11:12 04/05/2021

Những lưu ý để khẩu trang không thành “ổ bệnh” 

Hoài Phương

Việc đeo khẩu trang là bảo vệ chính mình và để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhưng nếu khẩu trang được đeo không đúng cách, thậm chí còn phản tác dụng.

Chúng ta đều biết, mặt ngoài của khẩu trang giống như tấm giáp ngăn không cho vi khuẩn, virus tiếp cận vùng mũi miệng - là cửa sổ tự nhiên để từ đó mầm bệnh xâm nhập vào họng - phổi và gây bệnh. Những gì chúng ta tiếp xúc sẽ được lưu lại ở bề mặt ngoài của khẩu trang biến nó thành "ổ bệnh".

Mới đây, theo trang tin CNA (Singapore), việc kéo khẩu trang xuống dưới cằm mỗi khi ăn uống sẽ khiến cho việc phòng dịch Covid-19 trở nên uổng phí. Tiến sĩ Catherine Ong, chuyên gia tư vấn của bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho hay: Bề mặt của khẩu trang thường chứa vi khuẩn. Với một người nhiễm bệnh, các phần tử virus sẽ tích tụ trên bề mặt khẩu trang tiếp xúc với da mặt.

Đeo tạm khẩu trang lên cổ tay hay cánh tay không phải là cách làm hay.
Đeo tạm khẩu trang lên cổ tay hay cánh tay không phải là cách làm hay.

"Hơn nữa, khẩu trang thường bị làm ẩm bởi các giọt nước bọt và dịch hô hấp, khiến cho bề mặt bên trong của nó càng thuận lợi hơn để virus tồn tại so với một bề mặt khô" - bà Catherine Ong cho biết. "Kéo khẩu trang xuống cằm có nghĩa là bề mặt ngoài của khẩu trang có thể tiếp xúc với mặt, có thể là môi dưới của bạn, lây lan các mầm bệnh trực tiếp đến miệng và mặt của bạn".

Trong khi đó, việc đeo tạm khẩu trang lên cổ tay hay cánh tay cũng không phải là cách làm hay. Mặc dù mồ hôi không được biết đến là làm lây lan Covid-19, nhưng khi đổ mồ hôi, bạn có thể vô tình chạm vào mặt, làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh từ tay hoặc cánh tay sang mắt, mũi, miệng. Ngược lại, bạn cũng có thể đưa vào miệng nhiều mầm bệnh hơn khi đeo khẩu trang trở lại.

Như thế, bạn đã vô tình lây lan mầm bệnh một cách hiệu quả từ cánh tay, bộ phận có thể đã chạm vào nhiều bề mặt thông thường, sang mũi và miệng của mình. Lựa chọn tốt nhất là nên có một chiếc túi zip sạch để bảo vệ khẩu trang khỏi tác động của môi trường bên ngoài.

Đồng thời, nếu đưa tay lên sờ vào bề mặt ngoài khẩu trang mà không sát khuẩn tay ngay sau đó là vô tình đưa hết những gì bẩn nhất từ khẩu trang vào tay mình. Từ bàn tay, mọi người lại sờ lên mặt, phát tán vi khuẩn đi nơi khác… Lúc này, mọi người cần tự ý thức để hạn chế đưa tay lên cùng mặt vì đó là thói quen mất vệ sinh nếu đôi bàn tay ta đang bẩn.

Do đó, trước khi đưa tay lên vùng mặt hoặc sửa khẩu trang cần rửa tay, sát khuẩn tay nhanh. Sau khi sát khuẩn tay nhanh, luồn ngón tay của mình vào mặt trong của khẩu trang (vùng sạch) để chỉnh sửa khẩu trang.

Đưa tay sờ vào bề mặt ngoài khẩu trang mà không sát khuẩn tay ngay sau đó là vô tình đưa hết những gì bẩn nhất từ khẩu trang vào tay mình.
Đưa tay sờ vào bề mặt ngoài khẩu trang mà không sát khuẩn tay ngay sau đó là vô tình đưa hết những gì bẩn nhất từ khẩu trang vào tay mình.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, nhiều người sau khi dùng khẩu trang 1 ngày để đi làm, tiếp xúc bao người nhưng về không vứt đi (loại dùng 1 lần) hoặc không giặt với xà bông sát khuẩn với khẩu trang vải mà lại treo lên, thậm chí đút vào trong túi áo quần rồi ngày mai tái dùng tiếp.

Điều này rất nguy hiểm vì sau một ngày dài nơi công cộng, khẩu trang lưu trên không biết bao nhiêu chất bẩn, hạt nước bọt của mọi người. Các loại virus, vi khuẩn sau một đêm có thể xâm nhập lên toàn bộ chiếc khẩu trang. Tốt nhất với khẩu trang dùng 1 lần bắt buộc bỏ vào thùng rác có nắp đậy và giặt với xà bông sát khuẩn với khẩu trang vải trước khi dùng lại.