Những vùng da nổi mụn nói lên điều gì?
Theo y học cổ truyền, sắc thái da từng vùng trên khuôn mặt sẽ phản ánh hoạt động của các bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Xét theo phương diện khoa học thì khuôn mặt chính là cánh cửa để mở ra những vấn đề sức khỏe đang tiềm ẩn bên trong cơ thể bạn. Muốn cải thiện mụn có hiệu quả, chúng ta cần xem xét tác động phối hợp cả căn nguyên bên trong cơ thể và bên ngoài. Thực tế, có thể dựa vào vị trí mọc mụn trên khuôn mặt để xác định xem bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào.
Mụn vùng trán
Vùng trán được coi là khu vực phản ánh cơ thể bạn đang bị “quá tải” độc tố như hấp thụ quá nhiều thịt đỏ, chất béo bão hoà hay rượu… Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc, tạo kiểu tóc khi kết hợp với mồ hôi cơ thể túa ra lúc vận động cũng có thể là nguyên nhân gây mụn vùng trán.
Biện pháp xử lý: để khắc phục tình trạng này, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau củ tươi và uống các loại trà thảo dược, nước lọc để giúp thải trừ bớt độc tố và thanh nhiệt cơ thể. Bạn cũng nên cắt giảm bớt lượng thịt đỏ hấp thụ và hạn chế lượng rượu đưa vào cơ thể lúc này. Ngoài ra, giữ tóc sạch và không sử dụng các sản phẩm tạo kiểu tóc ở vùng trán cũng sẽ giúp tình trạng mụn không bị trầm trọng thêm.
Mụn vùng má
Phát ban và nổi mụn ở vùng má có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm da tiếp xúc hoặc dị ứng da nhẹ do các sản phẩm chăm sóc da, trang điểm, nước hoa hoặc thậm chí là do sử dụng kính sát tròng.
Nếu ở những vùng da này xuất hiện các nốt như nốt mụn chứng cá kèm theo những vết đỏ trên da, có thể là bạn đã bị mắc chứng da ửng đỏ (rosacea), da đặc biệt nhạy cảm, dễ bị kích ứng, mao mạch dưới da bị giãn… Nếu các nốt mụn có hiện tượng bong tróc vảy, có thể là bạn đang bị viêm da hoặc viêm da tiết bã. Lúc này, bạn nên gặp các chuyên gia da liễu để có lời tư vấn trị liệu hợp lý nhất.
Biện pháp xử lý: để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng da, đặc biệt là đối với chứng da ửng đỏ, tốt nhất bạn nên hạn chế tiếp xúc với mỹ phẩm, ánh mặt trời và khí hậu lạnh. Bạn cũng nên cắt giảm các loại thực phẩm cay hay sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ngăn ngừa kích ứng da trước khi sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm.
Mụn quanh vùng miệng
Mụn trứng cá quanh miệng và cằm rất có thể là biểu hiện của người bị hội chứng buồng trứng đa nang nếu có kèm thêm các triệu chứng như khó thụ thai, kinh nguyệt không đều, có nhiều lông cơ thể, rụng tóc, tăng cân… Nếu các nốt mụn mọc dày xung quanh miệng khiến lớp da trông ửng đỏ, sần, có cảm giác bỏng rát trên da thì có thể là bạn đang bị viêm da quanh miệng.
Nguyên nhân có thể là do tác động của các loại mỹ phẩm dưỡng ẩm, trang điểm, chống nắng hoặc sử dụng các loại kem có chứa steroid. Nếu nốt mụn xuất hiện đi kèm với các đường nứt nẻ da, có thể là do cơ thể đang thiếu hụt vitamin C, sắt…
Biện pháp xử lý: lúc này, bạn nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm một thời gian để kiểm tra phản ứng da. Bạn cũng không nên dùng các loại kem chống lão hoá có chứa retin-A vào thời điểm này vì chúng có thể khiến tình trạng viêm da trở nên trầm trọng hơn. Bạn cũng nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày để bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất tự nhiên cho cơ thể.
Mụn vùng xương hàm
Mụn xuất hiện ở vùng xương hàm có thể là do sự căng thẳng thần kinh gây ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, hoặc chỉ đơn giản là do bạn tì cằm nhiều vào… chiếc điện thoại di động ít khi vệ sinh của mình. Ngoài ra, nếu những nốt mụn ở khu vực này tồn tại dai dẳng, chúng cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về răng.
Biện pháp xử lý: tốt nhất là bạn nên giữ tinh thần thoải mái và giữ vệ sinh cho những vật dụng có điều kiện tiếp xúc với vùng da này như điện thoại di động, dây cài nón bảo hiểm… Nếu thấy tình trạng mụn kéo dài lâu, bạn cũng nên lên lịch thử kiểm tra răng miệng.
Mụn vùng cằm
Các nốt mụn xuất hiện ở cằm thường là do vấn đề nội tiết tố. Ngoài ra, chúng có thể là do thói quen đưa tay không sạch lên sờ vào vùng da cằm của bạn.
Biện pháp xử lý: cách khắc phục là bạn nên thường xuyên giữ sạch đôi tay, nên hạn chế chạm tay vào mặt khi trên tay có dùng các sản phẩm dưỡng da tay, sơn móng tay… để tránh gây dị ứng. Nếu mụn xuất hiện là do nội tiết tố, lúc này, chỉ có các chuyên gia nội tiết mới có thể giúp bạn.
Mụn vùng mũi
Mụn trên mũi có thể là sự cảnh báo bạn đang gặp phải vấn đề về tim mạch như huyết áp cao, thường xuyên căng thẳng… Ngoài ra, các vấn đề về hệ sinh sản (buồng trứng) khiến mụn xuất hiện ở vùng mũi.
Biện pháp xử lý: bạn cần tránh những thực phẩm làm tăng mỡ máu, thay thế bằng chế độ ăn lành mạnh, giảm cholesterol và duy trì huyết áp bình thường. Đồng thời, thường xuyên sử dụng trà thảo dược giải nhiệt cho cơ thể.
Mụn mọc phía trên lông mày
Theo y học cổ truyền, mụn ở vùng phía trên chân mày có nghĩa là bạn đang gặp phải các vấn đề về thần kinh. Trong đó, phần nhiều đến từ sự lo âu, suy nghĩ, trầm cảm kéo dài.
Biện pháp xử lý: hãy thả lỏng cơ thể, thư giãn, ngủ ngon và dành nhiều thời gian bên cạnh người thân yêu để lấy lại tinh thần. Đừng quên chú ý đến chế độ ăn uống tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.