16:02 17/02/2022

Doanh nghiệp lữ hành “đếm ngày” mở cửa du lịch

Lưu Hà

Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế, nhiều doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng vào sự trở lại mạnh mẽ của khách nước ngoài. Tuy vậy, đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ phục vụ các tour inbound có thể sẽ gây khó khăn cho du lịch Việt Nam thời gian tới…

Theo lãnh đạo Cục HKVN, đến thời điểm này, ngành hàng không đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế như trước khi bùng phát dịch Covid-19. Đại diện Vietnam Airlines nhận định việc Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường từ ngày 15/2 là tiền đề thuận lợi để các hãng hàng không khôi phục, mở rộng mạng bay quốc tế, chuẩn bị đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế trong thời gian tới.

NÓNG LÒNG CHỜ DU KHÁCH QUỐC TẾ

Theo phương án mở cửa hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới vừa trình Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đề xuất mở cửa du lịch quốc tế 2 chiều từ ngày 15/3. Quan điểm là hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và bảo đảm lộ trình, an toàn, hiệu quả. Trước ngày 15/3, ngành du lịch sẽ tiếp tục thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

“Mong từng ngày, từng giờ" là cách ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nói về tính cấp thiết của việc mở cửa đường bay với phục hồi du lịch. Từ tháng 6/2021, công ty đã xây dựng các sản phẩm gửi đối tác quốc tế, song tới nay vẫn chưa thể mở bán vì đợi thời gian mở cửa chính thức. Theo nghiên cứu thị trường của công ty, Anh và Đức đang là những quốc gia phục hồi du lịch tốt nhất và sẵn sàng trở lại Việt Nam. Hiện các sản phẩm có thể đón khách ngay khi mở cửa là nghỉ dưỡng du thuyền, kết hợp tham quan vùng núi phía Bắc...

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, giám đốc công ty lữ hành Vina Phú Quốc Travel (Phú Quốc) cho biết lượng khách quốc tế đóng vai trò rất quan trọng với doanh nghiệp và du lịch địa phương này. Khách quốc tế có mức chi tiêu cao, góp phần tạo nên doanh thu, giúp doanh nghiệp tái khởi động mạnh mẽ thị trường đã đóng băng quá lâu. "Vấn đề tài chính là điều kiện cần và đủ để một doanh nghiệp phục hồi ở thời điểm này. Hy vọng trong năm nay, với các chính sách mở của du lịch, khách quốc tế quay lại sẽ giúp thị trường du lịch hồi phục như thời điểm trước dịch," ông Huy bày tỏ.

Anh và Đức đang là những quốc gia phục hồi du lịch tốt nhất và sẵn sàng trở lại Việt Nam.
Anh và Đức đang là những quốc gia phục hồi du lịch tốt nhất và sẵn sàng trở lại Việt Nam.

Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú cũng trông mong rất nhiều vào thị trường khách quốc tế. Ông Phạm Văn Sỹ, quản lý Free Beach Resort (xã Dương Tơ, Phú Quốc) cho biết: "Khách nội địa sẵn có, lượng khách ổn định nhưng chỉ tập trung cao điểm vào các dịp lễ, Tết. Trong khi đó, khách quốc tế du lịch dàn trải các thời điểm trong năm. Nếu chỉ trông chờ vào khách nội địa thì doanh nghiệp khó trụ vững".

Tương tự, nhiều đơn vị du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã sẵn sàng chuẩn bị đón khách quốc tế ngay từ đầu năm 2022. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng với thị trường quốc tế, vẫn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vì mỗi quốc gia đều có những quy định về phòng dịch riêng. "Cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở TP. Đà Nẵng đang rất mong chờ chủ trương chính thức của Chính phủ. Với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, phủ đủ mũi vaccine cho hầu hết người dân, tôi tin du khách nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam trong thời gian sớm", ông Dũng chia sẻ.

