07:49 08/07/2023

Đường sắt đông khách nhưng "đói" hàng, doanh thu từ vận tải vẫn tăng 25%

Anh Tú

Trong nửa đầu năm, trong khi vận tải khách bằng đường sắt tăng trưởng mạnh 83% so cùng kỳ thì vận tải hàng hóa lại sụt giảm 20%, dù ngành đường sắt tăng cường chạy tàu hàng, đẩy mạnh vận tải liên vận...

Nửa đầu năm, sản lượng hợp nhất toàn tổng công ty đạt khoảng 4.055 tỷ đồng, tăng hơn 13% so cùng kỳ 2022.
Nửa đầu năm, sản lượng hợp nhất toàn tổng công ty đạt khoảng 4.055 tỷ đồng, tăng hơn 13% so cùng kỳ 2022.

Thông tin tại Hội nghị giao ban sản xuất kinh doanh tháng 7 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa tổ chức, Văn phòng Tổng công ty cho biết sản lượng hợp nhất toàn tổng công ty đạt khoảng 4.055 tỷ đồng, tăng hơn 13% so cùng kỳ 2022; doanh thu khoảng 3.732 tỷ đồng, tăng hơn 17%.

LOẠT GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY, DOANH THU VẬN TẢI TĂNG 25%

Trong đó, riêng công ty mẹ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chưa bao gồm doanh thu từ hợp đồng dịch vụ sự nghiệp công dự kiến đạt hơn 1.126 tỷ, tăng 5% so cùng kỳ.

Khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, sản lượng thực hiện được hơn 1.765 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; doanh thu đạt hơn 1.436 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.

Với khối vận tải, tổng doanh thu của hai công ty cổ phần vận tải do tổng công ty chiếm cổ phần chi phối dự kiến đạt hơn 2.519 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trực tiếp từ hoạt động vận tải hơn 1.953 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

 

Trong khi vận tải khách tăng trưởng mạnh với doanh thu hơn 1.246 tỷ đồng, tăng hơn 83% so cùng kỳ thì vận tải hàng hóa lại sụt giảm, doanh thu chỉ thực hiện được 824 tỷ đồng, bằng khoảng 80% cùng kỳ.

Để đạt được kết quả này, Tổng công ty thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy vận tải.

Cụ thể, về vận tải khách, Tổng công ty điều chỉnh số lượng đoàn tàu và hành trình chạy tàu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Đẩy mạnh chạy tàu khách các cung chặng ngắn nhu cầu hành khách du lịch cao như Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng và ngược lại, Sài Gòn đi Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng và ngược lại…

Cùng đó là các chính sách giá vé linh hoạt, điều chỉnh tăng - giảm tùy thuộc số lượng hành khách đi tàu theo đoàn, cung chặng và thời điểm vận chuyển, vì vậy thu hút khách du lịch.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng vừa "lấn sân" phát triển chuỗi cà phê mang thương hiệu Hoả Xa, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, thu hút hành khách.

Về vận tải hàng, tổ chức tăng cường chạy tàu hàng, đặc biệt là tàu chuyên tuyến. Đồng thời, tích cực khai thác luồng hàng liên vận quốc tế sau khi ga Kép được phép hoạt động liên vận quốc tế; bước đầu vận chuyển container nông sản theo mùa phục vụ xuất khẩu như vải thiều.

Trong những năm trước, vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đều được vận chuyển đi tiêu thụ ở trong nước cũng như xuất khẩu sang thị trường chủ lực Trung Quốc bằng đường bộ. Việc vận chuyển này có lúc đã ảnh hưởng tới hoạt động tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là ở những thời điểm ùn tắc ở khu vực biên giới tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai.

Nay có thể vận chuyển vải thiều bằng đường sắt qua ga Kép giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, từ đó, tạo thuận lợi trong việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhanh chóng.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải hàng cũng điều chỉnh linh hoạt theo tùy theo mặt hàng, cự ly, thời điểm, loại toa xe vận chuyển và loại tàu. Tuy nhiên, "sản lượng, doanh thu chưa đạt kế hoạch do nhu cầu chung của thị trường giảm sút", lãnh đạo Tổng công ty đánh giá.

PHẤN ĐẤU KINH DOANH CÓ LÃI

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh, nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm có nhiều khó khăn, thách thức. Bởi việc thi công các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam ảnh hưởng đến tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ. Cùng với đó, trong khi mùa mưa bão xảy ra tập trung vào 6 tháng cuối năm, ảnh hưởng lớn đến tổ chức chạy tàu, vận tải.

Để hoàn thành kế hoạch cả năm 2023, Chủ tịch Hội đồng thành viên Đặng Sỹ Mạnh yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp rà soát, chấn chỉnh ngay kỷ luật, kỉ cương, xử lý rốt ráo các tồn tại, nhất là trong công tác đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo đó, "rà soát, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, cấp phép điểm chạy chậm thi công hợp lý, khoa học để tăng tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ; khắc phục các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, chuẩn bị tốt thiết bị, nhân lực, phương án cứu hộ. Nâng cao chất lượng công tác sửa chữa, chỉnh bị đầu máy, toa xe... Mục tiêu phấn đấu cả năm 2023, kết quả sản xuất kinh doanh có lãi", lãnh đạo Tổng công ty yêu cầu.

Chủ trì hội nghị, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra, tiếp tục các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu.

Cùng với đó, chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực, phương án phòng chống bão lũ để khi có sự cố xảy ra có thể nhanh chóng triển khai cứu hộ, khắc phục, đảm bảo thông đường nhanh nhất, phục vụ vận tải thông suốt. Tăng cường kiểm tra công tác an toàn, công tác nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải...

 

Năm 2023, công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao tổng doanh thu đạt 6.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2023 là 3.850 tỷ đồng.