12:05 22/04/2025

Chuyên gia dự báo lãi suất cho vay giảm tối đa 0,3% trong năm 2025

Hoàng Lan

Các chuyên gia từ một nhóm nghiên cứu và ADB dự báo năm 2025 mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang hoặc giảm nhẹ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với 2024; thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định; tỷ giá tăng khoảng 3% đến 4%...

Môi trường vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Môi trường vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngày 22/4, tại Hà Nội, diễn ra "Hội thảo Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025 - Tiêu điểm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam" do Nhóm Nghiên cứu trường BIDV và ADB tổ chức.  

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV  thay mặt Nhóm nghiên cứu từ BIDV và ADB trình bày báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng năm 2025” tại hội thảo do 2 bên đồng tổ chức.

Theo báo cáo, năm 2024, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt rõ rệt, ngân hàng trung ương các nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Tại Việt Nam, đã có sự điều chỉnh phù hợp khi Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, dùng nhiều công cụ can thiệp thị trường ngoại hối (do USD tăng giá mạnh +6,5%). Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành.

Trong năm 2024, mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng đã tăng mạnh khoảng 3-4% tại hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất huy động vốn của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,3-0,5 điểm %, các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng phổ biến ở mức 0,3-0,8 điểm %; trong đó mức tăng mạnh tại chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Đến cuối 2024, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,96 điểm % so với cuối năm 2023. 

Nhóm chuyên gia dự báo trong kịch bản cơ sở, năm 2025, mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn neo quanh vùng lãi suất thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (3,5–4,5%) với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần); lãi suất huy động bình quân sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ; lãi suất cho vay cũng được dự báo đi ngang hoặc giảm nhẹ (khoảng 0,1-0,3 điểm %). 

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng VND (Nguồn: BIDV Research)
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng VND (Nguồn: BIDV Research)

Theo báo cáo, năm 2024, thanh khoản thị trường ngân hàng có xu hướng thu hẹp do tín dụng tăng trưởng cao hơn huy động vốn; các tỷ lệ thanh khoản như cho vay/vốn huy động (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các tổ chức tín dụng tăng cao. 

Các chuyên gia đưa ra kịch bản cơ sở trong năm 2025,  thanh khoản của hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định nhờ: (i) Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (ii) giải ngân đầu tư công tăng mạnh và FDI duy trì; (iii) rủi ro thị trường tài chính quốc tế và trong nước gia tăng (do chính sách thuế quan) có thể khiến dòng tiền tìm tới kênh tiền gửi (như là kênh an toàn). 

Tăng trưởng huy động vốn năm 2025 được dự báo ở mức khoảng 12-13%; tín dụng tăng 14-15%.

Nguồn: BIDV Research.
Nguồn: BIDV Research.

Năm 2024, tỷ giá USD/VND tăng 4,8%, chủ yếu là do USD tăng giá mạnh (+6,5%). 

Năm ngoái, diễn biến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng chia thành 4 giai đoạn rõ rệt. 

Từ đầu năm đến cuối tháng 4, tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,4% so với cuối 2023, do tác động của chênh lệch lãi suất USD–VND và giá vàng trong nước – quốc tế.

Từ tháng 5 đến hết tháng 7, tỷ giá tiệm cận trần biên độ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp mạnh.

Từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, tỷ giá hạ nhiệt nhờ Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất và nguồn cung USD dồi dào hơn.

Từ tháng 10 đến cuối năm, tỷ giá lại tăng trở lại do Kho bạc Nhà nước mua ngoại tệ, làm giảm nguồn cung USD. Tâm lý đầu cơ ngoại tệ bị thúc đẩy khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Tỷ giá các đồng nội tệ so với USD (Nguồn: BIDV Research)
Tỷ giá các đồng nội tệ so với USD (Nguồn: BIDV Research)

Bước sang 2025, tỷ giá USD/VND tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trong tháng 4/2025, tỷ giá tăng mạnh nhưng sau đó dần ổn định trở lại, ở trạng thái giằng co với nhiều áp lực từ cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế. Các chuyên gia từ BIDV và ADB dự báo cả năm 2025, tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 3–4%, duy trì xu hướng mất giá nhẹ của VND so với USD – mức biến động vẫn nằm trong biên độ điều hành cho phép. 

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Các áp lực chủ yếu đến từ: (i) chênh lệch lãi suất giữa USD và VND nếu Fed chưa hạ nhanh lãi suất; (ii) rủi ro Mỹ tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại; (iii) biến động giá vàng và dòng vốn đầu tư ngắn hạn toàn cầu.

 

Các chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ. Nhóm chuyên gia đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, gồm:

Kịch bản cơ sở (xác suất 60%), giả định Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống còn khoảng 20-25% (từ mức 46% dự kiến hiện tại), tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt khoảng 6,5-7%.

Kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8%.

Kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5-6% năm 2025. Lạm phát cả năm 2025 dự báo tăng khoảng 4-4,5%.