TP.HCM: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 6-6,5% là thách thức bao trùm
Vực dậy nền kinh tế TP.HCM từ mức tăng trưởng âm 6,78% năm 2021, đạt được mức tăng trưởng dương từ 6 - 6,5% ở năm 2022 là thách thức bao trùm đối với thành phố…
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022, UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với 19 chỉ tiêu.
MỨC NGÂN SÁCH ĐƯỢC GIỮ LẠI NĂM 2022 LÀ 21%
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND TP.HCM cuối tuần trước, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên địa bàn từ cuối tháng 9/2021 đến nay. Năm qua, thành phố cũng đã chi trên 12.047 tỷ đồng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn…
Trong điều kiện giãn cách kéo dài do dịch Covid-19, nhưng kết quả thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng, tăng 4,5% dự toán năm 2021. Hoạt động tín dụng - ngân hàng tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước.
Kim ngạch nhập khẩu ước tăng gần 13% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 7,23 tỷ USD, tăng gần 38,5% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỷ USD). Lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.
Thành phố hoàn thành 14/29 chỉ tiêu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 mà Hội đồng nhân dân thành phố đề ra. Điều này vượt so với dự kiến của thành phố trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 và thực hiện các cấp độ giãn cách xã hội trong gần 05 tháng. Khi đó, thành phố dự kiến chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 44,8%; chưa đủ cơ sở tính toán được 2/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 6,89%.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Bộ Chính trị đã nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát đến năm 2023, cần phải có sự chủ động chuẩn bị đối phó. Thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị và hành động, như: tăng cường lực lượng y tế cơ sở, phát huy đội ngũ công – tư, tổ chức mạng lưới thế trận trong từng khu phố, tiêm vaccine đầy đủ, chuẩn bị oxy đầy đủ. Đây là điều kiện ổn định tình hình dịch bệnh, để phát triển kinh tế.
Một sự kiện quan trọng giúp cho TP.HCM có thêm nguồn lực phát triển là việc Quốc hội thông qua mức ngân sách giữ lại của thành phố năm 2022 là 21%.
KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG GRDP Ở MỨC 6-6,5%
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022, UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6% - 6,5%.
Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GRDP trên 60%; Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
Tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,05%…
Vực dậy nền kinh tế TP.HCM từ mức tăng trưởng âm 6,78% năm 2021, đạt được mức tăng trưởng dương từ 6 - 6,5% ở năm 2022 là thách thức bao trùm đối với thành phố.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Theo ông Phan Văn Mãi, năm 2022, thành phố cần kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, nhất là nhóm ngành du lịch. Trong đó, tập trung hỗ trợ về tín dụng, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực.
Về khôi phục kinh tế dịch vụ, TP.HCM sẽ tập trung giải pháp phục hồi ngành thương nghiệp bán buôn - bán lẻ, ngành vận tải - kho vận, ngành lưu trú - ăn uống, ngành kinh doanh bất động sản.
Tập trung triển khai kế hoạch phục hồi ngành du lịch, đề án phát triển ngành logistics, đề án phát triển thương mại điện tử; hoàn thành pháp lý trung tâm tài chính quốc tế. Trước mắt, đảm bảo cung hàng và phục hồi các dịch vụ dịp Tết Nguyên đán 2022.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp; Tiếp tục triển khai 03 chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm các ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm; Chiến lược phát triển các ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm.
Thành phố sẽ rà soát, đánh giá, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về TP. Thủ Đức và huyện Cần Giờ.
TP.HCM sẽ đẩy mạnh phân cấp - ủy quyền cho các sở ngành và quận huyện; hoàn thành Đề án phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Đức và Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức…
Về phát triển hạ tầng giao thông, thành phố đẩy nhanh tiến độ tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, khởi công tuyến Metro số 2. Triển khai các dự án giải quyết “điểm nóng” sân bay Tân Sơn Nhất, đường cảng Cát Lái; các dự án có tính chất kết nối liên vùng: Cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 3, 4; Cao tốc TPHCM - Chơn Thành...
Trong năm 2022, TP.HCM cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, giãn dân tại các khu vực có điều kiện sống không đảm bảo.
Tiếp tục triển khai dự án chống ngập; chuẩn bị khởi công công trình kênh Tham Lương - rạch Nước lên - Bến Cát, khởi động dự án Rạch xuyên tâm, kênh Hy vọng…