Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 1
Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 2

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng đến năm 2050 thế giới cần gấp đôi lượng đạm đang sử dụng trong hiện tại, để đáp ứng nhu cầu của con người. CricketOne ra đời phải chăng là hướng tới một mục tiêu lý tưởng có thể giúp giải quyết “lỗ hổng” khan hiếm lương thực?

Đúng là xu hướng tìm kiếm một nguồn thực phẩm mới mang tính bền vững và hiệu quả đã và đang phát triển nóng tại châu Âu và các nước phát triển khác như Mỹ, Canada, Nhật, Singapore, Hàn Quốc… Xu hướng này cũng dần lan toả sang các khu vực khác ở châu Phi và một số khu vực châu Á để giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu.

CricketOne được thành lập bởi hai người là Nam Đặng và tôi – Bicky. Chúng tôi khởi nghiệp không phải từ một lý tưởng hay mơ ước lãng mạn, mà từ một quá trình nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thực tế xem điều gì là khả thi với chúng tôi, điều gì là thuận lợi tại Việt Nam? Sản phẩm làm ra bán cho ai, thị trường có rộng lớn không? CricketOne bắt đầu làm R&D giữa năm 2016, tới giữa năm 2017 chúng tôi thành lập công ty.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 3

Ngay từ đầu, chị và cộng sự đã lựa chọn sẽ phát triển trong ngành nuôi dế?

Một trong các giải pháp thay thế protein từ thực vật và động vật mà FAO đặc biệt nhấn mạnh là protein từ dế nhờ vào đặc tính năng suất cao, giàu dinh dưỡng và thân thiện với môi trường. Nhưng thật ra thời điểm bắt đầu làm R&D, con côn trùng gì cũng được chúng tôi đem thử, ví dụ như ruồi lính đen, sâu gạo, dế, cào cào, châu chấu… Sau khi thử nghiệm nuôi rất nhiều con, kết luận được rút ra là: con dế là khả thi nhất.

Chúng tôi thấy được tiềm năng ở thị trường đạm côn trùng và khả năng cạnh tranh cao ở tầm quốc tế nếu như dế được nuôi một cách chất lượng và bài bản tại Việt Nam. Nước ta hội tụ đầy đủ các yếu tố môi trường, nhiệt độ phù hợp để dế sinh trưởng. Ngoài ra, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, nên sẽ có nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp có thể được sử dụng làm thức ăn cho dế ở mức chi phí hiệu quả hơn các nước châu Âu, châu Mỹ và ngay cả một số khu vực ở châu Á.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 4

Theo chị, khó khăn lớn nhất mà công ty gặp phải khi khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm công nghệ là gì?

CricketOne đi từng bước chắc chắn, bắt đầu bằng việc lấy chứng nhận vệ sinh an toàn chăn nuôi của ngành thực phẩm, rồi đến chứng nhận HACCP cho nhà máy. Và hiện nay nhà máy của CricketOne được cấp chứng nhận FSSC22000, một trong những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe được toàn thế giới công nhận.

Sau nhiều nỗ lực, tính đến thời điểm này CricketOne được xem như là đơn vị định hình chất lượng đạm dế cho toàn ngành. Do đó, chúng tôi định vị mình là một FoodTech – công ty về thực phẩm công nghệ.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 5

Nghe nói, cho đến nay, Cricket One đã đầu tư cho nhà xưởng - trang trại lên tới cả triệu USD…

Chúng tôi sở hữu 3 bằng sáng chế liên quan đến hệ thống nuôi dế thâm canh nhiều tầng, hệ thống châm nước tự động và thiết bị thu hoạch tự động. Ngoài ra, CricketOne là đơn vị duy nhất sở hữu bí quyết liên quan đến công thức cho dế ăn để đạt được hiệu quả cao thông qua chỉ số chuyển đổi thức ăn (FCR), rút ngắn vòng đời trước khi thu hoạch, và nhất là mùi vị của sản phẩm cuối cùng.

Sau khi phần nào kiểm soát được phần thức ăn và nước uống của dế, chúng tôi tính tới việc theo dõi sức khoẻ của dế để nâng cao năng suất và chất lượng. Chúng tôi đã thuê một startup ở Singapore để thiết kế công nghệ kiểm soát trên không này. Chúng tôi có các camera tích hợp cảm biến và dùng công nghệ AI để quan sát các động thái di chuyển của dế, tiếng kêu to hay nhỏ, nhiệt độ và độ ẩm trong các trang trại như thế nào… 

CricketOne còn đầu tư vào việc chuyên môn hoá ngành nuôi dế để từ đó đưa công nghệ ra cho người nông dân trong khu vực để cùng canh tác và trực tiếp giúp người nông dân tăng thu nhập từ việc nuôi dế cho công ty. Hiện 60% dế đầu vào của Cricket One là tự sản xuất, còn 40% là từ các nông trại vệ tinh. CricketOne cũng đang xây dựng nhà máy thứ 2 với công suất 1.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2023.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 6

Năm 2022, CricketOne nhận được giấy chứng nhận là doanh nghiệp thứ 2 trong ngành nuôi dế có thể bán sản phẩm cho toàn châu Âu. Chị sẽ chia sẻ gì về thành quả này?

