Năm 2021 diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại sôi động của Đảng và Nhà nước ta. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại trong năm vừa qua?
Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước ta tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mở ra một giai đoạn mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong khi đó, thế giới đang trải qua những biến động nhanh và phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu và trong nước.
Quán triệt đường lối Đại hội XIII và các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã được triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có thể khái quát như sau:
Một là, chúng ta đã thúc đẩy quan hệ với các đối tác một cách đồng bộ, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII được triển khai linh hoạt, kết hợp sáng tạo hình thức trực tiếp và trực tuyến, qua đó đã củng cố lòng tin, tạo động lực cho phát triển quan hệ với nhiều đối tác, góp phần quan trọng củng cố cục diện đối ngoại ổn định, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ được các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Hai là, việc thực hiện hiệu quả chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam. Đặc biệt là, chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, phát huy các kết quả Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN; trúng cử vào nhiều tổ chức đa phương có uy tín. Chúng ta đã cam kết có trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26; tích cực đóng góp tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng khác.
Ba là, cùng với quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại tiếp tục đóng góp vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Chúng ta đã kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán với các nước liên quan tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, giữ vững không khí hữu nghị, bảo vệ đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bốn là, công tác ngoại giao kinh tế đã triển khai mạnh mẽ, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Dù chịu nhiều tác động, trở ngại của đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế với các đối tác vẫn được duy trì và mở rộng, nhất là gia tăng xuất khẩu, củng cố lòng tin cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, chúng ta đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, tranh thủ được sự hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của quốc tế cho phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Năm là, ngoại giao văn hóa tiếp tục quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chúng ta đã vận động UNESCO công nhận mới 6 di sản/danh hiệu và tôn vinh 3 danh nhân Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Sáu là, triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự ủng hộ quý báu của kiều bào ta cho phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, công tác ngoại giao của đất nước và ngành ngoại giao nói riêng đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới nào, thưa Bộ trưởng?
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ nhiệm vụ “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại” trong việc thực hiện 3 mục tiêu: “tạo lập và giữ vững môi trường, hoà bình, ổn định”, “huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước” và “nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Công tác đối ngoại của đất nước và ngành ngoại giao nói riêng đang được triển khai trong bối cảnh chiến lược mới. Cơ sở cho nhận thức này xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược mới, từ tầm vóc và vị thế mới của đất nước và từ những thay đổi của cục diện quốc tế. Mục tiêu cao nhất của đối ngoại là phải tích cực đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu phát triển chiến lược đến 2025, 2030 và 2045 của đất nước.
Yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại và ngành ngoại giao “cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai”. Nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao tất yếu sẽ gắn chặt và liên thông nhiều hơn nữa với các nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. Quá trình phối hợp sẽ cần đáp ứng các tiêu chí mới về nội dung và tính thời điểm, theo tinh thần: chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, từ sớm, từ xa.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và kết luận của Hội nghị đối ngoại toàn quốc, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là:
Thứ nhất, ngoại giao phải tiếp tục đi tiên phong trong tạo lập, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, tiếp tục đưa quan hệ giữa nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, gia tăng tin cậy chính trị, đan xen lợi ích; phát huy tối đa điểm đồng trên nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Thứ hai, đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển là nhiệm vụ trung tâm, tạo chuyển biến mới, mạnh mẽ về tư duy, cách làm theo hướng sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; quyết tâm đi vào những lĩnh vực, hướng đi mới, chuyển biến mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, lao động, giao lưu nhân dân, chống biến đổi khí hậu… trong quan hệ với các đối tác, thiết thực phục vụ các định hướng phát triển của đất nước; lồng ghép hiệu quả các nội hàm, mục tiêu phát triển vào các lĩnh vực và nhiệm vụ đối ngoại.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phù hợp với thế và lực mới của đất nước, triển khai hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đóng góp tích cực vào Cộng đồng ASEAN, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN; tăng cường tham gia trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, APEC, ASEM…; chủ động thúc đẩy hợp tác thực chất hiệu quả với các cơ chế đa phương khác như G20, G7, BRICS, WEF, OECD…
Thứ tư, triển khai toàn diện và mạnh mẽ công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hoá đến 2030, thúc đẩy công nhận các di sản, danh hiệu, khai thác hiệu quả hơn hợp tác với UNESCO và các đối tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục. Triển khai hiệu quả, kịp thời công tác thông tin đối ngoại, tăng cường thông tin trên nền tảng số.
Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, nhất là các vấn đề tác động trực tiếp, lâu dài đến an ninh, phát triển của đất nước và các vấn đề cấp bách trước mắt như phòng chống dịch, phục hồi kinh tế...
Thứ sáu, đẩy mạnh xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, năng lực, chuyên môn, phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, tư duy đổi mới, sáng tạo, nhạy bén, có tinh thần chủ động tiến công. Đồng thời, tiếp tục nâng cao sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các kênh và cơ quan đối ngoại, phát huy vai trò của Bộ Ngoại giao là cơ quan điều phối các hoạt động đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất quản lý đối ngoại, gia tăng tính bổ trợ, tạo thành sức mạnh tổng hợp về đối ngoại của đất nước.
VnEconomy 01/02/2022 09:00