Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1
Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2

“Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngày 30/12/2024 NHNN đã có văn bản gửi các đơn vị thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 để chủ động triển khai thực hiện.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng đơn vị theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; chủ động thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sau bão số 3; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bởi vậy, đến nay, mặc dù theo quy luật có tính mùa vụ, giai đoạn đầu năm thường chưa tăng cao ngay nhưng hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã tích cực hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Tính đến 31/3/2025, quy mô tín dụng đạt 16.230.311 tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024 (trong khi cùng kỳ năm 2024 tăng 1,34% so với cuối năm 2023 và cuối năm 2024 tăng 15,09% so với cuối năm 2023).

Song song, Ngân hàng Nhà nước đã sớm ổn định bộ máy tổ chức, đồng thời tổ chức 13 trong số 15 hội nghị thúc đẩy tín dụng trên cả nước.

Thông qua các hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp về hoạt động điều hành tín dụng từ các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm triển khai chính sách một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế; đồng thời, trao đổi trở lại một số vấn đề.

Thứ nhất, về vấn đề ưu đãi tín dụng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành chính sách tiền tệ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp để tạo điều kiện cho mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế tiếp cận vốn giúp chi phí hợp lý để mở rộng sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, bám sát chủ trương của Chính phủ triển khai các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi cho từng ngành, lĩnh vực. Đơn cử: các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ngắn hạn bằng Việt Nam đồng với lãi suất tối đa 4%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tiêu biểu là Chương trình cho vay ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng hiện nay đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng.

Ở đây cần lưu ý, tín dụng ưu đãi có 2 loại: (i) hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước và (ii) ưu đãi do ngân hàng tự sử dụng nguồn lực của mình.

Đối với loại ưu đãi đầu tiên, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách, trong khi hiện nay ngân sách còn khó khăn cũng như thủ tục sử dụng vốn ngân sách khá phức tạp. Chưa kể, Việt Nam đã hội nhập sâu với kinh tế thế giới và những hỗ trợ mang tính chất của Nhà nước có thể dẫn tới những bất bình đẳng so với các cam kết tại các hiệp ước thương mại quốc tế. Do đó, các chương trình tín dụng ưu đãi từ chính sách nhà nước được triển khai khá hạn chế.

Đối với loại ưu đãi thứ hai, phổ biến hơn là các ngân hàng tự dành nguồn lực của chính mình để xây dựng các gói tín dụng ưu đãi. Lợi thế của chương trình này là không bị ràng buộc bởi Luật Ngân sách nhà nước và các ngân hàng cũng có động lực trong việc thiết kế các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng thông qua các gói tín dụng riêng dựa trên chiến lược kinh doanh.

Thứ hai, kiến nghị tăng cường liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tán đồng ý kiến này. Hàng năm, Thống đốc đều có các văn bản gửi đến toàn hệ thống và lãnh đạo địa phương phối hợp tổ chức nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, những khó khăn vướng mắc phát sinh trên thực tế có thể rất đa dạng và tùy vào bối cảnh, thời gian, không gian cụ thể. Vì vậy, việc tổ chức nhiều hội nghị kết nối có thể không giải quyết hết tình huống phát sinh nên cần tổ chức thêm các hình thức kết nối, chẳng hạn như thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, liên quan đến kiến nghị về đơn giản hóa thủ tục vay vốn thì đây là mong muốn chính đáng. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo hệ thống rà soát thủ tục, quy trình cho vay đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

Trong quá trình xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa vào 3 nội dung để các doanh nghiệp có thể chứng minh gồm: (i) khả năng tài chính của khách hàng; (ii) phương án sử dụng vốn khả thi và (iii) mục đích sử dụng vốn hợp pháp.

Ngoài ra, căn cứ vào Bộ luật Dân sự, cần có năng lực pháp luật cụ thể. Dưới góc độ pháp luật thì điều kiện vay vốn khá là đơn giản, không nhất thiết phải gắn với tài sản đảm bảo nhưng phải bảo đảm ba nội dung nêu trên.

