Các doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ đóng gói để tăng sức cạnh tranh nông sản Việt
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở các nước đang phát triển lên đến 20 - 30%. Nghĩa là có đến 20 - 30% nông sản được sản xuất ra nhưng không đến được tay người tiêu dùng…
Tỷ lệ hao hụt này còn cao hơn ở những nước nghèo; trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10 - 20% và rau quả là 10 - 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do cách thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách. Công nghệ đóng gói ở Việt Nam còn đang lạc hậu hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến.
Nhìn lại ngành hàng rau quả, trong vài năm gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có bước phát triển khá mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua các năm và tăng trên 30% trong năm 2016. Tuy vậy, có đến 65% giá trị xuất khẩu rau quả nằm ở thị trường Trung Quốc. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, nếu vận chuyển qua đường biên giới thì chỉ cần 3 - 5 ngày để giao hàng nên các doanh nghiệp ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Đây cũng là lý do chính khiến xuất khẩu rau quả các thị trường khó tính mặc dù đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn khá hạn chế.
Trong khi đó, đường xuất khẩu đến các thị trường châu Âu và Mỹ kéo dài nhiều ngày đòi hỏi phải có công nghệ bảo quản hạn chế sự hô hấp và thoát ẩm, kéo dài đời sống sau thu hoạch của trái cây trong nhiều ngày. Quan trọng hơn, công nghệ này phải diệt được vi sinh gây bệnh và nấm mốc trên rau quả, hạn chế tối đa sự mất nước và ngăn chặn không cho vi sinh vật có hại và nấm mốc xâm nhập trở lại, theo Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM.
Để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt, trong thời gian gần đây, vấn đề đóng gói, bảo quản nông sản sau thu hoạch được các nhà vườn, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Một số công trình nghiên cứu bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng đang cho những kết quả khả quan.
Đáng chú ý, mới đây, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công màng bao gói biến đổi khí quyển (GreenMAP) giúp rau quả tươi lâu gấp 3 lần bình thường mà không bị tác động của hóa chất. Công nghệ mới này sử dụng khá đơn giản, chi phí thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đã giảm xuống chỉ còn 5%; đồng thời phù hợp cho mục đích chiếu xạ theo quy định của một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ… Hiện màng bao gói này đã đươc sử dụng ở vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); nho (Ninh Thuận); một số đơn vị sản xuất rau mầm, chuỗi cung ứng rau quả…
Giải pháp bảo quản rau củ, trái cây của công ty Sancopack bằng cơ chế biến đổi khí quyển bên trong, tăng hàm lượng khí CO2 và giảm khí O2 về mức tương đương 3%, làm cho rau củ, trái cây bên trong màng bọc ngừng hô hấp, kéo dài độ tươi. Kết hợp với một số giải pháp như xử lý gia nhiệt, ức chế nấm, khóa ethylene (AnsiP) giúp rau trái giữ nguyên màu, nguyên mùi, nguyên vị chất lượng thơm ngon tự nhiên. Sản phẩm đã được Cục quản lý VSATTP (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng VSATTP.
Một thành quả khác của việc liên kết các doanh nghiệp khác nhau trong lĩnh vực công nghiệp đến từ Công ty quốc tế Sao Nam (Sancopack). Từ những năm 2010, công ty này đã mở dịch vụ tư vấn và cung cấp các giải pháp bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Song song với đó, ban giám đốc doanh nghiệp đã tìm đến các nhà khoa học để kết hợp nghiên cứu công nghệ xử lý nấm và vi sinh. Cụ thể, là liên kết giữa doanh nghiệp Sancopack và các nhà khoa học để tìm giải pháp kéo dài thời gian bảo quản cũng như đảm bảo chất lượng và giá trị dinh dưỡng cho nông sản.
Ông Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Sancopack cho biết, phía doanh nghiệp nhận được hỗ trợ rất lớn từ các giáo sư tiến sĩ tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Trung tâm KHCN TP.HCM, Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản. Bên cạnh đó, Sancopack cũng làm việc với các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và các phòng lab trên thế giới như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada và Mỹ.
Nhiều nhà xuất khẩu nông sản đã sẵn sàng thử nghiệm, ứng dụng các giải pháp và đóng góp ý kiến để Sancopack hoàn thiện hơn bộ giải pháp của công ty. Chẳng hạn như công ty xuất nhập khẩu Hòa Lộc Song Kim ở Tiền Giang đã tiên phong áp dụng các giải pháp mới về bảo quản và đóng gói của công ty Sancopack trên trái xoài xuất khẩu đi Nga. Lô hàng này đi bằng đường biển đến Moscow mà vẫn giữ được độ tươi sau 40 ngày. Trái thanh long của công ty Cao Thành Phát từ Bình Thuận đi Canada vẫn tươi mới trong 45 ngày. Công ty Trường Phúc ở Đà Lạt xuất khẩu xà lách lô lô đi Hàn Quốc vẫn tươi nguyên sau 15 ngày...
Được biết, kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt những kết quả ấn tượng. Hiện, EU đứng thứ 3 (chiếm 10,1% thị phần), sau khu vực châu Á (46,5% thị phần) và châu Mỹ (27,0% thị phần). Nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ.
Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan), chuyên gia marketing và thương mại trong lĩnh vực trồng trọt nhận xét, tuy yêu cầu của thị trường EU khá khắt khe nhưng trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được. Lợi thế về sự đa dạng cũng như về chất lượng, nông sản Việt có khả năng vươn xa hơn nữa khi tham gia thị trường này. Điểm yếu cần khắc phục chính là phần hậu cần sau thu hoạch, logistics, không chỉ đạt chuẩn mà còn phải ổn định về chất lượng từ lúc thu hái cho đến khi nông sản tới tay người tiêu dùng.
Trong tình hình đó, các giải pháp mới về bảo quản và đóng gói của các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần giảm chi phí không chỉ cho các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn mà ngay cả những hộ nông dân cũng có khả năng ứng dụng. Thời gian bảo quản của nhiều mặt hàng trái cây tươi tăng lên đáng kể, nhờ đó, nhiều loại trái cây, rau củ tươi của Việt Nam có thể xuất khẩu tốt vào thị trường EU bằng đường biển nên giảm chi phí rất nhiều so với giai đoạn trước đó chủ yếu xuất khẩu bằng đường hàng không.