Ngành lương thực thực phẩm TP.HCM hướng đến phát triển bền vững
4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của TP.HCM giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trước những khó khăn đang diễn ra, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm Thành phố cần nắm bắt xu hướng phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực, đổi mới tập trung vào tính bền vững…
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Tư TP.HCM (ITPC), ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp ngành này tại Thành phố không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như một số ngành khác, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của TP.HCM đang gặp khó do cả nguyên nhân nội tại lẫn bên ngoài.
NGÀNH LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM TIẾP TỤC ĐỐI MẶT VỚI KHÓ KHĂN
Trong quý 1/2023, mặc dù bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn khi chỉ số sản xuất công nghiệp IIP toàn ngành giảm 2,2% so với cùng kỳ, thì ngành lương thực thực phẩm Việt Nam vẫn tăng trưởng dương khi chỉ số IIP tăng 3,4% và chỉ số tồn kho giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của TP.HCM quý 1/2023 giảm 1,75% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của Thành phố giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.
“Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm tại TP.HCM vẫn đang hết sức khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến,… nhưng nhu cầu thị trường vẫn còn yếu”, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết.
Cũng theo ông Hiến, sự sụt giảm sản xuất ngành tại TP.HCM đến từ cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài. Trong đó, sức mua thị trường nội địa dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất. Chỉ số tiêu thụ lương thực thực phẩm (bao gồm bán buôn và bán lẻ) giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao khiến khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Dự báo của FFA, doanh nghiệp ngành này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh khó khăn chung vẫn đang hiện hữu và sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Để doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm TP.HCM phục hồi và phát triển, theo ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm lúc này cần nhất là các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất.
“Cần có các hoạt động xúc tiến thương mại, để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi, vượt qua khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông Lữ cho biết.
Về xu hướng phát triển mới của ngành lương thực thực phẩm TP.HCM trong thời gian tới, ông Hiến cho biết, việc tối ưu hóa nguồn lực, đổi mới tập trung vào tính bền vững đóng vai trò quan trọng. Người tiêu dùng quan tâm đến tính bền vững trong lựa chọn thực phẩm, xu hướng bảo vệ môi trường và đề cao trách nhiệm chung từ vật liệu, bao bì và quá trình sản xuất.
“Ngành thực phẩm có thể phải đối mặt với sự gia tăng quy định liên quan đến phát thải, sử dụng tài nguyên và chất thải. Điều này buộc nhiều doanh nghiệp thực phẩm phải thay đổi và cải thiện đáng kể trong các vấn đề về chất thải và năng lượng”, ông Hiến nhấn mạnh.
Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng đề cao sức khỏe cá nhân và tính bền vững với môi trường khi lựa chọn thực phẩm như các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, sản phẩm hữu cơ, lành mạnh ngày càng thịnh hành, chiếm lĩnh trên thị trường toàn cầu.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành lương thực thực phẩm, nhiều sự kiện nhằm thúc đẩy, hỗ trợ ngành này đã được diễn ra. Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tổ chức sự kiện “Cụm công nghiệp hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam”. Tại sự kiện, đại diện các cơ quan quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng đã thảo luận và tìm giải pháp để xây dựng các cụm ngành kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Nestlé Việt Nam cho biết, để chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, Nestlé thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy nông nghiệp tái sinh trong chăn nuôi và trồng trọt. Từ nay đến năm 2030, Nestlé cam kết 50% thành phần chính trong sản phẩm của Tập đoàn đến từ nguồn nông nghiệp tái sinh.
Bên cạnh đó, vào ngày 28 đến 30/6 sắp tới, TP.HCM sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM lần thứ 2 năm 2023 (HCMC FOODEX 2023) với mục tiêu “Kết nối giá trị cùng phát triển” do ITPC phối hợp FFA và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.