Theo Luật Thực phẩm mới của châu Âu được chỉnh sửa năm 2018 thì việc xét duyệt cho phép sử dụng đại trà một loại nguyên liệu mới không áp dụng cho toàn ngành hay toàn nhóm mà sẽ quy về việc cho phép sử dụng rộng rãi nguyên liệu được cấp phép do chính công ty sản xuất đứng tên hồ sơ xin xét duyệt. Điều đó được hiểu rằng hiện chỉ có 2 công ty duy nhất được phép bán rộng rãi nguyên liệu từ dế tại châu Âu, là CricketOne (Việt Nam) và một công ty khác có trụ sở tại Hà Lan.

Việc đạo luật cho phép CricketOne được bán đại trà là một bước tiến vượt bậc cho ngành côn trùng và cho chính Việt Nam. CricketOne cũng hãnh diện khi đưa được một nguồn nguyên liệu có nguồn gốc động vật xuất khẩu chính ngạch vào châu Âu.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 7

Tuy tất cả hoạt động sản xuất của Cricket One đều ở tỉnh Bình Phước, nhưng dường như ngay từ đầu công ty đã xác định thị trường chủ đạo của Cricket One là ở nước ngoài?

Chiến lược của CricketOne là dùng doanh thu từ xuất khẩu để tái đầu tư mở rộng quy mô, cải tiến chất lượng. Hiện doanh thu lớn nhất của chúng tôi đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, sau đó là Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singapore và Nam Phi. Từ năm 2022, CricketOne bắt đầu tập trung vào thị trường nội địa thông qua việc hợp tác với Công ty công nghệ FoodMap để cùng ra mắt dòng snack dế lắc gia vị có tên Rec Rec.

Hiện tại, về mặt nguyên liệu xuất khẩu, CricketOne có tổng cộng 5 dòng sản phẩm: dế sấy nguyên con bỏ chân và anten, bột nguyên dầu 64% đạm, bột siêu đạm 75% đạm, bột siêu mịn, và thịt dế. Sản phẩm thịt dế được ra mắt vào tháng 8/2022, đến nay thu hút được nhiều công ty lớn trong và ngoài nước để làm ra các sản phẩm có cấu trúc giống thịt nhưng không chứa thịt. Sản phẩm thịt dế này được dùng làm thành các nguyên liệu đông lạnh và đóng lon như burger, thịt viên, thịt ướp gia vị xào, thịt hầm soup và thậm chí khô dế.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 8

Foodtech hay BioTech có phải là một lĩnh vực kinh doanh phù hợp với giới nữ không? Nói cách khác, lợi thế của phụ nữ khi khởi sự kinh doanh là gì?

Bản thân tôi thấy phụ nữ khởi nghiệp ở Việt Nam thuận lợi nhiều lắm. Cái lợi này bắt đầu từ việc người cao tuổi Việt Nam thường hay giúp đỡ chăm sóc các cháu. Dẫn đến một thực tế là phía sau lưng người phụ nữ thành đạt là bóng dáng của các bậc ông bà giúp họ mang lại sự an tâm, hay người chồng giúp san sẻ việc nhà. Ngoài ra, Việt Nam có rất nhiều chương trình, tổ chức khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vừa cung cấp kiến thức vừa kết nối phụ nữ khởi nghiệp với nhau để việc khởi nghiệp trở nên lãng mạn hơn và nếu có vấp ngã thì cũng bớt “đau” hơn.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 9

Thử hình dung 5 năm tới, CricketOne sẽ như thế nào? Và tương lai xa hơn, chị mong muốn doanh nghiệp của mình sẽ đi đến đâu?

CricketOne vẫn còn đang trên con đường cố gắng để mang lại sức ảnh hưởng nào đó cho xã hội. Nhìn lại chặng đường gần 6 năm mình và người đồng sáng lập Nam Đặng đã đi qua, chúng tôi cho rằng những người trẻ khởi nghiệp hãy đặt niềm tin vào người đồng sáng lập cùng cộng sự. 

Trong tương lai, CricketOne mong muốn trở thành một công ty hàng đầu thế giới với nhiều dòng sản phẩm phục vụ được các nhóm khách hàng và các ngành. Xa hơn, CricketOne có thể trở thành một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp về nguyên liệu thực phẩm như Masan, Olam hay Cargil hay Mars… Nhưng thay vì cung cấp nguyên liệu truyền thống, sẽ là nguyên liệu bền vững, giá trị cao từ dế.

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 10

VnEconomy 07/03/2023 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nữ doanh nhân dựng nghiệp lớn từ nghề nuôi dế - Ảnh 11