06:00 30/08/2021

Ngành hàng tiêu dùng thần tốc chuyển đổi số sau “cú hích” Covid-19

Lưu Hà

Chuyển đổi số tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, công nghệ phát triển buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách thức hoạt động cũ. Thêm vào đó, tác động từ dịch Covid  khiến cho công cuộc chuyển đổi số trở nên cần thiết hơn bao giờ hết...

Theo số liệu thống kê mới nhất của Nielsen vào thời điểm tháng 1/2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt đến quy mô 11,8 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 18% hàng năm.

Đây là cơ hội chuyển đổi để phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ nhưng cũng đẩy đến vực sâu nếu doanh nghiệp không có sự linh hoạt thích nghi, thay đổi, không chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đổi mới với tốc độ chóng mặt này.

DOANH NGHIỆP BƯỚC VÀO "CUỘC CHƠI" MỚI

Việc chuyển đổi số tất nhiên không hề mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng những năm trước diễn ra với tốc độ bị coi là khá chậm. Nếu trước đây, các công ty chủ yếu tập trung chuyển đổi số ở mảng cải thiện sản phẩm, quy trình làm việc và trải nghiệm của nhân viên thì Covid-19 đã tạo ra những thách thức thật sự khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng tốc trong hành trình số hóa hoàn toàn bộ máy của mình để đáp ứng với nhu cầu của cuộc sống.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp trên thế giới, các doanh nghiệp trong nước có thể tập trung vào thị trường nội địa làm nền tảng. Trong kịch bản hồi phục kinh tế trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng thị trường nội địa. Chính phủ cũng đã đề ra “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều gói hỗ trợ tới 100.000 doanh nghiệp để thấy đây là một bước tiến dài hơi, chứ không chỉ là sự thích ứng nhất thời với Covid-19.

Một trong những hoạt động chuyển đổi số dễ thấy nhất ở các doanh nghiệp trong mùa dịch đó chính là chuyển giao từ loại hình kinh doanh truyền thống sang các nền tảng online như website, trang mạng điện tử hay trang mạng xã hội để thúc đẩy tăng trưởng doanh số.

Số người chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong nửa đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Số người chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong nửa đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, các công ty thực hiện hoạt động chuyển đổi số trong hơn 6 tháng qua đã lên đến khoảng 60%, tạo nên một xu hướng bùng nổ về việc số hóa doanh nghiệp. Bởi, khi hành vi người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, mua sắm online dần phổ biến, việc áp dụng mô hình bán hàng đa kênh cùng với việc chú trọng các kênh “digital” sẽ giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng tốt hơn, tiếp cận và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh giãn cách xã hội, dịch vụ “đi chợ hộ” mà nhiều thương hiệu bán lẻ áp dụng đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Bằng cách này, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục duy trì doanh thu, thậm chí tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế khác gặp vô vàn khó khăn.

 
Một trong những hoạt động chuyển đổi số dễ thấy nhất ở các doanh nghiệp trong mùa dịch đó chính là chuyển giao từ loại hình kinh doanh truyền thống sang các nền tảng online như website, trang mạng điện tử hay trang mạng xã hội để thúc đẩy tăng trưởng doanh số.

Ông Nguyễn Chí Đức, Giám đốc kinh doanh Votiva phụ trách khu vực Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, nhận định: Công nghệ số đang trở nên cực kỳ quan trọng, tạo ra mức độ và khả năng cạnh tranh lớn giữa các nhà cung cấp, bán lẻ. Doanh nghiệp lớn, chưa chắc đã nắm được phần thắng, nếu không chú trọng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Ngược lại, doanh nghiệp nào thiết lập được “cuộc chơi ” mới theo hướng chuyển đổi số, sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng và chiếm lĩnh thị phần.

Ông Trần Đức Vân, Giám đốc công nghệ Tập đoàn Sonkim Retail, cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến một số cửa hàng kinh doanh truyền thống của công ty phải đóng cửa nhưng từ cuối năm 2020, Sonkim Retail đã xây dựng các nền tảng online và đẩy mạnh kinh doanh, nhờ vậy đã bù đắp được doanh số sụt giảm. Kinh doanh online đã được Sonkim Retail xác định là chiến lược lâu dài, bởi sau đại dịch Covid, hành vi mua sắm dự báo cũng vẫn sẽ duy trì phần lớn theo thói quen trực tuyến với những trải nghiệm mới, giá trị mới.

NGƯỜI TIÊU DÙNG CŨNG “SỐ HÓA”

Khách hàng, người tiêu dùng đang ngày càng có nhiều sự lựa chọn hình thức mua sắm, không chỉ về nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, mà họ còn “mua cả sự trải nghiệm mới”. Báo cáo của Q&Me vào tháng 4/2021 đã chỉ ra số lượng cửa hàng mặt phố vốn chiếm tới 62%, chợ truyền thống chiếm 12% đã bị giảm xuống 55% và 9% trong năm 2019 và được dự báo sẽ giảm về 51% và 6% trong năm 2025. Thị phần bán lẻ của siêu thị vẫn giữ đà ổn định 14 - 15% trong khi thị phần của các cửa hàng online tăng mạnh mẽ từ 1% năm 2012 đến 6% năm 2025.

Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cũng cho biết dịch Covid-19 thúc đẩy thị trường online phát triển, trong đó thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) online sẽ ngày càng phổ biến. Dự báo trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, có những điểm sáng là kênh phân phối hiện đại (siêu thị tăng trưởng 9%) nên siêu thị và online sẽ là động lực tăng trường cho ngành hàng tiêu dùng trong năm 2021 và những năm tới.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, dịch vụ “đi chợ hộ” mà nhiều thương hiệu bán lẻ áp dụng đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, dịch vụ “đi chợ hộ” mà nhiều thương hiệu bán lẻ áp dụng đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) mới đây đã chỉ rõ số người chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong nửa đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Ghi nhận từ Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), đơn hàng online của những thương hiệu phân phối trực thuộc đơn vị này trong 3 tháng gần đây tăng vọt.

Đơn cử, lượng đặt hàng qua kênh mua sắm trực tuyến của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tăng từ 3 - 4 lần. Riêng tại chuỗi cửa hàng Co.op Food, lượng khách đặt hàng qua điện thoại, online đã tăng gấp 3 - 5 lần so với trước.

Báo cáo của một số sàn thương mại điện tử Việt Nam cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận việc sử dụng kênh thương mại điện tử, trực tuyến như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki... đối với dịch vụ giao bưu kiện, giao hàng tạp hóa; trong đó, gần 60% khách hàng được khảo sát cho biết đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong 12 tháng qua.

Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z (thế hệ sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ) - đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại.

Trong giai đoạn 5 -10 năm tới, thế hệ Z sẽ thay thế toàn bộ lực lượng lao động toàn cầu. Theo đó, kinh doanh thương mại điện tử không chỉ đáp ứng sự thay đổi của nhu cầu hiện tại mà còn đón đầu xu thế tiêu dùng tương lai. 

 
Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2020, 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua ứng dụng, 33% người tiêu dùng Việt Nam thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi mua sắm trực tuyến. Với tỷ lệ dân số trẻ cao, Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD.