08:00 03/12/2019

Thời của Fintech đang “gõ cửa”, doanh nghiệp bất động sản Việt vào cuộc

Khánh An

Không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, Việt Nam những năm trở lại đây cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech

Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này.
Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này.

Fintech chắc hẳn là từ không còn xa lạ với những ai theo dõi sát ngành tài chính trong mấy năm trở lại đây. Là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này. Hiện tại các công ty cho vay P2P (kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet) đã hoạt động, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền thống xuống chỉ còn vài giờ.

Từ chỗ ban đầu chỉ là lĩnh vực có quy mô nhỏ lẻ mang nhiều tiềm năng ứng dụng, đến nay Fintech đã và đang thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia công nghệ, tài chính và giới đầu tư trên thế giới. Tổng lượng đầu tư vào công nghệ tài chính trong nửa đầu năm 2018 đã đạt mức 31,7 tỷ USD với khoảng 450 thương vụ đầu tư được thực hiện thành công, tăng gần gấp 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 (KPMG).

Con số trên đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Fintech trong những năm vừa qua, biến lĩnh vực này trở thành một phần lĩnh vực tài chính, hứa hẹn góp phần thay đổi bộ mặt của ngành tài chính trên thế giới.

Không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, Việt Nam những năm trở lại đây cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech. Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn hai lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong đó lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 26 công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động. Tiếp đó là lĩnh vực cho vay ngang hàng với sự góp mặt của khoảng 10 công ty trên thị trường. Các công ty còn lại cung ứng các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới khách hàng sử dụng cuối cùng như bảo mật, e-KYC, quản lý tài sản…

Lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT tham gia vào thị trường… qua cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech…

Công ty tư vấn Solidiance mới đây đã đưa ra dự đoán rằng, giá trị giao dịch của thị trường Fintech với tốc độ phát triển như hiện nay sẽ có thể tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020 so với mức 4,4 tỷ USD đã đạt được trong năm 2018.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là miền đất hứa nhưng theo các chuyên gia thì hiện tại vẫn còn nhiều lực cản đối với Fintech. Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Văn Minh - Phó tổng giám đốc Sunshine Tech (thương hiệu phát triển công nghệ của Sunshine Group) cho rằng: Fintech phát triển nhanh nhưng chưa xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Từ năm 2015, các startup về Fintech (công nghệ tài chính) bắt đầu phát triển mạnh hơn tại Việt Nam. Nếu như năm 2016, chúng ta chỉ có 40 công ty Fintech thì hiện tại, con số này đã là gần 100 công ty. Nhưng so với các nước trong khu vực thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn khi Singapore có 490 công ty, Indonesia 262 công ty, Malaysia 196 công ty...

Cũng theo ông Minh, hiện nay các công ty Fintech của Việt Nam vẫn chưa phong phú về dịch vụ: "Trong số gần 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam thì phần lớn trong số họ hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Vì thế, khi nghĩ đến Fintech, đa số mọi người đều cho rằng đó là những công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán hoặc ví điện tử. Nhưng thực chất Fintech còn bao trùm một số phân khúc khác như cho vay ngang hàng, blockchain/tiền mã hóa, quản lý tài sản, ngân hàng số, điểm bán hàng (POS), kết nối tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ bảo hiểm, kênh đầu tư cho các nhà đầu tư...".

Vị đại diện về công nghệ của Sunshine cũng khẳng định: "Tương lai của thế giới nằm trong tay Fintech, không bắt kịp chúng ta dễ bị tụt hậu phía sau. Tại Việt Nam, không chỉ các ngân hàng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà một số ông lớn bất động sản có tầm nhìn tốt, định hướng chiến lược đã bắt đầu chuyển hướng phát triển ứng dụng Fintech trong quản lý, bán hàng và thậm chí cung cấp dịch vụ cho cư dân".