Phát triển công nghệ AI sẽ là chiến lược dài hạn của Grab tại Việt Nam
“Công nghệ AI vì cộng đồng” là cam kết của Grab tại tất cả thị trường nơi Grab hoạt động, bao gồm Việt Nam…

Trong bối cảnh thị trường gọi xe công nghệ và giao hàng chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Tập đoàn Grab mới đây đã công bố Báo cáo thường niên 2024, trong đó lần đầu tiên tiết lộ doanh thu tại thị trường Việt Nam, ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng liên tục đi lên trong 3 năm liên tiếp.
Cụ thể, doanh thu của Grab tại thị trường Việt Nam tăng từ 108 triệu USD năm 2022 lên 185 triệu USD năm 2023 và đạt 228 triệu USD trong năm 2024 - tương đương khoảng 5.700 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu Grab tại Việt Nam đã tăng hơn 70% trong năm 2023 và tiếp tục tăng gần 23% trong năm 2024. Đây là tốc độ tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường gọi xe và giao hàng công nghệ.
Doanh thu của Grab tại Việt Nam đóng góp hơn 8% tổng doanh thu toàn khu vực của Grab, chỉ xếp trên các thị trường nhỏ như Campuchia hay Myanmar. Trong khi đó, các thị trường chủ lực của Grab là Malaysia (816 triệu USD), Indonesia (643 triệu USD), Singapore (578 triệu USD), Philippines (265 triệu USD) và Thái Lan (252 triệu USD). Tuy nhiên, Grab luôn xác định Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á. Theo đó, các chiến lược phát triển tại đây sẽ luôn gắn với triết lý hoạt động chung của Tập đoàn.
PHÁT TRIỂN “CÔNG NGHỆ AI VÌ CỘNG ĐỒNG”
Tháng 4 vừa qua, Grab đã công bố loạt sáng kiến mới ứng dụng AI tại sự kiện công bố sản phẩm GrabX tổ chức tại Singapore. Nhiều tính năng đã có mặt tại Việt Nam hoặc sẽ sớm được ra mắt trong thời gian tới. Tại sự kiện, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Grab, ông Anthony Tan, cho biết GrabX khẳng định cam kết của Grab trong việc sử dụng công nghệ mới nhất để phát triển các giải pháp giải quyết những vấn đề thực tế mà người dùng gặp phải. “Chúng tôi áp dụng triết lý “Công nghệ AI vì cộng đồng”, đặt AI ở trung tâm trong quá trình phát triển sản phẩm, đồng thời không quên phục vụ cộng đồng,” ông Anthony Tan nhấn mạnh.
Grab đã ứng dụng AI vào các sản phẩm, dịch vụ của mình từ năm 2018. Hiện tại, Grab đang triển khai hơn 1.000 mô hình AI và được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động để hỗ trợ người dùng và đối tác. Tuy nhiên, theo ông Suthen Thomas - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Grab, mỗi quốc gia Đông Nam Á đều vô cùng khác biệt, không chỉ về ngôn ngữ và văn hóa, mà còn là quy định hoạt động, bối cảnh kinh tế - xã hội. Vì vậy, Grab luôn tập trung phát triển các giải pháp phù hợp cho từng quốc gia, thậm chí từng địa phương.
Sau ba năm có mặt tại thị trường Việt Nam, từ 2017, Grab đã xây dựng ngay một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại TP.HCM để thấu hiểu hơn về thị trường và thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng. Đây là nơi đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt Nam làm việc với đồng nghiệp tại các Trung tâm R&D khác của Grab trên thế giới để nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp nhu cầu thị trường.
Tại Việt Nam, đa số phương tiện giao thông là xe hai bánh nên các dịch vụ di chuyển của Grab cần tối ưu các vấn đề liên quan tuyến đường, đèn hiệu, biển báo cho xe máy thay vì chỉ cho ôtô.
Với đối tác tài xế, Grab đã tích hợp công nghệ AI vào tính năng điều hướng dành cho đối tác tài xế. Tính năng sử dụng dữ liệu theo thời gian thực và dữ liệu quá khứ để dự đoán khu vực có nhu cầu đặt xe cao nhất. Ngoài ra, Grab cũng triển khai tính năng “Báo cáo vấn đề về bản đồ bằng giọng nói” được hỗ trợ bởi AI - giúp đối tác tài xế có thể cập nhật tình hình giao thông theo thời gian thực.
Với đối tác thương nhân, phần lớn đối tác thương nhân trên nền tảng Grab là các doanh nghiệp nhỏ. So với các thương hiệu lớn, những đối tác này thiếu nguồn lực để đầu tư vào công nghệ tiên tiến, hoặc thiếu thời gian để phân tích sâu hiệu quả kinh doanh. Grab vừa ra mắt tính năng Trợ lý AI - một chatbot được hỗ trợ bởi Mô hình Ngôn ngữ Lớn (LLMs), được tích hợp ngay trong ứng dụng GrabMerchant nhằm cung cấp cho đối tác thương nhân những hiểu biết và thông tin riêng biệt để giúp họ xử lý công việc hàng ngày.

