16:05 14/06/2022

Đưa thịt lợn, sách giáo khoa... vào diện bình ổn giá?

Ánh Tuyết

Dự thảo Luật Giá đề xuất không quy định "cứng" danh mục về hàng hóa, dịch vụ cụ thể, khi đó, thịt lợn, sách giáo khoa có thể đưa vào diện bình ổn giá; giao Chính phủ quyết định thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây hay xem xét bỏ quỹ bình ổn giá...

Dự thảo Luật Giá không quy định "cứng" danh mục về hàng hóa, dịch vụ cụ thể thực hiện bình ổn giá.
Dự thảo Luật Giá không quy định "cứng" danh mục về hàng hóa, dịch vụ cụ thể thực hiện bình ổn giá.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và đang lấy ý kiến công khai các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 10/7.

DANH MỤC BÌNH ỔN GIÁ ĐANG BẤT CẬP

Nêu rõ bất cập với danh mục thực hiện bình ổn giá được quy định tại Điều 15, Điều 16 Luật giá hiện hành, Bộ Tài chính cho biết, phạm vi thực hiện bình ổn giá chưa thật sự rõ ràng, khiến cơ quan quản lý khó khăn trong việc quyết định triển khai.

Cụ thể, Điều 16 Luật giá quy định: "Việc bình ổn giá được thực hiện trong các trường hợp sau: a) Khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này có biến động bất thường; b) Khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội".

Danh mục "cứng" về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá tại Khoản 2, Điều 15 Luật giá hiện hành.
Danh mục "cứng" về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá tại Khoản 2, Điều 15 Luật giá hiện hành.

"Do cả hai tiêu chí được nêu tại Điều 16 Luật giá khi giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế, xã hội đều là các chỉ tiêu khó lượng hóa, gây khó khăn khi quyết định thể nào là giá biến động bất thường hoặc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội để triển khai", Bộ Tài chính phân tích, đồng thời nêu dẫn chứng, thực tiễn biện pháp bình ổn giá mới chỉ được triển khai một lần đối với giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và một lần thí điểm đổi với giá dịch vụ bốc dỡ container.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh danh mục mặt hàng còn phức tạp, khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần triển khai ngay đối với một biện pháp điều tiết có tính thời điểm.

Quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật giá chỉ rõ: "Trong trường hợp cần thiết điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện Bình ổn giá được quy định tại khoản 2 Điều này, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".

Bộ Tài chính cho rằng, việc giải trình để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định sẽ mất một khoảng thời gian khá dài theo quy định. Trong khi đó, việc thực hiện bình ổn giá phải mang tính chất tức thời, trong thời điểm hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lợi ích của các tổ chức cá nhân, mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát...

Bên cạnh đó, trong thực tế, khi có phát sinh mặt hàng có biến động lớn, ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và kinh tế - xã hội cần phải có biện pháp bình ổn giá nhưng không thực hiện được, vì không nằm trong danh mục, ví dụ như mặt hàng thịt lợn, sách giáo khoa, kit xét nghiệm...

 

"Việc đặt thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục cụ thể cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc quy định điều kiện để đưa mặt hàng nào đó vào thực hiện bình ổn giá vẫn còn thiếu sự linh hoạt, không kịp thời theo diễn biến của thị trường. Do vậy, có thể nói qua hơn 8 năm thực hiện, chính sách này vẫn chưa phát huy hết được tính hiệu lực, hiệu quả", Bộ Tài chính nhìn nhận.

Cùng với đó, trong danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá, có những mặt hàng từ khi Luật giá đưa vào thi hành đên nay chưa phát sinh yêu cầu thực hiện bình ổn giá như thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật...

"Với điều kiện kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn qua và tầm nhìn đến giai đoạn tiếp theo, một số mặt hàng nên được xem xét đưa ra hoặc nghiên cứu đưa vào danh mục thực hiện bình ổn giá theo từng thời kỳ", Bộ Tài chính đề xuất.

Đối với việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương, mặc dù tại Luật giá cũng như các văn bản dưới luật có quy định về quyền, trách nhiệm và các trường hợp thực hiện bình ổn giá tại địa phương theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân.

Tuy nhiên, lại ràng buộc điều kiện là phải trong trường hợp Chính phủ triển khai bình ổn giá thì các địa phương mới thực hiện theo chủ trương chung và hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành nên đã làm giảm tính linh hoạt trong thực hiện chính sách bình ổn giá ở các địa phương.

Đặc biệt là những trường hợp biến động giá chỉ là vẫn đề có tính cục bộ tại địa phương trong một số trường hợp như thiên tai, dịch bệnh chỉ phát sinh trên các địa bàn nhất định.

