17:19 17/07/2023

Phấn đấu khởi công hai tuyến đường sắt kết nối cảng biển 17 tỷ USD trước năm 2030

Anh Tú

Góp phần kéo giảm chi phí logistics, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phấn đấu khởi công hai tuyến đường sắt kết nối cảng biển gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư lên đến 17 tỷ USD trước năm 2030...

Chi phí logistics trung bình của Việt Nam còn khá cao so với mức bình quân thế giới, chi phí vận chuyển 1 container từ Bắc vào Nam cũng gấp đôi đi Mỹ.
Chi phí logistics trung bình của Việt Nam còn khá cao so với mức bình quân thế giới, chi phí vận chuyển 1 container từ Bắc vào Nam cũng gấp đôi đi Mỹ.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành văn bản số 7631/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ về việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến chi phí logictics và đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng Hải Phòng, Lạch Huyện.

VÌ SAO CHI PHÍ VẬN CHUYỂN CONTAINER BẮC - NAM GẤP ĐÔI ĐI MỸ? 

Bộ Giao thông vận tải cho biết theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt vào 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức tương đương 16,8 - 17% GDP và vẫn còn ở mức khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6%).

Dù vậy, chi phí này cơ bản tiệm cận mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu chi phí logistics giảm tương đương 16 - 20% GDP.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Đồng thời, "tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như: phí sử dụng đường bộ, hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…, phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng nhằm tiếp tục kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Về chi phí vận chuyển 1 container từ Bắc vào Nam khoảng 2.000 USD trong khi vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 1.000 USD, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo các số liệu điều tra, khảo sát hiện nay, chi phí vận chuyển 1 container 20ft từ Bắc vào Nam như đại biểu đưa ra (2.000 USD) tương ứng với phương thức vận chuyển bằng đường bộ.

 

Tùy theo mặt hàng chuyên chở, nhu cầu của chủ hàng về thời gian và điều kiện vận chuyển, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển với mức chi phí chỉ tương đương 50 - 70% của đường bộ (tùy thuộc vào điều kiện xếp dỡ).

Chẳng hạn, hiện nay giá cước vận tải biển chiều từ TP. Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh đang dao động khoảng 9,2 - 9,5 triệu đồng/container loại 20ft và khoảng 12 triệu đồng/container loại 40ft.

Ở chiều ngược lại TP. Hồ Chí Minh - TP. Hải Phòng, mức cước khoảng 6 triệu - 8 triệu đồng/container loại 20ft và 9 - 10 triệu đồng/container loại 40ft.

Đối với vận tải biển quốc tế, việc xác định giá cước phụ thuộc thời vụ, điều kiện vận chuyển. Hiện nay, giá cước vận tải đường biển 1 container loại 40ft đi Mỹ khoảng 2.000 - 2.500 USD, trong khi vào giai đoạn dịch Covid-19, mức cước này có thể lên đến 20.000 USD.

Như vậy, "việc so sánh chi phí vận tải giữa các cung - chặng, phương thức vận tải khác nhau là rất khó chính xác để quy đổi về cùng một mặt bằng tương ứng", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐƯỜNG SẮT KẾT NỐI CẢNG BIỂN

Thông tin thêm về việc đầu tư hai tuyến đường sắt kết nối cảng biển (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu), Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hai tuyến đường sắt này dự kiến đầu tư trước 2030 để vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Trong đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chiều dài khoảng 128km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD. 

Còn tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với ý kiến của Đại biểu Quốc hội rằng hai dự án đường sắt cần sớm triển khai đầu tư, nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, đầu tư hạ tầng khai thác cả hàng và khách.

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư hai tuyến đường sắt tương đối lớn, Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 để huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Hiện nay, hai khu bến cảng biển Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải và đang được đầu tư kết nối bằng đường bộ (cao tốc, quốc lộ), đường thủy nội địa.

Trong đó, tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, thị phần vận chuyển cotainer bằng đường thủy nội địa kết nối với khu bến Cái Mép - Thị Vải, hiện nay lượng hàng qua cảng đạt trên 80%, đáp ứng nhu cầu vận tải của hai cảng biển với chi phí hợp lý.

Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải xác định việc giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối đến cảng biển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí logistics.

Do đó, "hai tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (kết nối khu bến Lạch Huyện) và Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối khu bến Cái Mép - Thị Vải) cần sớm được đầu tư và phấn đấu khởi công trước năm 2030 theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.