08:07 22/10/2022

Những khuyến cáo cho người lao động đi làm việc tại châu Phi an toàn

Dũng Hiếu

Người lao động cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động ở nước ngoài, tránh để bị lừa đảo hay môi giới lao động bất hợp pháp...

Một buổi thực hành dành cho lao động chuẩn bị ra nước ngoài làm việc. Ảnh: Lý Hà
Một buổi thực hành dành cho lao động chuẩn bị ra nước ngoài làm việc. Ảnh: Lý Hà

Trước việc công dân Việt Nam bị lôi kéo đưa đi lao động tại nước ngoài, trong đó có một số quốc gia ở châu Phi, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã thông tin chính thức về thị trường tiếp nhận lao động tại châu Phi.

Trong đó, cơ quan này đã đưa ra những khuyến cáo nhằm đảm bảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tránh bị lừa đảo.

CÁC NƯỚC CHÂU PHI TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong hai năm gần đây, cơ quan này đã nhận được hồ sơ đăng ký hợp đồng của một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đề nghị đưa lao động đi làm việc tại một số quốc gia tại khu vực châu Phi. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chấp thuận cho các doanh nghiệp đưa lao động sang một số quốc gia châu Phi.

 

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo và đề nghị người lao động thông tin về các tổ chức, cá nhân tuyển lao động đi làm việc tại châu Phi ngoài những thị trường và doanh nghiệp dịch vụ đã nêu, để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại Algeria, ngành nghề xây dựng, các doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận, gồm: Công ty Cổ phân nhân lực và thương mại Vinaconex -VINACONEXMEC; Công ty cổ phần phát triển nhân lực và Thương mại Việt Nam - VINAMEX; Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Vinacom Việt Nam – VINACOM; Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long - Thăng Long OSC; Công ty Cổ phần phát triển và xúc tiến thương mại Việt Nam - HR VINA.

Tại Cộng hòa Djibouti, ngành nghề xây dựng, doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận là Công ty Công ty Cổ phần quốc tế VXT.

Tại Cameroon, ngành nghề thợ hàn, thợ điện và đốc công, doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận là Công ty TNHH MTV Cung ứng nhân lực và dịch vụ VN Steel – VMSC.

Tại Cộng hòa Seychells, ngành nghề thuyền viên, doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận: Công ty cổ phần vận tải và đầu tư thương mại An Thái - ATACOO.

Khuyến cáo người lao động đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết người lao động cần trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng được Cục thẩm định cho phép tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến công việc sẽ làm ở nước ngoài, yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ cũng như các khoản chi phí phải nộp để đi làm việc ở nước ngoài đối với từng nước, từng ngành, nghề và công việc cụ thể.

Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài: Người lao động cần làm thủ tục đăng ký hợp đồng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi cư trú để đảm bảo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật nước/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, tránh trường hợp bị lừa đảo.

KHUYẾN CÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN TÌM HIỂU KỸ THÔNG TIN   

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Bình, đại diện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Angola (kiêm nhiệm CHDC Congo, Zambia, và CH Congo), cho biết thời gian gần đây, Đại sứ quán nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ những công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại một số nước.

Những công dân này cho biết đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do nghe môi giới lao động (cả người Việt Nam và nước ngoài) rủ rê, lôi kéo sang CHDC Congo, Zambia, và CH Congo làm việc.

Nhiều trường hợp lao động nam bị lôi kéo đi làm công nhân xây dựng, lái xe, với mức lương từ 1.500 - 3.000 USD/tháng, khi đi chỉ tạm ứng khoảng 1.000 USD. Môi giới cũng hứa hẹn nếu không làm được hoặc muốn về Việt Nam, người lao động chỉ mất tiền vé máy bay.

Đối với một số lao động nữ được môi giới hứa giới thiệu công việc lương cao (tương đương từ 30-90 triệu đồng), với điều kiện ăn ở tiện nghi, nhưng trên thực tế lại bị đưa tới các cơ sở karaoke trá hình hoặc sòng bài.

Khi người lao động đến các nước trên đã bị chủ sử dụng lao động thu giữ hộ chiếu, khấu trừ tiền ăn ở, nợ lương/giảm lương, chuyển giao cho chủ khác, khấu trừ nợ lên tới 8.000 USD với danh nghĩa chi phí đưa sang nước đó.

Khi người lao động muốn trở về Việt Nam thì phải nộp tiền đền bù, nếu không chủ sử dụng lao động sẽ bị báo cảnh sát sở tại bắt giữ vì cư trú trái phép hoặc bị giam giữ, nếu tự ý bỏ trốn sẽ có thể ảnh hưởng tới an toàn của bản thân. Nhiều người không biết ngoại ngữ nên rất khó khăn trong việc tự liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để bảo vệ mình.

Trước sự việc này, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola khuyến cáo người lao động Việt Nam tại Angola và trong nước cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đi lao động tại các nước châu Phi nêu trên.

Liên quan tới việc lao động là công dân Việt Nam bị lôi kéo đưa đi lao động tại một số nước thuộc châu Phi, chiều 20/10, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, đã cho biết đến thời điểm này, tình hình đã ổn định và được cải thiện hơn. Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Angola tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, làm việc với các chủ sử dụng lao động để xử lý các vấn đề phát sinh.

Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam để kịp thời có các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao - bà Lê Thị Thu Hằng, khuyến cáo: Công dân Việt Nam, người lao động cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động ở nước ngoài, tránh để bị lừa đảo hay môi giới lao động bất hợp pháp. Khi có vấn đề phát sinh, công dân cần liên hệ ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một cách trực tiếp hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân.

 

Người lao động có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 024.38249517 (máy lẻ 301, 302 và 513), để được thông tin và tư vấn chi tiết.

 Trong trường hợp cần hỗ trợ, người lao động tại các nước trên có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola theo thông tin dưới đây:

 Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Địa chỉ: số 74 đường Houari Boumediene, quận Miramar, thủ đô Luanda, Angola.

 Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn; sqvnangola@gmail.com.

 Hoặc liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Tiến Bình, số hotline bảo hộ công dân +244 922 668 019.