Ông Philipp Kandal, Giám đốc Sản phẩm của Tập đoàn Grab, chia sẻ rằng đối tác tài xế và đối tác thương nhân của Grab nằm trong số những người có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất Đông Nam Á. “Chúng tôi mong muốn trang bị cho họ những công cụ để đạt được thành công, đặc biệt là trong thế giới mà AI ngày càng trở nên quan trọng,” ông nhấn mạnh. “Các giải pháp thể hiện triết lý “Công nghệ AI Vì Cộng Đồng” - là cam kết của Grab nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cho cộng đồng, với AI được đặt ở vị trí trung tâm trong cách chúng tôi làm việc và xây dựng sản phẩm.”
Với người dùng, công nghệ AI còn được sử dụng xuyên suốt trong các sản phẩm giúp tăng cường tính an toàn cho các chuyến xe Grab. Tới đây, Grab sẽ tích hợp công nghệ AI tạo sinh (Generative AI) dựa trên một mô hình hành vi. Mô hình này được huấn luyện dựa trên dữ liệu thể hiện tất cả các thị trường, bao gồm cả Việt Nam.
“Dù ở thị trường nào, chúng tôi đều bắt đầu bằng việc xác định những khó khăn người dùng đang gặp phải, họ cần giải quyết điều gì, cần giúp đỡ ở đâu, rồi sử dụng công nghệ để giải quyết nó,” ông Thomas cho biết. “Các sản phẩm và giải pháp công nghệ mới của Grab đều hướng đến triết lý ‘Công nghệ AI Vì Cộng Đồng’ - đây cũng là cam kết của Grab nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cho cộng đồng, với AI được đặt ở vị trí trung tâm trong cách chúng tôi làm việc và xây dựng sản phẩm tại tất cả thị trường nơi Grab hoạt động, bao gồm Việt Nam.”
LỢI THẾ SO VỚI CÁC QUỐC GIA TRONG KHU VỰC
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu Đông Nam Á. Đặc biệt, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Trong năm 2024 Chính phủ đã thực hiện nhiều chiến lược quan trọng, trong đó, phải kể đến việc ban hành Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 20,5%. Tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 52 tỷ USD, tăng 30% so với ước thực hiện năm 2024 (40 tỷ USD).
Theo các chuyên gia, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, và hai con số trong những năm tiếp theo. Grab là một trong những ví dụ điển hình cho mô hình kinh doanh dựa vào công nghệ thành công tại thị trường Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành kinh tế nền tảng nói riêng và kinh tế số nói chung tại Việt Nam. Do đó, đây là những cơ hội để Grab liên tục mở rộng danh mục dịch vụ số mang đến tiện ích cho đối tác lẫn người dùng.

Ông Thomas cho biết, Việt Nam sở hữu thế mạnh đặc biệt về nguồn nhân lực công nghệ. Đây là minh chứng cho sự đúng đắn và hiệu quả của các khoản đầu tư vào giáo dục của Chính phủ. Đó cũng là lý do Grab cam kết lâu dài trong việc mở rộng năng lực công nghệ tại Việt Nam, đào tạo và phát triển kỹ năng cho các kỹ sư, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho tương lai, đóng góp chung vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam.
Về phía Grab, đầu tháng 5, Grab đã công bố thay đổi nhân sự cấp cao tại Việt Nam. Theo đó, ông Mã Tuấn Trọng - hiện là Giám đốc thương mại của Grab Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Grab Việt Nam từ ngày 1/7/2025. Với năng lực chuyên môn trong việc phát triển dịch vụ mới và khả năng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, ông Trọng được đánh giá là người phù hợp để tiếp tục dẫn dắt hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam. Sự đồng hành của ông được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng cơ hội kinh tế, đóng góp vào các chiến lược quốc gia.