Người Việt tiêu 280 USD qua kênh online năm 2020, thụt lùi so với 2019
Tổng mức chi tiêu qua kênh trực tuyến tại Việt Nam đạt trung bình 280 USD/người, giảm 9% so với năm 2019, trong đó, các giao dịch qua POS di động chiếm 21,8%, giao dịch trực tuyến chiếm 78,2%...
Thị trường thanh toán điện tử đang chịu sự ảnh hưởng do nền kinh tế suy giảm với tổng giá trị giao dịch kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2020 đạt 11,607 triệu USD.
Báo cáo “Ứng dụng di động 2021” vừa được Công ty công nghệ giải trí số Appota phát hành, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 30,8% dân số có tài khoản ngân hàng, đứng vị trí thứ 6 Đông Nam Á, tỷ lệ sử dụng thẻ debit gần 27%, thẻ credit hơn 4%.
Trong năm 2020, tổng mức chi tiêu qua kênh trực tuyến tại Việt Nam đạt trung bình 280 USD/người, giảm 9% so với năm 2019. Trong đó, các giao dịch qua POS di động chiếm 21,8%, giao dịch trực tuyến chiếm 78,2%.
“Do các thiệt hại tài chính và kinh tế ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, giá trị giao dịch năm 2020 không chứng kiến sự tăng trưởng lớn so với năm 2019”, báo cáo nhận xét.
Tổng giá trị giao dịch kĩ thuật số tại Việt Nam năm 2020 đạt 11,607 triệu USD. Tuy nhiên, dự báo năm 2021 khi tinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch, giá trị thanh toán sẽ gia tăng khoảng 30%, tương ứng đạt giá trị 15,071 triệu USD.
Do đó dự báo tổng chi tiêu đầu người năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt giá trị 323,5 USD/người.
Cũng theo báo cáo “Ứng dụng di động 2021”, 2020 là một năm bùng nổ của các ví điện tử. Làn sóng Covid-19 và sự thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của Chính phủ trong năm 2020, các ví điện tử đứng đầu tại Việt Nam đã hưởng lợi mạnh mẽ từ sự thay đổi trong thói quen thanh toán và lượng người dùng gia tăng mạnh mẽ trong năm qua.
Cụ thể, năm qua có 121 start-up hoạt động trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực thanh toán điện tử có số lượng start-up lớn nhất, chiếm 31%. Cao gấp hai lần so với lĩnh vực P2P lending (cho vay ngang hàng) với 16%.
Báo cáo dẫn ví dụ tháng 9/2020, ví Momo công bố đạt 20 triệu người dùng cá nhân, trở thành ví điện tử có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam. Ngay sau đó trong báo cáo Economy SEA 2020 của Google, cho biết start-up thanh toán VNPay đã được định giá trên 1 tỷ USD, điều đó có nghĩa VNPay được công nhận là start-up “kì lân” thứ hai tại Việt Nam.
So sánh lượt tải giữa ba thương hiệu ví điện tử, Momo giữ vị trí là ví điện tử được tải nhiều nhất trong đó đỉnh điểm là tháng 2 và tháng 3 khi lần lượt đạt 992,000 và 839,000 lượt tải. ViettelPay và ZaloPay đang có sự cạnh tranh gay gắt khi ZaloPay bứt phá mạnh trong quý 4/2020 với mưc tăng trưởng mạnh về lượt tải.
Tuy nhiên, tính đến tháng 2/2021, lượt tải trong tháng này của ZaloPay đã vượt qua ViettelPay. Điều này chứng tỏ thị trường thanh toán đang là thị trường có quy mô lớn nhất lĩnh vực fintech, dù rằng ngược lại cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cởi mở hơn trong việc liên kết với các ví điện tử cũng được đề cập trong báo cáo “Ứng dụng di động 2021”. Điển hình trong năm 2021, ví Appota đã có sự liên kết với 1 số ngân hàng như MB bank, ngân hàng Nam Á, ngân hàng OCB. AirPay cũng có sự kết nối thành công với ngân hàng MSB, Techcombank.
Theo đó, các ví sẽ kết nối với nhau, kết nối với các ngân hàng, các doanh nghiệp, đơn vị chấp nhận ví để tạo ra hệ sinh thái đầy đủ và hoàn thiện để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng ví, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.