12:11 17/08/2021

Doanh nghiệp bán lẻ điện máy giảm giá, chuyển bán online vì Covid-19

Tuệ Mỹ

Hiện nay, ước tính của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy cho thấy, hàng tồn kho điện máy tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, với số lượng lên đến hàng triệu sản phẩm…

Đây là lần thứ hai kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các siêu thị điện máy phải đóng cửa. Tháng 4 năm ngoái, rất nhiều siêu thị điện máy lẫn cửa hàng di động của các chuỗi lớn buộc phải nghỉ bán. Chuỗi Thế Giới Di Động năm ngoái phải đóng khoảng 600 cửa hàng, chuỗi FPT Shop cũng đóng hàng trăm cửa hàng ở các vùng dịch. Kết quả, tháng 4 năm ngoái trở thành tháng có doanh thu thấp nhất năm 2020 của nhiều chuỗi bán lẻ công nghệ.

DÙ SALE “KỊCH SÀN” VẪN Ế

Dựa trên doanh thu năm ngoái, giả sử Thế Giới Di Động phải đóng toàn bộ hơn 400 cửa hàng của họ tại hai thành phố lớn nhất nước trong vòng nửa tháng, thiệt hại doanh thu tương đương 835 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho mặt bằng và lương nhân viên cùng các chi phí khác. Tương tự, nếu 176 cửa hàng FPT Shop đóng cửa trong nửa tháng, chuỗi này mất khoảng 206 tỷ đồng.

Bên cạnh TP.HCM, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị điện máy đã phải đóng cửa, chỉ còn hoạt động tại một số tỉnh. Vì vậy, doanh số bán hàng càng sụt giảm mạnh bởi Hà Nội là thị trường lớn, có doanh số bán lớn nhất. Trước đây doanh số bán của cả hệ thống lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng, nay chỉ còn chưa đầy 30%.

Các doanh nghiệp cho biết hiện nay đã phải đại hạ giá rất nhiều sản phẩm để đẩy hàng tồn kho, nhưng không thể nào giải quyết được. Thống kê chung, tivi giảm giá từ 30 - 50%, máy giặt giảm từ 30%, máy điều hòa không khí giảm 15%, giá tủ lạnh giảm từ 10 - 30%, các sản phẩm thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35 - 41%...

Tình trạng chung tại các doanh nghiệp là bán hàng online gặp khó khăn, trong khi ở những địa phương vẫn được mở bán thì khách vắng vẻ, ế ẩm.
Tình trạng chung tại các doanh nghiệp là bán hàng online gặp khó khăn, trong khi ở những địa phương vẫn được mở bán thì khách vắng vẻ, ế ẩm.

Ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing của chuỗi siêu thị điện máy Pico, nhận xét, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đầu 5/2021, sản phẩm điện máy các loại tiêu thụ rất chậm, giá giảm mạnh mà không có khách mua. Doanh số sụt giảm mạnh nhất thuộc về mặt hàng tivi, dù giá giảm sâu vẫn ế ẩm.

Hàng tồn kho tăng nhưng không thể chuyển về các tỉnh, nơi siêu thị điện máy vẫn hoạt động vì không thuộc “luồng xanh”, không được ra khỏi Hà Nội. Một số mặt hàng gia dụng khách vẫn có nhu cầu như: laptop, điều hòa, tủ lạnh, tủ đông... nhưng đơn hàng online lại vướng khâu vận chuyển do thiếu lực lượng chuyên chở và lắp đặt, nên không giao hàng được. Hầu hết người lao động đang phải nghỉ việc không lương. Ở một số địa phương, siêu thị vẫn được mở thì cũng phải cắt giảm bớt nhân lực bởi vắng khách và doanh số sụt giảm. 

Các doanh nghiệp điện máy rất lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài. "Dù hàng điện máy để lâu không lo về hạn sử dụng, nhưng vòng đời nhiều sản phẩm rất ngắn, mỗi năm đều ra mắt mẫu mã mới. Vì vậy, những mẫu cũ không bán được, coi như mất giá. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp có tới cả nghìn lao động, phần lớn phải nghỉ không lương," đại diện một chuỗi siêu thị điện máy nói.

CHUYỂN HƯỚNG KINH DOANH ONLINE

Những ngày gần đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều khu vực phải thực hiện yêu cầu giãn cách toàn xã hội thời gian dài, nhu cầu mua các sản phẩm tủ lạnh, tủ đông để tích trữ đồ ăn tăng khá cao. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy đã tung ra các ưu đãi khi mua các mặt hàng này nhằm kích cầu mua sắm, xả hàng tồn. Ngoài giảm giá sâu đến 50%, khách hàng còn được tặng nhiều phần quà có giá trị, lên đến 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng này chỉ phục vụ khách mua online và chỉ giao hàng cho khách tại các khu vực chưa bị phong tỏa để phòng chống dịch. Chủ một cửa hàng kinh doanh điện máy tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, từ tháng 5 trở lại đây, lượng khách hàng đặt mua tủ lạnh từ 3 cánh trở lên và tủ đông tăng gấp 3 - 4 lần so với trước kia. Tuy nhiên, mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được 3 - 5 chiếc vì Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội, đây không phải mặt hàng thiết yếu nên dù có khách đặt, kho cũng không thể xuất hàng giao cho khách được.

Mặc dù nhu cầu mua tủ lạnh, tủ đông của khách hàng tăng cao, các cửa hàng vẫn khó bán vì các quy định về vận chuyển bị siết chặt.
Mặc dù nhu cầu mua tủ lạnh, tủ đông của khách hàng tăng cao, các cửa hàng vẫn khó bán vì các quy định về vận chuyển bị siết chặt.

Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp gây khó khăn đến đời sống người dân, việc cắt giảm chi tiêu là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, người dân chuyển sang mua sắm online nhiều hơn. Vì vậy, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp phải thích ứng với xu hướng mới.

“Tính cả số cửa hàng tại TP.HCM phải đóng, chúng tôi có khoảng hơn 1.000 cửa hàng bị ảnh hưởng,” ông Hiểu Em nói. “Tuy nhiên, ở mỗi cửa hàng chúng tôi đều có nhân viên hướng dẫn khách mua online, hoặc nhân viên tại đó lấy hàng tại siêu thị giao cho khách - tuỳ theo quy định cho phép của địa phương,” ông Hiểu Em nói thêm.

Với hệ thống Thiên Hòa, ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam Hòa, cho biết công ty đang cắt giảm mặt bằng, chỉ giữ lại những lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh bán hàng online và đặt mục tiêu phấn đấu doanh số từ hình thức này đạt khoảng 60% - 70% tổng doanh số.

Tương tự, với nỗ lực duy trì hoạt động, siêu thị điện máy Pico cũng xúc tiến phối hợp với các hãng để chạy nhiều chương trình giảm giá mạnh đến 50%. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị tài chính để đưa ra nhiều giải pháp thanh toán cho người tiêu dùng, chẳng hạn trả góp kéo dài lên đến 24 tháng, tăng thời gian bảo hành sản phẩm…

Theo thông tin từ các nhà bán lẻ, tại các thành phố lớn, thị trường điện máy đã bão hòa, khó phát triển. Do đó, các nhà bán lẻ đang tập trung khai thác ở các thành phố nhỏ và thị trường nông thôn bởi người tiêu dùng ở đây bắt đầu mua sắm điện máy nhiều hơn trước.