06:49 14/07/2022

Phát triển TP.HCM mạnh hơn nữa, xứng đáng là đầu tàu kinh tế

Xuân Thái

TP.HCM có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với nguồn vốn đầu tư vào Thành phố cũng như ra vùng Đông Nam bộ và cả nước...

TP.HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế cả nước.
TP.HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế cả nước.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh TP.HCM với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế, đã đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong cả nước và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng.

TP.HCM ĐÓNG GÓP CAO NHẤT VÀO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53, Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2021, định hướng đến 2020, diễn ra tại TP.HCM ngày 12/7 vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị cần có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53.

Cụ thể, theo ông Phan Văn Mãi, cần xác định trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đạt được mục tiêu cao hơn mục tiêu cả nước đề ra để vừa đóng góp nhiều hơn và vừa làm đầu kéo, đầu tàu mạnh cho sự phát triển của cả nước.

“Từ Nghị quyết này sẽ hoàn thiện quy hoạch, do vậy song song với hoàn thiện Nghị quyết, cần lập và triển khai thực hiện quy hoạch vùng; trên cơ sở lợi thế của các địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương”, ông Mãi nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự và phát biểu. Ảnh: TTBC TP.HCM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự và phát biểu. Ảnh: TTBC TP.HCM

Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 9 tỉnh, thành gồm các tỉnh Đông Nam và hai tỉnh Long An và Tiền Giang.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại của vùng Đông Nam Bộ đóng góp 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng. Nếu xét vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì riêng TP.HCM đóng góp 3,24 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,65% của cả vùng.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết thêm TP.HCM là trung tâm ngân hàng, tài chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo của vùng, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao về dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp trong vùng.

Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ có phần chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Điều này làm giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước. Vai trò đầu mối xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước cũng giảm dần, gồm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so cả nước. Các tỉnh, thành trong vùng còn sự chênh lệch lớn về quy mô kinh tế. Cụ thể, trong khi TP.HCM chiếm trên 50% GRDP của vùng thì các địa phương còn lại chiếm tỷ trọng thấp. Sự tăng trưởng chậm lại của TP.HCM ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cả vùng…

TĂNG TÍNH LIÊN KẾT, THÚC ĐẨY HỢP TÁC

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu những ý kiến, đề xuất về thúc đẩy hợp tác nội vùng, liên vùng.

Đó không chỉ là mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng, nâng cao tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực. Nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa phát triển vùng Đông Nam Bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng.

Song song với đó là ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, phân bố phù hợp với nhu cầu của từng khu vực dân cư…

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị cần có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53. Ảnh: TTBC TP.HCM.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị cần có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Phát biểu với các đại biểu, đại diện các địa phương, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định rằng Trung ương và Bộ Chính trị quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phía Nam. Việc tổng kết đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị nhằm giúp TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhìn thấy được mặt mạnh, mặt còn hạn chế, những điểm nghẽn đang cản trở quá trình phát triển, từ đó định hình để phát triển trước bối cảnh mới, biến động của thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Vùng Đông Nam Bộ nói chung, TP.HCM nói riêng là cực tăng trưởng, trung tâm lớn nhất của vùng, quyết định cho sự phát triển của cả vùng. Vì vậy cần xác định cơ hội, định hình lại để tính bước phát triển thời gian tới. Từ định hướng đó thì có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách. TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ này phải có những cơ chế, chính sách mới. Những cơ chế này phải đặc thù, vượt trội so với cả nước, cạnh tranh với quốc tế. “Những gì mới, TP.HCM được thí điểm áp dụng làm trước; chứ Thành phố cũng đi như các địa phương, áp dụng dùng cơ chế chung thì rất khó”, ông Dũng lưu ý.

 

Đặc biệt, TP.HCM phải phát triển cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng).

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 9,2% tổng diện tích cả nước; chiếm 22,37% dân số cả nước, có quy mô kinh tế lớn nhất so với các vùng kinh tế khác của cả nước; đóng góp 42,6% GDP; 51,9% thu ngân sách và 39,9% về kim ngạch xuất khẩu cả nước.