Quỹ khí hậu và Phát triển Hà Lan rót 575 nghìn Euro vào doanh nghiệp Việt làm ESG
Đây là khoản tài trợ lớn nhất với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay mà Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan dành cho một công ty tại Việt Nam hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững, thực thi ESG (môi trường, xã hội và quản trị)...
Quỹ khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) vừa dành khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 575.000 Euro cho Công ty Phúc Sinh nhằm tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững.
Theo đại diện Quỹ DFCD, khoản tài trợ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn là sự công nhận của một tổ chức quốc tế đối với nỗ lực của công ty trong việc thực hiện các sáng kiến về ESG. Khoản tài trợ sẽ giúp công ty tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững, bao gồm các hoạt động chống phá rừng, những sáng kiến rộng hơn liên quan đến ESG.
Quỹ DFCD hướng đến những tiêu chí như doanh nghiệp nông nghiệp thuộc top đầu trong lĩnh vực, có đầu tư vùng trồng lớn ở nhiều tỉnh thành, có tiềm năng và định hướng trong việc phát triển bền vững, hoạt động minh bạch vậy, để tài trợ cho doanh nghiệp có thực thi ESG.
Quỹ DFCD ngân sách 160 triệu euro (gần 4.500 tỉ đồng) được quản lý bởi Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Hà Lan (WWF-Hà Lan), cùng Quỹ Quản lý khí hậu (CFM).
Còn phía công ty Phúc Sinh cho biết số tiền tài trợ từ quỹ DFCD sẽ được sử dụng cho nhiều hoạt động liên quan đến mở rộng phát triển bền vững. Công ty sẽ tập trung phát triển sản phẩm chứng nhận phát triển bền vững; mở các chương trình đào tạo cho nông dân, cán bộ, nhân viên công ty; đầu tư phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc; tuân thủ quy định chống phá rừng châu Âu.
Trước đó, hồi tháng 8, Công ty Phúc Sinh cũng công bố nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) với tổng giải ngân và dự định tài trợ 25 triệu USD trong vòng 7 năm. Mặc dù quỹ này đã đầu tư vào 3 công ty nông nghiệp tại Đông Nam Á nhưng đây là khoản đầu tư đầu tiên của &Green vào một doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Công ty này cho rằng nếu các doanh nghiệp khác có cùng tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững cũng sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn tại Việt Nam, hiện Phúc Sinh cũng đang chú trọng cây cà phê. Với những khoản đầu tư đã nhận được, Phúc Sinh sẽ thúc đẩy chuyển đổi ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam hướng tới các chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, không tàn phá rừng.
Công ty sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê Việt Nam khi mở rộng sản xuất và tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới, qua đó thúc đẩy các sản phẩm được sản xuất bền vững của Việt Nam trên quy mô toàn cầu.