CẦN MỘT LỘ TRÌNH RÕ RÀNG, CỤ THỂ

Du lịch và hàng không có quan hệ mật thiết, trong đó giá vé máy bay quyết định tới 50 -60% giá tour. Song đại diện Lữ hành Saigontourist cho rằng mở lại đường bay quốc tế mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ”, do đặc thù của việc đón khách quốc tế khác xa khách nội địa. Du khách quốc tế cần thời gian chuẩn bị khá dài, thường từ sáu tháng đến một năm. Một số ít du khách có thể lên kế hoạch sớm hơn nhưng con số này không thấm vào đâu so với quy mô của toàn ngành du lịch inbound.

 
Hiện các đơn vị lữ hành đều chung nỗi lo về chất lượng dịch vụ. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạn chế do thiếu nhân lực, nhiều dịch vụ chưa kịp khởi động lại, hướng dẫn viên đã bỏ nghề…

Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Minh Thọ, Giám đốc Asia Top Travel cho biết nếu hiện tại chưa có kế hoạch cụ thể, ít nhất phải cuối năm mới đón được khách quốc tế. “Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể từ đầu tháng 3 để doanh nghiệp lên kế hoạch. Mùa chính của khách inbound là từ tháng 10 đến tháng 4 nên chúng ta phải mở từ đầu năm chứ mở sát ngày khách sẽ không kịp lên kế hoạch," ông Thọ cho biết.

Bên cạnh đó, để đón khách quốc tế, du lịch Việt vẫn còn khá nhiều thách thức phải vượt qua. Từ thực tế đón khách nội địa dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị lữ hành đều chung nỗi lo về chất lượng dịch vụ. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạn chế do thiếu nhân lực, nhiều dịch vụ chưa kịp khởi động lại, hướng dẫn viên đã bỏ nghề… Với các tour inbound, hướng dẫn viên lại càng là nhân tố quan trọng. Khi các bên cung cấp dịch vụ làm chưa ổn, các công ty cũng không thể đón khách quốc tế. Nếu đón tiếp không chu đáo, khách có thể đánh giá xấu về công ty trên các website du lịch trực tuyến.

Ông Trần Thái Do, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort, trong những ngày qua bận rộn với việc phỏng vấn các ứng viên cho các vị trí mà cơ sở lưu trú của mình đang tìm kiếm. Trước đó, Silk Sense phát thông báo tuyển dụng nhân viên và quản lý ở nhiều vị trí khác nhau để chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động trở lại, từ kinh doanh và tiếp thị đến lễ tân, buồng phòng, ẩm thực, bếp, kỹ thuật, spa…

Khi các bên cung cấp dịch vụ làm chưa ổn, các công ty cũng không thể đón khách quốc tế.
Khi các bên cung cấp dịch vụ làm chưa ổn, các công ty cũng không thể đón khách quốc tế.

Theo ông Do, nhân sự hiện nay là một ẩn số. “Hầu hết thời gian qua các cơ sở du lịch tạm đóng cửa, nhân viên vì thế tản mát khắp nơi để mưu sinh. Nay chuẩn bị cho sự quay lại, doanh nghiệp du lịch phải tuyển dụng mới, nhưng lại khó khăn vì nhân sự có tay nghề đã không còn như trước”, ông nói và chia sẻ vì vậy song song với việc tuyển dụng phải là chính sách tốt hơn, kế hoạch đào tạo và thăng tiến rõ ràng hơn và nhất là nơi tuyển dụng phải là cơ sở nhiều tiềm năng để làm việc hơn.

Có đồng quan điểm, ông Lê Quốc Việt, chủ website chuyên tuyển dụng trong ngành khách sạn – Hoteljob.vn, cho hay số lượng và chất lượng nhân sự ngành có sự biến động lớn do nhiều người đã chuyển nghề hẳn hoặc làm tạm công việc khác. Vì vậy, để sớm ổn định chất lượng dịch vụ và nhân sự, các doanh nghiệp, cơ sở cần sớm tuyển dụng và đào tạo lại đồng thời khôi phục lại các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ như trước dịch.

“Chỉ khi thấy được sự thống nhất và rõ ràng về phương án đón khách quốc tế, các doanh nghiệp mới dám tuyển dụng nhân sự ở quy mô lớn, bài bản và đạt chất lượng phục vụ khách như mong muốn. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang ngại ngần trong việc tuyển dụng lao động vì còn trông chờ vào một lộ trình rõ ràng, cụ thể,” ông Việt nhận định.