Đại dịch Covid-19 đã khiến cho tất cả doanh nghiệp nói chung và FPT Retail nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Thay vì lo sợ, chúng tôi chọn cách thích ứng nhanh cũng như sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn bằng tinh thần đoàn kết và kỷ luật cao độ. Tập thể FPT Retail đã cùng nhau “vượt dịch” theo các tôn chỉ: “kiên trì, sáng tạo, kỷ luật và chắt chiu từng cơ hội được phục vụ khách hàng”. Đồng thời, cách quản trị cũng như những chỉ đạo của ban lãnh đạo công ty trong giai đoạn vừa qua cũng phải linh hoạt và quyết liệt hơn.
Là doanh nghiệp bán lẻ, khi dịch bùng lên làm đóng băng các hoạt động offline tại cửa hàng, FPT Retail đã nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa kênh bán hàng online, tăng cường các chương trình ưu đãi và nâng cấp dịch vụ hỗ trợ cho khách chọn mua online... Mục tiêu là không để một khách hàng nào không được phục vụ.
Là thành viên của Tập đoàn FPT, vậy nên, khi Covid-19 bùng lên, FPT Retail đã nhận được sự giúp sức về mặt công nghệ từ tập đoàn để có thể nâng cấp kênh bán hàng, tăng năng suất lao động ở tất cả các khâu thông qua việc ứng dụng BOT, AI đồng thời mở rộng tập khách hàng tiềm năng thông qua CDP Platform. Ngoài việc nỗ lực vượt khó trong đại dịch, công ty cũng nhận thức được trách nhiệm với cộng đồng.
Một người lãnh đạo, dù là giới tính nào cũng đều mang trên vai những trọng trách như nhau và đều có những thách thức mà bản thân phải đối mặt. Với tôi, không có quá nhiều khác biệt trong việc điều hành so với đồng nghiệp nam giới. Thế giới không ngừng chuyển động và thay đổi mỗi ngày, trong mỗi giai đoạn đều sẽ xuất hiện những khó khăn lẫn những cơ hội, nếu một người lãnh đạo có thể nhanh chóng thích ứng và quản lý tốt quỹ thời gian của mình thì mọi vấn đề đều được giải quyết, mọi khác biệt đều có thể san bằng. Tôi may mắn vì luôn có được sự thông cảm và hỗ trợ từ gia đình.
Còn nhớ khi nhận nhiệm vụ CEO năm 2017, Sacombank đang đối diện với các khoản nợ xấu lớn của giai đoạn trước để lại, tài sản “Có” không sinh lời chiếm 30% tổng tài sản của nhà băng này và tôi chịu áp lực rất lớn. Một mặt phải tiếp tục duy trì điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng hiệu quả, từng bước đưa Sacombank trở lại tốc độ tăng trưởng tích cực, mặt khác phải xử lý nhanh chóng những tồn đọng sau sáp nhập, trong đó chú trọng nhất là xử lý nợ xấu và tái cấu trúc mọi mặt hoạt động của ngân hàng. Đến nay, Sacombank đã từng bước đi qua khó khăn, và tái lập vị thế trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.
Tài sản lớn nhất của mỗi ngân hàng luôn là con người và Sacombank cũng vậy. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo hệ thống lên tới hơn 18.000 người khớp thành một khối thống nhất, sáng tạo trong hành động, hướng về mục tiêu chung. Tôi thường đưa ra những thông điệp nhằm khuyến khích, truyền cảm hứng để cán bộ, nhân viên cùng thực hiện. Dĩ nhiên, bản thân tôi luôn đặt niềm tin ở họ. Và khi được tin tưởng, người ta sẽ có đủ sức mạnh và sự can đảm để vượt qua mọi cám dỗ.
Đã đến lúc tập thể chúng tôi phải có tư duy lớn, khác biệt nhưng cùng chung một mục tiêu là ngân hàng được tái cơ cấu bền vững, lớn mạnh và cái tên Sacombank sẽ được nhận biết nhiều hơn. Có thể nói, những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập khẳng định chúng tôi đang đi đúng hướng trong việc phát huy tinh thần người Sacombank với cái tâm sáng, lòng nhiệt huyết, sự năng động, khả năng thích ứng nhanh với mọi sự thay đổi và phát huy hệ giá trị bền vững.
Những ngày TP.HCM giãn cách xã hội, tôi lo chăm sóc và kèm con học online, rồi lo việc công ty cả ngày, lúc có thể nghỉ ngơi thì cũng đã 12h đêm. Tuy ở nhà nhưng giải trí hay đọc sách vẫn là một thú vui “xa xỉ”.
Do dịch bệnh, doanh số của BLUSaigon giảm 50 - 70%, trong khi tất cả chi phí khác đều tăng, nhưng tôi vẫn thấy đó là may mắn vì chúng tôi không phải dừng sản xuất ngày nào. Tôi cố gắng giữ nguyên lương cho đội ngũ nhân sự để mọi người có thể đảm bảo cuộc sống, lo chi phí xét nghiệm, tiêm chủng… “Bình thường mới”, với tôi, chính là tìm cách cân bằng giữa các vai trò làm giám đốc – làm mẹ - làm cô giáo cho con – và làm nhà đào tạo cho nhân viên để công ty bắt kịp đà phục hồi ngay sau dịch.
