12:26 08/06/2023

Quyết liệt dẹp nội dung “bẩn” trên không gian mạng

Thủy Diệu

Tới đây, cơ quan quản lý sẽ mạnh tay và làm quyết liệt với tất cả các đối tượng tạo nên nội dung vi phạm trên không gian mạng, thậm chí sẽ cấm các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube nếu không hợp tác với cơ quan quản lý và thực hiện theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam...

Cơ quan quản lý sẽ mạnh tay với tất cả các đối tượng tạo nên nội dung vi phạm trên không gian mạng - Ảnh: Việt Tuấn.
Cơ quan quản lý sẽ mạnh tay với tất cả các đối tượng tạo nên nội dung vi phạm trên không gian mạng - Ảnh: Việt Tuấn.

Đây là thông điệp được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới khẳng định. Không chỉ mạnh tay với các nền tảng xuyên biên giới, người sáng tạo nội dung vi phạm, Cục còn cho biết chính sách quản lý sẽ được thực hiện theo hướng đồng bộ.

Hiện nay, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đang làm việc với 5 nhà sản xuất tivi lớn tại Việt Nam, gồm: Samsung, LG, Sony, TCL, Casper, theo đó sẽ yêu cầu nhà sản xuất tivi (thông minh) không cài đặt ứng dụng vi phạm pháp luật.

Cụ thể, trường hợp như YouTube nếu không chặn, hạ nội dung xấu độc, tin giả mà cứ để trẻ em, người già bấm xem thì cơ quan quản lý yêu cầu các hãng sản xuất không đưa YouTube lên smart tivi hoặc cần vô hiệu hóa nút bấm YouTube trên điều khiển tivi.

VIỆT NAM ĐỨNG ĐẦU THU NHẬP GIAN LẬN TRÊN YOUTUBE

Phát biểu tại hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: trên thế giới cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Số tiền trên (55 đồng) chiếm hơn 1/2 số tiền thu nhập do gian lận mà có. Trong khi quốc gia đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng cũng chỉ chiếm 5% thu nhập gian lận, tức chỉ bằng 1/10 của Việt Nam.

“Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi sở hữu kỷ lục đáng quên, một kỷ lục buồn”, ông Lâm nói và dẫn chứng Việt Nam (người dùng) đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để làm việc vi phạm đạo đức, pháp luật với mục đích kiếm tiền hoặc mục đích khác.

Cụ thể, một số loại hình phổ biến hiện nay là sản xuất nội dung vi phạm bản quyền, lấy nội dung người khác làm rồi đăng lại trên YouTube; mua phim đồi trụy Nhật Bản, chia nhỏ, lập kênh YouTube rồi bán cho khán giả Mỹ; livestream trận bóng đá có bản quyền thuộc các đài truyền hình để thu hút lượt xem và kiếm tiền từ quảng cáo cờ bạc.

Một ví dụ khác: cách đây khoảng hai tuần, Apple lần đầu tiên phát hành Báo cáo minh bạch App Store, tiết lộ nhiều thông tin về hoạt động của kho ứng dụng này vào năm 2022. Một trong những thông tin đáng chú ý là số lượng các ứng dụng vi phạm bị gỡ bỏ khỏi cửa hàng vì vi phạm quy định và Việt Nam có 8.462 ứng dụng bị gỡ khỏi App Store trong năm 2022, trong đó có tới hơn 3.600 ứng dụng bị gỡ vì lý do lừa đảo, gian lận. Điều này cho thấy nhiều nhà sáng tạo vẫn làm ăn, kiếm tiền bất chấp.

 
Trên thế giới cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra.

Theo đại diện của cơ quan quản lý, người làm nội dung cần phải hiểu rất rõ rằng không gian mạng không còn là không gian ảo, phải tuân thủ Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, nghị định quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đồng thời phải chịu trách nhiệm với nội dung đăng tải, về mặt dân sự và hình sự.

Để hạn chế tối đa nội dung độc hại trên không gian mạng, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với các nền tảng để xóa kênh. Trước đây, tài khoản Thơ Nguyễn đã sắp đạt nút Kim cương trên YouTube, nhưng sau khi có nội dung vi phạm và bị xử lý, kênh này hiện nay gần như đã “chết”.

Cuối tháng 4/2022, một ca sỹ nổi tiếng phát video ca nhạc có hình ảnh cuối là nhảy từ tầng thượng xuống đất tự tử. Khi đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã lập tức xử lý. Cùng với việc nghệ sỹ bị phạt tiền, video tốn gần 30 tỷ đồng để thực hiện của ca sỹ này sau đó đã biến mất khỏi YouTube.

Từ những ví dụ trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, người Việt đang làm ăn, kiếm sống, xây dựng tên tuổi, tương lai cho mình trong một hệ sinh thái thật giả lẫn lộn. Do đó, cần phải có trách nhiệm làm sạch hệ thống này để không trở thành nạn nhân của gian lận, không thể cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nhắm mắt làm ngơ trước cái sai và trục lợi từ cái sai. Không có lý nào, cùng một đồng tiền quảng cáo lại vừa đi vào kênh tử tế, vừa đi vào kênh xấu độc, phản cảm, mà vẫn kiếm được nhiều tiền.

DẸP "NỘI DUNG BẨN", MỞ ĐƯỜNG CHO KÊNH SẠCH

Mới đây, khi cơ quan quản lý nhà nước tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, thì ngay sau đó đại diện Facebook, YouTube đã hỏi thông điệp của cơ quan quản lý là gì;  thậm chí nhiều người còn hỏi liệu Chính phủ có cấm TikTok, Facebook, YouTube không; Số phận của những Facebooker, YouTuber, TikToker trên các nền tảng sẽ đi về đâu?

Ông Lê Quang Tự Do, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, kể câu chuyện trên và cho rằng điều này phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới; các KoL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt); các MCN (mạng lưới quản lý đa kênh) và công ty truyền thông...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Quyết liệt dẹp nội dung “bẩn” trên không gian mạng - Ảnh 1