách giáo khoa hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát sinh.
"Quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá tối đa sách giáo khoa, còn các nhà xuất bản quy định giá cụ thể, để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của các nhà xuất bản và tránh sự tăng giá bất thường của mặt hàng này", ông Tạ Anh Tuấn nói.