Rất có thể do áp lực phải kiểm soát nợ xấu nên một số cán bộ tín dụng khá cẩn trọng trong việc xét duyệt hồ sơ khiến mất nhiều thời gian. Trong bối cảnh có nhiều tổ chức tín dụng cùng hoạt động, các ngân hàng cần xem xét lại quy trình của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3

“Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 có 3 tỉnh là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, số tỉnh ít so với nhiều khu vực khác nhưng quy mô hoạt động đứng thứ 8 trong số 15 khu vực khắp cả nước, với 253 tổ chức tín dụng hiện diện.

Tính đến cuối tháng 2/2022, huy động vốn toàn khu vực đạt 465.872 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2024; tỷ trọng ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lần lượt 60%, 24%, 16%, phần lớn ở các ngân hàng do Nhà nước chi phối vốn.

Cùng thời điểm trên, dư nợ tín dụng đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 33% tổng dư nợ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu đang ở mức 1,52%; tuy nhiên các ngân hàng trên địa bàn đã trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, với mức bao phủ nợ xấu đạt 104,4%.

Về tín dụng phân theo từng ngành kinh tế, tính đến tháng 12/2024, ngành thương mại dịch vụ tập trung cao nhất, chiếm 60%, với 318.977 tỷ đồng và chiếm 3% so với toàn quốc; theo sau là ngành công nghiệp xây dựng với 136.528 tỷ đồng, tương ứng 4% toàn quốc; tiếp đến là ngành nông, lâm, thủy sản dạt 72.196 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ toàn quốc. Đặc biệt, dư nợ đối với nông nghiệp công nghệ cao đạt 9.667 tỷ chiếm 27% dư nợ toàn quốc

Đối với các lĩnh vực ưu tiên như “tam nông” số dư tín dụng rất cao, với 235.394 tỷ đồng, chiếm 44% dư nợ toàn khu vực và 6,4% toàn quốc.

Đối với tín dụng bất động sản, các ngân hàng đầu tư ở mức vừa phải, với 54. 089 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm 2024, chiếm 10,2% của khu vực và chiếm 1,5% toàn quốc. Trong dư nợ bất động sản, chủ yếu vẫn phục vụ cho mục đích tiêu dùng bất động sản mà không đầu tư mạnh vào kinh doanh bất động sản.

Đối với các chương trình chính sách đặc thù, tính đến cuối tháng 1/2025 doanh số giải ngân cho lĩnh vực lâm sản, thủy, hải sản là 320 tỷ đồng, trong đó dư nợ là 256 tỷ đồng. Cho vay nhà ở xã hội hiện nay chưa đầu tư dự án nào mặc dù ở Nghệ An và Hà Tĩnh có bốn dự án nhà ở xã hội. Các ngân hàng đang trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu, trong đó có một dự án đã bắt đầu giải ngân. Đây là lĩnh vực cần được ngân hàng đầu tư thích đáng theo chủ trương phát triển mạnh nhà ở xã hội của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời gian qua, ngành ngân hàng Khu vực 8 tích cực gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp, sở ban ngành địa phương thông qua trực tiếp, đường dây nóng để giải quyết kịp thời vướng mắc liên quan đến tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Qua đó, các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho 45 khách hàng với dư nợ cơ cấu gần 3.300 tỷ đồng; tiết giảm chi phí để hỗ trợ các khoản phí, lãi suất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn”.

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 4

“Những năm qua, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Cùng với đó, các ngân hàng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng các các chương trình sản phẩm ứng dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng với lãi suất phù hợp, chủ động trong việc xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng như giữ nguyên nhóm nợ. 

Đặc biệt, để khơi thông tín dụng, các ngân hàng đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, nhờ đó, tăng trưởng tín dụng ổn định qua các năm. Năm 2024, tăng trưởng tín dụng địa bàn tỉnh đạt 19,9% với tổng dư nợ hiện khoảng 125 nghìn tỷ đồng; nợ xấu chỉ 0,48%, thấp hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, đã hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau thời kỳ khó khăn do đại dịch và tác động tiêu cực từ xung đột địa chính trị thế giới.

Năm 2025, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt rất nhiều những thách thức xung đột chính trị và thương mại, ảnh hưởng chuỗi cung ứng, đẩy cao giá năng lượng nguyên vật liệu đầu vào, gây khó khăn cho nền kinh tế, trong thời gian tới để thực hiện được mục tiêu đạt tăng trưởng từ trên 8%, riêng tỉnh Nam Định là 10,5%, chúng tôi đã chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng ngành, kèm theo các giải pháp.

