Người lao động ở các nước phát triển làm việc bao nhiêu giờ mỗi năm?
Đồ thị thông tin dưới đây biểu thị số giờ làm việc hàng năm của người lao động tại một số nền kinh tế trên thế giới với dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đồ thị cũng bao gồm số ngày làm việc 8 tiếng của các quốc gia...
Đứng đầu danh sách là 3 quốc gia châu Mỹ gồm Mexico, Costa Rica, và Chile với số giờ làm việc hàng năm lần lượt là 2.207, 2.171 và 1.953 giờ, tương ứng với 276, 271 và 244 ngày làm việc 8 tiếng.
Điểm chung của 3 quốc gia này là đều có nền kinh tế phụ thuộc vào các ngành sử dụng nhiều lao động như nông nghiệp. Bên cạnh đó, mạng lưới an sinh xã hội tại các quốc gia này không phủ rộng khắp, đồng nghĩa người lao động phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu hỗ trợ từ chính phủ. Ngoài ra, mức lương thấp cũng khiến người lao động phải làm việc nhiều giờ hơn để cải thiện mức sống.
Đứng cuối danh sách là các quốc gia châu Âu, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, với số giờ làm việc ít nhất. Đáng chú ý, tại Liên minh châu Âu (EU), người lao động được hưởng kỳ nghỉ hưởng lương ít nhất 4 tuần mỗi năm.
Điều này ngược với ở Mỹ - quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới không đảm bảo kỳ nghỉ hưởng lương cho người lao động. Người lao động Mỹ làm việc 1.799 giờ mỗi năm, tương đương 225 ngày làm việc 8 tiếng. Theo đó, Mỹ nằm trong top đầu quốc gia có số giờ lao động nhiều nhất.
Ở châu Á, người lao động Hàn Quốc làm việc 1.872 giờ mỗi năm, tương đương 234 ngày làm việc 8 tiếng - nhiều thứ 6 trong danh sách này. Trong khi đó, Nhật Bản nằm ở top cuối khi người lao động làm việc 1.611 giờ mỗi năm, tương đương 201 ngày làm việc 8 tiếng.