Tôi cho rằng thế kỷ 21 cần một nữ doanh nhân ngoài chuyên môn luôn cập nhật còn có năng lực sử dụng công nghệ, hiểu về marketing sáng tạo, và có tính toàn cầu. Thế giới phát triển nhanh hơn, thông tin chia sẻ mạnh và nhiều hơn. Chuyển đổi số là một bài toán không đơn giản với chủ doanh nghiệp, vì liên quan đến chuyển đổi cả bộ máy hay thói quen làm việc. Đa số chị em phụ nữ thiệt thòi vì không có đủ thời gian để cập nhật hay phát triển những kỹ năng mới này.
Ngoài ra, phụ nữ làm kinh doanh hiện vẫn còn gặp nhiều rào cản: khả năng tiếp cận vốn, thời gian, mối quan hệ… đều bị giới hạn hơn. Nhưng chị em phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng có một sức mạnh nội tâm rất bền bỉ, mãnh liệt. Họ vượt qua thách thức giống như khi vẽ một bức tranh, từng chút từng chút, mỗi ngày một vài nét bút, chắc chắn sẽ đến ngày bức tranh được hoàn thiện.
Trong thời đại dịch toàn cầu, tôi nghĩ khó khăn và thử thách tác động lên từng xã hội, từng doanh nghiệp, từng gia đình và từng số phận là như nhau – bất kể là nam hay nữ. Với Vgreen Group, ngoài việc phải thích ứng điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp cho phù hợp với cuộc sống bình thường mới thì chúng tôi còn phải nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra: xây dựng nhà máy sản xuất Vkombucha tại Thái Nguyên, hoàn thiện mô hình vùng nguyên liệu chè hữu cơ…
Với tôi, cẩn trọng - an toàn và linh hoạt là bí quyết để các doanh nhân vượt qua thách thức của đại dịch, thậm chí tìm được cơ hội để đảo ngược tình thế. Trong kinh doanh, các tiêu chí ưu tiên của tôi sẽ là: luôn chăm chút cho chất lượng sản phẩm; chuẩn bị sẵn sàng các tình huống rủi ro và lên phương án xử lý kịp thời; không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng là người mở đường để giành ưu thế trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, càng trong khó khăn thì doanh nghiệp càng cần có chiến lược lâu dài, không nên theo hướng “con gà đẻ trứng”.
Là phụ nữ, khó khăn của cá nhân tôi hiện nay chỉ là phải cân đối giữa việc kinh doanh và vun vén gia đình, vì một “mục tiêu kép” là hạnh phúc và thành công. Tôi may mắn được làm những công việc mà mình yêu thích: nông nghiệp sạch, thực phẩm organic và chuỗi dịch vụ làm đẹp, chăm sóc chủ động. Quan điểm sống của tôi là “giờ nào làm việc nấy”. Khi ở công ty thì tập trung giải quyết công việc, ra khỏi công ty là gần như quên hết để tập trung chăm sóc gia đình cũng như “nâng cấp” bản thân. Khi phụ nữ yêu bản thân, phụ nữ sẽ đẹp và tự tin lắm!
Năm 2016, thông qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn ra đời đã đặt vấn đề liên kết tiêu thụ toàn bộ đầu ra củ nghệ cho bà con nông dân. Hiện công ty đang liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra nghệ và gừng với khoảng 500 hộ nông dân tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn và Ngân Sơn, diện tích sản xuất hơn 100 ha.
Là một doanh nghiệp thuộc vùng miền núi, chúng tôi rất mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình cho bà con nông dân ở Bắc Kạn, tiêu thụ, chế biến và hợp tác cũng bà con nông dân vùng cao tạo nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất.
Hành trình khởi nghiệp qua 6 năm qua của chúng tôi là cả sự cố gắng và đánh đổi bằng rất nhiều tâm huyết, có lúc đã rất thành công nhưng có lúc tưởng chừng như không thể trụ được để đi tiếp trên con đường khởi nghiêp.
Ngày hôm nay, sau những ngày đại dịch Covid-19, tôi mới nhận ra rằng chỉ cần mình đủ sức khỏe, mình đủ quyết tâm là mình sẽ vượt qua mọi khó khăn và đến được thành công mới.
Công ty chúng tôi là một doanh nghiệp trẻ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 2 nhóm sản phẩm chính là cung cấp chuỗi gạo; xây dựng phát triển sản phẩm dược liệu sachi. Với tiêu chí hướng đến những sản phẩm đầu ra chất lượng và đạt tiêu chuẩn, nên định hướng của chúng tôi là xây dựng vùng nguyên liệu riêng nhằm kiểm soát đầu vào.
Hiện nay, Công ty đang liên kết trồng và thu mua sản phẩm từ bà con nông dân để triển khai trồng cây dược liệu sạch trên địa bàn xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn - Sơn La và xã Lương Sơn ở huyện Thường xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2021, sản xuất thu mua nguyên liệu của chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong thời điểm đại dịch Covid-19, khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Không chỉ khâu vận chuyển hàng hóa bị ngưng trệ, mà thu hái nguyên liệu cũng gặp rất nhiều trở ngại.
Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa thể trở về khu nguyên liệu do tình hình dịch bệnh vẫn đang còn phải kiểm soát chặt chẽ, cũng là đảm bảo an toàn cho bà con tham gia canh tác. Trong khi đó, thị trường đầu ra cũng đang bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giai đoạn này, Công ty chỉ tập trung vào duy trì nhóm thực phẩm nông sản thiết yếu.
Mặc dù là một doanh nghiệp trẻ, nhưng chúng tôi luôn không ngừng học hỏi, áp dụng công nghệ 4.0 vào vận hành, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chúng tôi cũng mong rằng các bộ, ngành như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao cho chúng tôi cơ hội phát triển cây sachi tại các địa bàn, tỉnh có diện tích đất đồi phù hợp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, sự liên kết của 4 nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học.