Trong số các giải pháp đề ra, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, coi đó là trọng tâm cần thực hiện trong năm nay. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số vấn đề sau.

Thứ nhất, cần điều chỉnh quy mô tín dụng hợp lý linh hoạt hơn nữa, chính sách tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, tập trung vào những ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh. 

Thứ hai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm bớt thủ tục, đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và vùng còn khó khăn. 

Thứ ba, đề nghị ngành ngân hàng đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp với hộ nông dân hoặc các xã, nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững.

Thứ tư, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng ngành nghề, từng địa phương để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ tài chính.

Thứ năm, ngành ngân hàng cần kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh, đặc biệt là nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản”.

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 5

“Ngay trong quý đầu năm 2025, Vietcombank đã và đang nỗ lực huy động nguồn vốn giá rẻ từ các khu vực khác, đồng thời tập trung tăng trưởng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng Khu vực 7. Cuối năm 2024 so với năm 2023, tín dụng của các chi nhánh trong khu vực tăng trưởng tới 21,7%, thị phần của Vietcombank chiếm 8,2%, tăng thêm 0,5%.

Từ đầu năm nay, Vietcombank đã phân chỉ tiêu tăng trưởng cho từng chi nhánh, đây là chỉ tiêu trọng yếu bên cạnh chỉ tiêu kiểm soát tín dụng. Song song, ngân hàng cải tiến và tinh gọn quy trình quy chế, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ trên kênh số. Chúng tôi xác định đây là chiến lược mục tiêu để tối ưu hóa chi phí, năng lực tài chính để thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng một cách xuyên suốt trên mọi vùng miền.

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8%, Vietcombank là ngân hàng chủ lực của nền kinh tế nên ngân hàng tập trung mọi nguồn lực đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là bốn lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tại Khu vực 7, Vietcombank sẽ định hướng tín dụng vào các dự án thủy điện hiệu quả, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông trọng điểm của khu vực, xuất khẩu, doanh nghiệp F&B, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh đồng thời tiếp tục tài trợ các dự án nước sạch điện gió điện mặt trời cũng như các giải pháp giảm phát thải carbon.

Năm 2024, Vietcombank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay theo các chương trình lãi suất ưu đãi của khách hàng. Ngân hàng đã triển khai 22 chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5 đến 2%/năm so với lãi suất bình quân. Theo đó, trong năm 2024, đã giảm lãi suất cho gần 110.000 khách hàng với quy mô dư nợ hơn 900 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% dư nợ của Vietcombank.

Ngoài ra, ngân hàng cũng tích cực giảm lãi suất cho vay và cơ cấu nợ theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như cho vay các lĩnh vực ưu tiên, chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… song song với cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ.

Tính hết tháng 12/2024, dư nợ đối với lĩnh vực ưu tiên khu vực này đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 46% dự nợ của toàn chi nhánh. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 36%; nông nghiệp nông thôn chiếm 48%; dư nợ công nghiệp phụ trợ tăng 134%; tam nông tăng 10,5%; dư nợ nông, lâm, thủy sản tính đến hết quý 1/2025 đạt doanh số giải ngân gần 11 nghìn tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội đạt 830 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 1.230 tỷ đồng”.

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 6

“Là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, năm 2024 Agribank chủ động giảm lãi suất cho vay 4 lần, đưa lãi suất cho vay bình quân thời điểm cuối năm giảm gần 2% so với đầu năm và thuộc nhóm thấp thị trường.

Ngay từ đầu năm 2025, Agribank tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13%, tương đương tăng 230 nghìn tỷ đồng so với năm trước do Ngân hàng Nhà nước giao.

Ở một số địa bàn Khu vực 7 và 8 đều có mức tăng tín dụng khả quan, đơn cử như tại Khu vực 8, Agribank có 7 chi nhánh loại I, 43 chi nhánh loại II và 83 phòng giao dịch; tính đến 31/3/2025, dư nợ của 7 chi nhánh loại I đạt hơn 112 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 34% trong tổng dư nợ tín dụng của cả Khu vực 8 và tương đương 6,3% tổng dư nợ của cả hệ thống Agribank.

