KỲ VỌNG NGÀNH ICT 2022
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, với việc ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia; phát triển ứng dụng PC-Covid phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước và đã có 32 triệu người sử dụng PC-Covid với hơn 132 triệu mũi tiêm vaccine đã được cập nhập… Việt Nam đã làm chủ được ứng dụng công nghệ để hỗ trợ cho phòng chống dịch Covid-19, nhờ đó tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng nếu dùng công nghệ (truy vết) của nước ngoài.
Thành công lớn nhất trong năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, dù vậy theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là đã “vượt qua nỗi sợ bị phê bình, bị chỉ trích”. “Thay vì lo sợ và tìm cách giấu đi hay bao biện thì chúng ta đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết. Và vấn đề lộ ra không ngờ lại là một cơ may hiếm có để ngành phát triển. Đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin hơn và quan trọng hơn tất cả là tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển”, ông nói tại lễ tổng kết năm 2021 của Bộ.
Năm 2022, theo dự báo của Bộ trưởng, là “năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, gồm: hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí”.
Với các chiến lược mới trên, ở góc độ quản lý, điều hành, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, phẳng hóa bộ máy, tự động hóa các báo cáo, sẽ đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)… Định hướng quản lý và cách vận hành thay vì quy trình, giấy tờ, văn bản, những công việc mang tính lặp đi lặp lại, thì sẽ chuyển sang bằng “máy học”, tự động, quản lý bằng công nghệ và dữ liệu, từ đó một mặt nâng cao hiệu quả và tối ưu cho bộ máy quản lý, tháo gỡ mọi phiền hà, rào cản cho doanh nghiệp, mặt khác Bộ cũng có thể dựa trên dữ liệu để “đặt hàng” doanh nghiệp.
Cuối năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 35 nền tảng số quốc gia, với 6 nhóm (gồm: nhóm các nền tảng hạ tầng số; nhóm các nền tảng công nghệ số cốt lõi (nền tảng trí tuệ nhân tạo; nền tảng thiết bị IoT,…); nhóm các nền tảng chính phủ số; nhóm các nền tảng chuyển đổi số cho lĩnh vực y tế - giáo dục - văn hóa – xã hội; nhóm nền tảng liên quan đến tài chính - ngân hàng - kinh doanh; và nhóm nền tảng nông nghiệp - giao thông - kho vận - công thương). Cùng việc công bố này, Bộ đã giao các “sứ mệnh” cho hàng loạt doanh nghiệp công nghệ trong nước như VNG, VCCorp, Bkav, Trí Nam, Công ty Công nghệ DTT, Công ty TNHH IOTLink, SUN Media, Vingroup (Viện nghiên cứu dữ liệu lớn), Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, VNpost, FPT… là doanh nghiệp nòng cốt chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển.
Với các bài toán về chuyển đổi số, các nền tảng số mà Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam, ngành ICT 2022 được kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm, ứng dụng số, nền tảng số, để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Bên cạnh đó, các sản phẩm số, sản phẩm công nghệ, dịch vụ số ngoài nhiệm vụ giải bài toán trong nước, đáp ứng nhu cầu trong nước mà cũng có thể đi chinh phục thị trường thế giới, nếu được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa về mặt chính sách, cơ chế.
Thật không quá khi nói rằng “lời hứa từ chức” của Bộ trưởng Hùng đã mở ra một tiền lệ mới: Tiền lệ cam kết thay đổi và nhận trách nhiệm. Bởi xưa nay, giữa hàng trăm diễn đàn thường niên của hàng chục bộ ngành nhưng gần như chưa một vị lãnh đạo nào hứa từ chức nếu ngành của mình sau một năm không phát triển, không thay đổi, không giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển.
Sau lời đáp từ và trở lại khán trường, ông Hùng nhận được cái ôm đầy trìu mến cùng ánh mắt gửi gắm niềm tin nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ở Việt Nam, dù hiếm nhưng cũng đã có những ví dụ về cán bộ hoặc cán bộ cao cấp xin từ chức, nhưng số đông trong cái hiếm hoi ấy từ chức là do cá nhân vi phạm pháp luật, bị tổ chức kỷ luật như trường hợp của ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (năm 2020)...
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực đã nói với Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy rằng ông không ngạc nhiên khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quyết tâm sau một năm Thủ tướng đến nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, không thấy được sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số thì Bộ trưởng xin phép từ chức. “Tôi hiểu anh Hùng từ lúc ở Viettel – là người có nhiều ý tưởng, có một sự dấn thân để thực hiện khát vọng của mình. Đấy là suy nghĩ thực tâm của Nguyễn Mạnh Hùng”, ông Trực nói.
Ông Trực, trong cảm nhận của mình, có nhiều lời hứa của nhiều bộ trưởng nhưng là hứa cho một nhiệm kỳ, rồi xã hội cũng quá quen với những lời hứa đó. Trong hoàn cảnh chung như vậy, rất nhiều người e ngại về trách nhiệm và thực sự hơi thiếu lửa của sự dấn thân. Xã hội có nhiều nỗi buồn về những cán bộ như thế, chứ chưa nói đến chuyện tham nhũng nên một câu nói đến từ một cán bộ cao cấp (của Bộ trưởng Hùng) khiến nhiều người ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
Sự khích lệ và gửi gắm niềm tin của Thủ tướng tại sự kiện diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số, theo người có cả cuộc đời gắn bó với ngành thông tin và truyền thông ở cả góc độ quản lý doanh nghiệp lẫn “vai” chính khách Mai Liêm Trực, không chỉ tạo cho Bộ trưởng Hùng thấy được trách nhiệm trên vai mình và khát vọng được đẩy lên ở mức độ rất sâu lắng, mà còn tiếp thêm ý chí cho Bộ trưởng như lâu nay đã thành công ở Viettel và gần ba năm về Bộ với những quyết tâm để đổi mới công tác quản lý.
Lời hứa đó cũng đã tạo áp lực rất mạnh cho cán bộ công nhân viên của ngành. Với doanh nghiệp số, lời hứa của Bộ trưởng đã khuyến khích, dẫn dắt các doanh nghiệp để có những khát vọng, những ý tưởng, sáng tạo, góp phần đẩy đất nước đi lên sau khó khăn của thời chiến tranh, khó khăn của thời bao cấp, và sau những trì trệ và hư hỏng gần đây của chung xã hội cũng như của quan chức cao cấp.
Theo ông Trực, một năm là rất ngắn và nguồn lực của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hạn chế, nhưng ông tin những khát vọng, ý chí và lời hứa về sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, những sản phẩm công nghệ số do doanh nghiệp công nghệ Việt làm ra của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có thể thành công. Thậm chí, theo ông, ngành viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam cho dù khó có thể thay đổi hẳn trong một năm, thì “lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng” quan trọng hơn cả là sẽ tạo được một môi trường tự do sáng tạo, một môi trường không còn quá nhiều rào cản.
“Đó có thể sẽ là sự khởi đầu, thể hiện sự dấn thân mà nếu các doanh nghiệp đồng lòng, nếu các bộ ngành khác cũng nỗ lực vào để tạo nên môi trường thông thoáng, môi trường bớt rào cản, và bớt những khó khăn cho doanh nghiệp thì những ý tưởng, khát vọng, mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đóng góp vào chung cho sự phát triển của giai đoạn chuyển đổi số khá mạnh mẽ đang bắt đầu, đầy triển vọng trong thời gian sắp tới”, ông Mai Liêm Trực tin tưởng.
VnEconomy 02/02/2022 07:00