GIAO CHÍNH PHỦ QUYẾT ĐỊNH

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, tăng cường công tác tổ chức thực hiện theo hướng linh hoạt, gắn trách nhiệm bình ổn giá với trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực, tạo công cụ pháp lý đầy đủ, hiệu quả cho công tác kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định về thứ nhất, không quy định danh mục cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong Luật.

Củng cố các quy định cụ thể về các trường hợp áp dụng biện pháp để tránh sự lạm dụng không cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo tính cấp thiết trong triển khai.

Giao thẩm quyền quy định danh mục cụ thể cho Chính phủ quyết định thay vì Ủy ban thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành. 

Thứ hai, trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ vào tỉnh hình thực tế, các nguyên tắc tại Luật giá để xác định, đề xuất mặt hàng bình ổn giá và phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thực hiện bình ổn giá gắn với hàng hóa, dịch vụ và biện pháp bình ổn giá được thực hiện trong một thời gian nhất định trên phạm vi cả nước hoặc từ 2 địa phương trở lên.

Thứ ba, giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện bình ổn trên phạm vi địa bàn của mình trong trường hợp khẩn cấp tương tự với quy định về bình ổn giá tại trung ương.

Việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương cần tuân thủ quy trình trình Thủ tướng Chính phủ (sau khi xin ý kiến Bộ Tài chính, bộ chuyên ngành) về chủ trương thực hiện bình ổn giá một hàng hóa cụ thể trên địa bàn.

Nghiên cứu để bổ sung giải pháp đề nhà nước có các biện pháp. hỗ trợ phù hợp trong một số trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai nhằm kịp thời bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo đời sống cho người dân và xã hội.

Đáng chú ý,  Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; hiện nay chỉ tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên, gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá, để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến về việc sửa đổi toàn diện cơ chế bình ổn giá theo hướng bỏ các quy định về danh mục mặt hàng bình ổn giá. Theo đó, tại Luật chỉ quy định các nguyên tắc để xác định các trường hợp phải bình ổn giá, gắn với đó là các biện pháp bình ổn giá cụ thể đề khi có phát sinh có thể áp dụng đối với bất cứ mặt hàng nào.

Tuy nhiên, "cần củng cố các nguyên tắc áp dụng theo hướng quy định chặt chẽ các trường hợp áp dụng khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh... Trong trường hợp cụ thể và căn cứ theo nguyên tắc đã được quy định tại Luật, Chính phủ sẽ quyết định loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ôn và biện pháp bình ổn trong một khoảng thời gian cụ thể", Bộ Tài chính cho hay.

ỨNG PHÓ KỊP THỜI KHI CÓ BIẾN ĐỘNG BẤT THƯỜNG

Đánh giá tác động của chính sách nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định "cứng" danh mục và khi muốn đưa một mặt hàng vào danh mục bình ổn giá thì Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc này sẽ không đáp ứng được tính kịp thời, linh hoạt của các biện pháp thực hiện bình ổn giá.

Như vậy, việc không quy định danh mục cụ thể trong Luật giá, đồng thời, việc giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định danh mục và phương pháp sẽ tạo điều kiện cho việc điều hành linh hoạt, đáp ứng kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh đối với công tác bình ổn giá khi thực tế yêu cầu cản thực hiện tại thời điểm thị trường của hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường hoặc xảy ra cạnh tranh không lành mạnh về giá.

 

"Khi không quy định "cứng" danh mục và để cho thẩm quyền Chính phủ quyết định có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng sử dụng biện pháp này có thể ảnh hưởng đến nguồn ngân sách nhà nước nếu áp dụng đối với các mặt hàng do Nhà nước thực hiện quản lý".

Bộ Tài chính.

Đồng thời, việc bình ổn giá mặt hàng, dịch vụ có tính thiết yếu tác động nhiều đến mặt bằng giá sẽ góp phần ổn định mặt bằng giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bao quát cả trường hợp dịch bệnh, thiên tai, bão lũ...

Đối với xã hội, khi sử dụng biện pháp bình ổn giá một cách có hiệu quả về cả mặt phương pháp và phương thức thực hiện sẽ góp phần kiểm soát mặt bằng giá, tạo niềm tin của người dân và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên thị trường.

Tuy nhiên, chính sách này cũng sẽ đem lại tác động tiêu cực.

Việc quy định này sẽ dẫn đến việc thay đổi hầu hết kết cấu, quy định tại Luật giá của biện pháp bình ổn giá.

Đánh giá về bỏ các quy định về danh mục mặt hàng bình ổn giá, Bộ Tài chính cho hay đề xuất này tương đồng với quan điểm và triển khai bình ổn giá tại một số nước.

Đây cũng là một giải pháp chính sách có tính đột phá, cân tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mong quá trình tiếp thu ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, các đối tượng chịu tác động từ chính sách.