Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số
Luật Báo chí mở ra kỷ nguyên phát triển mới của báo chí, bởi vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số...

Ngày 16/5, Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Tạp chí điện tử VietTimes đã tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”. Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất các quy định cụ thể, góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
DỰ THẢO VỚI NHIỀU NỘI DUNG ĐỔI MỚI QUAN TRỌNG
Trình bày tham luận “Một số vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi)”, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết dự thảo lần này bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa 4 chính sách lớn với nhiều nội dung đổi mới quan trọng.

Dự thảo bổ sung nguyên tắc quản lý báo chí minh bạch, phân định rõ thẩm quyền Trung ương - địa phương và giao Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết 30 nội dung. Trong đó, 25 vấn đề trọng yếu như mô hình tổ hợp báo chí đa phương tiện, cấp – thu hồi giấy phép, nguồn thu, liên kết quốc tế, thẻ nhà báo, hoạt động trên không gian mạng… sẽ do Chính phủ quy định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hướng dẫn 5 nội dung khác.
Dự luật sửa đổi hệ thống khái niệm để phân biệt rõ báo, tạp chí; chống “báo hóa” tạp chí. Báo chí gồm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và kênh nội dung trên môi trường mạng. Tạp chí được xác định rõ tính chất chuyên ngành, chỉ cập nhật hoạt động cơ quan chủ quản.
Dự thảo không coi trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm báo chí; sản phẩm có tính chất báo chí chỉ còn Đặc san, Bản tin. Đồng thời, bổ sung mô hình tổ hợp báo chí hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, cho phép thành lập hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.
Về hoạt động trên không gian mạng, các kênh nội dung báo chí phải đăng ký, kết nối với cơ quan quản lý; nội dung phát hành tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng. Nhà nước sẽ đầu tư công cụ số để giám sát.
Dự thảo cũng bổ sung hai hành vi bị cấm: thứ nhất là trang tin, mạng xã hội tự sản xuất tin bài như cơ quan báo chí; thứ hai là đưa thông tin gây phương hại quan hệ đối ngoại, hình ảnh quốc gia. Hội Nhà báo Việt Nam được giao quyền giám sát, kiến nghị xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Về thẻ nhà báo, Dự thảo sẽ bỏ quy định kỳ hạn cứng, thay bằng thời hạn 5 năm từ ngày cấp. Người làm việc tại tạp chí khoa học sẽ không được cấp thẻ. Việc thu hồi giấy phép áp dụng với cơ quan vi phạm hoặc không đủ điều kiện.
Ngoài ra, dự thảo làm rõ quy trình xuất nhập khẩu báo chí, mở rộng đối tượng tham gia và quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là những bổ sung cơ bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo có thể yên tâm làm nghề trong những năm tới. Theo ông Bình, trong Dự thảo mới có một số nội dung đáng chú ý cần được tiếp thu các ý kiến đóng góp, gồm câu chuyện kinh tế báo chí, chuyển đổi số như thế nào và thứ ba là câu chuyện tổ hợp truyền thông.
MỨC XỬ PHẠT VI PHẠM BẢN QUYỀN BÁO CHÍ CHƯA ĐỦ SỨC RĂN ĐE
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng chỉ ra, báo chí hiện có 4 nguồn thu chính: bán nội dung (gần như không còn), ngân sách Nhà nước (hạn chế), quảng cáo (sụt giảm), và tài trợ (hiếm, không ổn định). Ông đặt câu hỏi: “Báo chí đang sống bằng gì?”, đồng thời nhấn mạnh cần định hướng lại kinh tế báo chí, xây dựng cơ chế bán nội dung số và phát triển hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng với nền tảng công nghệ và tài sản số riêng.

Ông kiến nghị Luật Báo chí (sửa đổi) cần tháo gỡ điểm nghẽn về kinh tế, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và tăng quyền tự chủ để báo chí phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.
Đồng quan điểm, nhà báo Tào Khánh Hưng, Phó Tổng Biên tập Báo Xây Dựng, đề xuất bổ sung quy định về phát triển báo chí số, làm rõ quyền và nghĩa vụ khi hoạt động trên nền tảng số, bao gồm phân phối tin bài, quảng cáo…
Ông kiến nghị cho phép báo chí khai thác dữ liệu số mở của Nhà nước, tăng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể hóa quyền tác nghiệp và tăng chế tài xử phạt hành vi cản trở nhà báo. Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép, tiến tới cấp phép điện tử.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự cũng đề nghị siết chặt quy định về bản quyền. Bà cho rằng Điều 39 của dự thảo còn quá ngắn, chưa đủ sức răn đe và cần bổ sung chế tài mạnh để bảo vệ tác phẩm báo chí, kể cả khi bị đăng tải lại trên nền tảng mạng.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đánh giá cao tinh thần cải cách trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhất là các quy định liên quan đến hoạt động trên không gian mạng, tổ hợp báo chí và truyền thông đa phương tiện phản ánh tư duy lập pháp theo kịp xu thế số hóa.
Theo ông Tú, đây là lần đầu tiên nhiều khái niệm mang tính “thị trường truyền thông” hiện đại như “kênh nội dung trên không gian mạng”, “tổ hợp báo chí”, hay “cơ quan truyền thông đa phương tiện” được quy định trong luật, cho thấy tư duy lập pháp đã bắt nhịp với thực tiễn số hóa và hội tụ truyền thông.
Tuy nhiên, Luật sư cũng đề nghị làm rõ một số điểm còn mơ hồ, như định nghĩa “pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp” trong liên kết báo chí (Điều 23). Về cấp lại thẻ nhà báo, ông cho rằng không nên yêu cầu thủ tục hành chính định kỳ nếu nhà báo không vi phạm, để bảo đảm sự ổn định nghề nghiệp.
Ngoài ra, ông lưu ý cần cập nhật khái niệm xuất bản hiện đại khi báo chí đã vượt khỏi giới hạn vật lý, hoạt động xuyên biên giới trên nền tảng số. Ông kỳ vọng luật mới sẽ là công cụ hỗ trợ báo chí phát triển mạnh mẽ, minh bạch trong kỷ nguyên truyền thông số.