Nợ công và bầu cử có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây cảnh báo nợ chính phủ gia tăng trong bối cảnh thế giới có nhiều cuộc bầu cử lớn trong năm nay, có thể gây biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu...
BIS - định chế được coi là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương” - nói rằng nền kinh tế thế giới đang tiến tới một cuộc “hạ cánh êm xuôi”, kịch bản mà nhiều nhà kinh tế học đã hoài nghi khi lãi suất tăng mạnh.
Tuy nhiên, BIS cũng khuyến các các nhà hoạch định chính sách nên cẩn trọng bởi nợ chính phủ toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, trong khi tất cả các cuộc bầu cử - từ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, cho tới bầu cử gần đây ở Mỹ và Mexico, cũng như các cuộc bỏ phiếu ở Pháp và Anh sắp tới - đều mang đến nhiều rủi ro.
Tổng giám đốc Agustin Carstens của BIS nói mặt bằng lãi suất trên toàn cầu sẽ không quay về mức siêu thấp như trước kia, và áp lực chi phí từ dân số lão hóa, biến đổi khí hậu, quốc phòng, các chương trình kích thích kinh tế và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ có thể làm chao đảo các thị trường vốn dĩ đã nhạy cảm.
“Thị trường có thể có những pha biến động bất ngờ mà không cần báo trước. Các quốc gia không muốn để xảy ra điều đó”, ông Carstens phát biểu trước báo giới khi công bố báo cáo thường niên của BIS, đề cập đến biến động nguy hiểm trên thị trường tài chính Anh sau khi kế hoạch ngân sách của cựu Thủ tướng Liz Truss đặt một số quỹ lương hưu trước nguy cơ sụp đổ.
Bên cạnh mối lo dai dẳng về mức nợ chồng chất của Mỹ, phần bù rủi ro của trái phiếu chính phủ Pháp đã tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua, lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hồi năm 2012. Cú tăng này diễn ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi một cuộc bầu cử Quốc hội sớm có thể dẫn tới sự ra đời của một chính phủ cực hữu ở nước này. Trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử này diễn ra vào cuối tuần vừa rồi, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) đã giành được tỷ lệ phiếu cao nhất. Vòng tiếp theo của cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Ông Carstens nói BIS không dành lời kêu gọi riêng cho “một hay hai” chính phủ nào, nhưng thông điệp ở đây là rõ ràng. “Các chính phủ nên giảm tốc độ tăng của nợ công và chấp nhận sự thật rằng lãi suất có thể sẽ không quay về mức siêu thấp như trước đại dịch”, ông nói.
Tuy nhiên, có một tin tốt là các ngân hàng trung ương đang kiểm soát thành công lạm phát sau khi tốc độ leo thang của giá cả tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine. “So với năm ngoái, tôi phải nói rằng chúng ta đã ở vào một vị thế tốt hơn nhiều”, ông Carstens, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, nhận định.
Dù ông Carstens nói các ngân hàng trung ương xứng đáng được khen ngợi vì chèo lái qua được một chặng đường khó khăn rất có thể đã dẫn tới một làn sóng suy thoái kinh tế, nhưng ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần kiên nhẫn. Ông so sánh cuộc chiến chống lạm phát với một liệu trình sử dụng kháng sinh để chữa bệnh.
Vị Tổng giám đốc BIS miêu tả một kịch bản “cực đoan” mà ở đó lạm phát tăng tốc trở lại và các ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất lên mức cao hơn. Đó là kịch bản mà BIS không cho là sẽ trở thành hiện thực.
Dù vậy, có một số yếu tố quan trọng cần tính đến, gồm giá hàng hóa và dịch vụ trong tương quan so sánh với hàng hóa lõi đang duy trì thấp hơn so với xu hướng trước đại dịch ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, tiền lương thực trong tương quan so sánh với giá của các hàng hóa và dịch vụ đó cũng đang yếu do thời kỳ lạm phát tăng mạnh.
“Một khi những yếu tố này đảo ngược nhanh chóng, áp lực lạm phát có thể tăng mạnh”, ông Carstens nói, nhận định rằng điều đó sẽ đồng nghĩa “việc giảm lãi suất sẽ diễn ra chậm hơn, với số lần ít hơn, hoặc thậm chí trong trường hợp cực đoan, lãi suất phải tăng thêm”.
Vì lý do này, BIS khuyến nghị các ngân hàng trung ương không nên vội vã trong việc giảm lãi suất. “Giảm lãi suất sớm có thể thổi bùng áp lực lạm phát và dẫn tới một sự đảo ngược chính sách đầy tổn thất”, báo cáo có đoạn viết.