07:56 11/07/2023

Ngành đường sắt "mắc kẹt", Bộ Giao thông vận tải đề xuất kéo dài niên hạn đầu máy, toa xe đến năm 2030

Anh Tú

Do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch khiến các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt thua lỗ 3 năm liên tiếp và gặp khó trong đầu tư mới các đầu máy, toa xe. Bên cạnh đó, do lộ trình phải thay mới toàn bộ vào năm 2050 theo cam kết tại COP26 nên việc đầu tư mới cũng không đem lại hiệu quả...

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các phương tiện hết niên hạn sử dụng được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các phương tiện hết niên hạn sử dụng được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 4/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ.

VÌ SAO KÉO DÀI NIÊN HẠN ĐẾN HẾT NĂM 2030?

Đáng chú ý, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2030 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.

Theo Nghị định số 65/2018, đầu máy và toa xe chở khách có niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện, bắt đầu thực hiện từ năm 2020.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải đường sắt bị đình trệ, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2022, điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện đường sắt.

Theo đó, các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.

Đề xuất này nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện không bố trí được nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài trong các năm 2020, 2021 và 2022 khiến doanh nghiệp đường sắt giảm mạnh sản lượng vận tải. Lỗ sản xuất kinh doanh 3 năm liên tiếp khiến các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

Tính đến 31/12/2022, số lỗ lũy kế của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên đến 1.992 tỷ đồng (trên 3.104 tỷ vốn điều lệ); Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội lỗ 383 tỷ (trên 800 tỷ vốn điều lệ); Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn lỗ 392 tỷ (trên 503 tỷ vốn điều lệ).

Như vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt cơ bản không còn vốn tự có để đầu tư, đồng thời, cũng không đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư phương tiện giao thông đường sắt. 

Vì vậy, "cần tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt có niên hạn sử dụng vượt quá quy định hiện hành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Hơn nữa, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, toàn bộ các đầu máy, toa xe đang có hiện tại của các doanh nghiệp đường sắt sẽ phải dừng hoạt động và thay thế mới toàn bộ trước năm 2050.

Như vậy, nếu đầu tư mới, thời gian sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt tối đa là 27 năm (thấp hơn niên hạn sử dụng phương tiện) sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế.

Mặt khác, theo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), tháng 10/2025 sẽ trình dự thảo để Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2027.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.

“Vì vậy, thời gian đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 khi Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành được 3 năm để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.

CAM KẾT ĐẢM BẢO AN TOÀN 

Cũng theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện đường sắt có khoảng 140 đầu máy có thời gian sử dụng trên dưới 40 năm nhưng vẫn khai thác tốt.

Cụ thể, có 31 đầu máy D9E của Mỹ, chế tạo từ năm 1963; 16 đầu máy D18E của Bỉ, chế tạo năm 1983; 30 đầu máy D10H do Trung Quốc chế tạo các năm 1978, 1979, 1983 và 1984...

Về toa xe, có hơn 1.400 toa xe hàng và 168 toa xe khách đã khai thác hơn 40 năm và khoảng 590 toa xe hàng, 100 toa xe khách đã khai thác từ 30-40 năm.

Trong trường hợp nếu được kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giao thông đường sắt để bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường sắt giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan đăng kiểm.

Đồng thời, "xây dựng, công bố các tiêu chuẩn cơ sở về công tác kiểm tra, sửa chữa định kỳ phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, sửa chữa đối với các phương tiện giao thông đường sắt được kéo dài niên hạn sử dụng", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.

Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng và thực hiện các giải pháp về kỹ thuật tăng cường bảo dưỡng sửa chữa (đặc biệt đối với bộ phận chạy như khung giá chuyển hướng), rút ngắn chu kỳ sửa chữa, thay thế các bộ phận quan trọng nếu đánh giá ảnh hưởng đến an toàn (như các khung giá chuyển hướng, trục bánh của các phương tiện) đặc biệt là toa xe khách, đầu máy kéo chính tuyến sử dụng trên 40 năm.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sửa chữa khi đầu máy, toa xe vào cấp sửa chữa theo đúng các quy định; giám sát công tác chỉnh bị, bảo dưỡng, khám chữa toa xe dọc đường để đảm bảo an toàn chạy tàu trong quá trình khai thác, vận hành.

Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cam kết chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về công tác đảm bảo an toàn của phương tiện giao thông đường sắt khi được kéo dài niên hạn sử dụng.

 

Tại thời điểm 31/12/2022, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đang khai thác tổng cộng 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng.

Tuy nhiên, thực hiện quy định về lộ trình thực hiện niên hạn toa xe khách và đầu máy là 40 năm, toa xe hàng là 45 năm thì đến ngày 31/12/2025, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đường sắt sẽ phải dừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách.