11:00 10/10/2024

PPC chốt thời gian chi 200 tỷ trả cổ tức

Hà Anh

PPC vừa chốt ngày chi trả 6,25% cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt (1 cổ phiếu được nhận 625 đồng) vào ngày 6/11 tới.

Sơ đồ giá cổ phiếu PPC trên HOSE.
Sơ đồ giá cổ phiếu PPC trên HOSE.

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC-HOSE) thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt.

Theo đó, PPC vừa chốt ngày chi trả 6,25% cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt (1 cổ phiếu được nhận 625 đồng) vào ngày 6/11 tới.

Thời gian thanh toán vào ngày 6/12 và với hơn 320 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty dành hơn 200 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.

Chốt phiên ngày 9/10, giá cổ phiếu PPC tăng nhẹ lên 12.550 đồng/cổ phiếu.

Được biết, Công ty TNHH Năng lượng R.E.E và REE là hai cổ đông lớn nắm giữ trực tiếp lần lượt 77,4 triệu cổ phiếu (tương ứng 24,14% vốn điều lệ) và 66,5 triệu cổ phiếu PPC (tương ứng 20,74% vốn điều lệ) sẽ nhận hơn 48 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét, lợi nhuận của PPC đạt 251,22 tỷ đồng, cao hơn 49,89 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 (201,33 tỷ đồng). Nguyên nhân là do sản lượng điện thương phẩm lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 của công ty là 2.411 triệu KWh cao hơn 1.054 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2023.

Do đó, doanh thu bán hàng của PPC đạt 4.465,31 tỷ đồng, cao hơn 1.757,81 tỷ đồng - tương đương tăng 64,92% so với cùng kỳ năm 2023 (2.707,51 tỷ đồng). Đồng thời, giá vốn hàng bán 6 tháng đầu năm 2024 là 4.242,19 tỷ đồng, tăng 1.654,17 tỷ đồng - tương đương tăng 63,92% so với cùng kỳ năm 2023 (2.588,01 tỷ đồng).

Như vậy, sản lượng điện thương phẩm tăng dẫn đến doanh thu bán hàng và giá vốn hàng bán đều tăng, tuy nhiên giá trị tăng doanh thu (1.757,81 tỷ đồng) cao hơn so với giá trị tăng giá vốn (1.654,17 tỷ đồng) dẫn đến lợi nhuận 6 tháng đầu năm năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên trong BCTC này, bên kiểm toán có nêu các vấn đề nhấn mạnh. Cụ thể: trong năm 2023, công ty chịu mức nộp phạt hành chính về vi phạm môi trường cùng với hình phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động trong vòng 12 tháng, kể từ ngày Bộ công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ, đấu thầu giao nhiệm vụ, chỉ định đơn vị hoặc lựa chọn được nhà thầu khác cung ứng điện thay thế nguồn điện huy động từ công ty.

Tại ngày báo cáo này, công ty đang thực hiện các biện pháp khắc phục và tiếp tục hoạt động sản xuất theo kế hoạch huy động nguồn điện cho năm 2024.

Bên kiểm toán cho biết khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án khắc phục vi phạm môi trường và những điều kiện này cùng với các vấn đề khác như trình bày cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thế dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.