Dự kiến cả năm 2025, tăng trưởng tín dụng các chi nhánh Agribank trong Khu vực 8 sẽ đạt 10 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 9,3%, quy mô dư nợ đến cuối năm 2025 ước đạt 118 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, ở các khu vực khác, hệ thống Agribank cũng có mức tăng trưởng khá.

Để các ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm do Ngân hàng Nhà nước giao, chúng tôi có bốn đề xuất sau.

Một là, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại khu vực. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, có thêm các chính sách ưu đãi đối với FDI đến với địa phương.

Hai là, các sở, ban, ngành, hiệp hội cần có định hướng và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng sản xuất, có hệ thống dự báo, định hướng đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo phát triển tín dụng nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho các tổ chức tín dụng, làm cầu nối để tổ chức tín dụng làm việc với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp cận sớm các dự án trọng điểm trong địa bàn. 

Ba là, các địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, các địa phương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư, cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn các tỉnh thuộc khu vực. 

Bốn là, trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng giá mạnh thời gian qua, đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 116, để nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng thực tế giá cả đầu vào sản xuất nông nghiệp hiện nay”.

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 7

“Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều điều chỉnh linh hoạt về các gói tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn như giảm lãi suất cho vay nhưng theo ý kiến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn đều phải có quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, phải có dự án khả thi và có khả năng trả được nợ cũ và tài sản thế chấp nhưng việc xử lý nợ xấu kéo dài, khiến tài sản của nhiều doanh nghiệp phải đem đi thế chấp hết.

Đây là khó khăn của nhiều doanh nghiệp, rất mong ngân hàng nghiên cứu, vận dụng các quy định hiện hành để tháo gỡ khó khăn này. Bởi lẽ, chỉ khi có thêm nguồn vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phục hồi để trả nợ cũ.

Mặt khác, nên bóc tách phân loại đối tượng cho vay để có ứng xử phù hợp với từng doanh nghiệp, ví dụ: doanh nghiệp làm ăn có lãi, uy tín trả nợ cao thì nên nới rộng hạn mức để doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng định giá tài sản của doanh nghiệp vẫn ở mức quá thấp, nhiều doanh nghiệp phàn nàn về điều này và mong các ngân hàng định giá theo sát thị trường để có thể mở rộng gói vay.

Với các khoản vay quá hạn, đề nghị các ngân hàng thương mại nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ lãi suất như giảm lãi vay hoặc giãn nợ nhằm giúp cho doanh nghiệp có được khoảng hở thời gian để phục hồi hoạt động.

Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng cần cơ cấu lại bộ máy và nâng cao khả năng trả nợ, xây dựng các dự án để sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả. Doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu và cam kết với ngân hàng khi vay vốn nhằm phục vụ cho sự bền vững cho chính doanh nghiệp và hoàn trả lại vốn cho ngân hàng để tăng uy tín cho mình”.

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 8

“Tín dụng ngân hàng không chỉ là đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, mà còn là yếu tố then chốt để doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua các chương trình tín dụng, các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh có tiềm năng. 

Việc tăng cường tín dụng linh hoạt và chính sách hỗ trợ tín dụng trong chuỗi cung ứng sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn cho bà con nông dân giúp doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững.

Trong bối cảnh ngành mía đường đang đối mặt với nhiều thách thức,  vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và nông dân là vô cùng quan trọng. Những năm qua chúng tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ từ ngành ngân hàng. Hiện tại, để có thêm nguồn lực hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi kiến nghị như sau.

Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do vướng mắc từ tài sản đảm bảo, bởi vậy, cần bổ sung các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.

Thứ hai, có cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt theo mùa vụ cũng như áp dụng chính sách cho vay phù hợp với mùa vụ sản xuất, điều chỉnh lịch trả nợ linh hoạt để phù hợp với dòng tiền thực tế của doanh nghiệp và nông dân.

Thứ ba, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tín dụng tam nông một cách ổn định về lãi suất ở mức thấp; tăng cường các chương trình tín dụng đặc thù, mang tính dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư vào cơ giới hóa”.

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 9

VnEconomy 23/04/2025 18:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2025 phát hành ngày 21/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1365

Quyết liệt kết nối cung cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh 10