Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 1
Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 2

Thưa Chủ tịch, lập pháp vốn mang tính sáng tạo và với kế hoạch dài hạn, nhiều sự kiện như vậy nếu cần chọn sự kiện nổi bật về lập pháp trong năm 2023, chúng ta có thể lựa chọn sự kiện nào? 

Trong công tác lập pháp có những bộ luật có tầm ảnh hưởng lớn và những điều thú vị mang tính sáng tạo, tính lịch sử nảy sinh khi trao đổi, tranh luận về nội dung của bộ luật. Vì thế, sự ra đời, thậm chí có thể tạm dừng chưa cho ra đời một bộ luật, một nghị quyết nào đó mang tính pháp luật cũng có thể xem là một sự kiện đáng nhớ. Theo hướng coi sự kiện nổi bật bởi ý nghĩa, tầm ảnh hưởng lớn, hay sự quan tâm của nhiều người cùng với sự đồng thuận rất cao, đáp ứng được nguyện vọng của Quốc hội, cá nhân tôi chọn hai sự kiện nổi bật trong công tác lập pháp năm 2023.

Thứ nhất, việc Quốc hội chưa thông qua hai dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Thứ hai, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết chung của kỳ họp, mà trong đó cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác.

Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 3

Thuế tối thiểu toàn cầu là một trong hai trụ cột của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận, thuế này hầu như đánh vào các tập đoàn đa quốc gia, nhưng chúng ta lại đang mời và giữ chân các tập đoàn này bằng các ưu đãi hấp dẫn,... Vậy xử lý tình huống đánh thuế này như thế nào, thưa Chủ tịch?

Thực tế cuộc sống phong phú, đa dạng nên đương nhiên có nhiệm vụ lập pháp thêm mới, có nhiệm vụ rút ra khỏi chương trình hàng năm. Trước kỳ họp thứ 6, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vào chương trình: (1) dự thảo nghị quyết Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; (2) nghị quyết của Quốc hội về cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Với nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần đã kết luận, đồng ý trình Quốc hội, nhưng nội dung thứ hai, họp hai lần cũng không thông qua được để trình, vì việc lập dự toán ngân sách hàng năm, chi tiền hỗ trợ cho các tập đoàn để thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ trên thế giới. Do đó, ngay tại phiên họp trù bị, chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội cho rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu và được Quốc hội đồng ý.

Nhưng một tuần sau, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ, mà phải thông qua đồng thời cả hai nghị quyết, nếu không, nên hoãn lại. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả hai dự thảo nghị quyết này.

Tuy nhiên sau đó, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, nếu chưa có nghị quyết hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao, đề nghị thông qua sớm nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Họ lo tranh chấp về mặt pháp lý, vì phải làm nghĩa vụ thuế ở nhiều nước là rất phức tạp ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch tài chính và phương án nộp thuế của các doanh nghiệp từ năm 2024.

Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 4

Trước tình thế đó, trong ngày nghỉ đầu tiên giữa hai đợt họp, tôi làm việc với các cơ quan, gợi ý theo hướng trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu như dự kiến, đồng thời thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này cùng các nguồn hợp pháp khác và sẽ quyết sách trong nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6. Sáng kiến này được tất cả các cơ quan đồng tình, nhất trí rất cao. Thủ tướng khi biết tin cũng rất phấn khởi, nửa đêm còn gọi điện chia sẻ với tôi.

Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xin Quốc hội đưa trở lại chương trình, trước hết là xin đưa vào việc thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế. Riêng vấn đề này, năm tới chúng ta thêm được khoảng gần 15.000 tỷ đồng, nếu không có nghị quyết sẽ không thu được khoản tiền này. Đồng thời, các cơ quan cũng trình Quốc hội đồng ý chủ trương cho lập quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng Nghị định quy định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quyết sách này được Quốc hội biểu quyết tán thành với số phiếu tuyệt đối và được dư luận đánh giá rất cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đó là một ví dụ điển hình của câu chuyện “kéo pháo vào và kéo pháo ra” trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện Quốc hội rất sâu sắc, linh hoạt và quyết đoán ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Bản thân Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, trong việc lựa chọn phương án tối ưu.

Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 5

Thưa Chủ tịch, chúng ta đang rất cần Luật Đất đai (sửa đổi), không những phải khắc phục được bất cập của luật cũ mà còn mang tính kiến tạo. Phải chăng, nghịch lý “luật cần mà chưa có” đã đưa việc chưa thông qua Luật lần này trở thành một nét nổi bật của sự kiện? 

Sự kiện Quốc hội chưa thông qua hai dự án Luật sửa đổi ở kỳ họp thứ 6: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một quyết sách đúng đắn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng tình. Người dân và doanh nghiệp đều đồng tình và ai cũng thấy rõ Quốc hội không chạy theo số lượng, mà rất coi trọng chất lượng.

Sửa đổi Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng là rất cấp bách, không thể trì hoãn nhưng lại chưa được thông qua khi đến hạn, bởi điều quan trọng nhất là vì dự thảo luật chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, chưa đáp ứng thực tế cuộc sống. Luật Đất đai ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, người dân, doanh nghiệp và liên quan tới nhiều luật khác, nên không thể hấp tấp, vội vàng. Tính sự kiện còn nằm ở chỗ, không phải tự nhiên mà có đến hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự án Luật này. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ tiếp tục khẩn trương xem xét, thu hẹp các khác biệt để thống nhất các phương án sớm trình Quốc hội thông qua hai dự án Luật này tại Kỳ họp gần nhất, nếu cần thì sẽ có Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội.

Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 6

Vậy, việc chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có liên quan gì đến các vấn đề cần hiểu sâu thêm như “chi phối, thao túng” nảy ra qua thực tế các vụ án vừa qua không, thưa Chủ tịch?

Cũng như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng cũng là bộ luật quan trọng dành cho các ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài. Vấn đề then chốt nhất để sửa đổi các dự án luật này là cách tiếp cận, phương pháp tiếp cận của các bên còn khác nhau, chưa thống nhất với những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng và Quốc hội trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lĩnh vực trọng tâm như tài chính - ngân hàng.

Mục tiêu của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là làm sao xây dựng được một hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, lành mạnh, theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn cho hệ thống; đồng thời, tăng cường khả năng chống chịu những “cú sốc” bên trong, bên ngoài của nền kinh tế vào hệ thống.

Đây cũng là mục tiêu mà Nghị quyết của Trung ương Đảng đã xác định và là một trong những trọng điểm của việc tái cơ cấu nền kinh tế đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các bên phải thống nhất được mục tiêu như vậy thì mới bàn thấu đáo dự án luật này, nhất là các quyết định về cơ chế tài chính, vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo,...

Luật ban hành nhằm ngăn ngừa không để xảy ra ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém, không còn tình trạng sở hữu chéo, chi phối và thao túng, chứ không phải sửa luật để xử lý một số cá biệt các ngân hàng yếu kém thời gian qua. Không thể đưa cái cá biệt đó vào phổ quát rồi thành luật được. Không thể đẩy hết các rủi ro từ ngân hàng cho người dân và nền kinh tế.

Ngoài ra, luật phải phù hợp với Hiến pháp, với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mà trong nền kinh tế thị trường thì tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh là rất quan trọng, không thể để người này làm rồi người khác chịu trách nhiệm. Nhà nước tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nghĩa là đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Về nợ xấu của các ngân hàng, chúng ta phải ra Nghị quyết số 42/2017/QH14, mang tính đặc thù để xử lý lúc cấp bách, chứ không thể Luật hóa Nghị quyết 42 được. Theo tổng kết, đánh giá của Chính phủ, Nghị quyết 42 cơ bản hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề lớn như: các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng,… vẫn còn ý kiến khác nhau nên cần phải lắng nghe, trao đổi kỹ càng… để đi đến thống nhất.

Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 7

VnEconomy 10/02/2024 03:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Quốc hội lập pháp với tinh thần kiến tạo, phát triển - Ảnh 8