Sài Gòn… bao giờ trở lại những tiếng rao? - Ảnh 1

Thành phố ồn ào này luôn có những âm thanh "ngoại lai", "du nhập". Rồi sau 15 năm, 20 năm nay đã trở thành quen thuộc, thân thuộc đến mức đã trở nên một phần hồn cốt của một Sài Gòn hiện đại, hối hả, dồn dập, ồn ào, khiến nhiều lúc gây khó chịu cho không ít người, nhưng vắng nó thì thấy nhớ.

Trước tiên phải kể đến, đó là "Trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu. Trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm, đó là keo dính chuột. Keo dính chuột không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, có thể tái sử dụng nhiều. Ngoài ra, keo dính chuột còn có tác dụng tẩy trừ các loài con trùng khác như muỗi, kiến và dán...".

Dân Sài Gòn, dân sống ở Sài Gòn từ trên 25 năm, gần như không ai không nghe, không biết, không riết chán những âm thanh giọng Bắc rặc này. Còn dân làm báo những năm khoảng 1993 - 1994 thì không ai không biết cái "Trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu" ấy.

Nhiều ký giả đã bỏ công ra đi tìm, phóng sự viết bài. Nó là ai, ở đâu?

Ờ thì… “làm gì có cái trung tâm nào gọi là trung tâm công nghệ hóa màu nào? Có đốt đuốc tìm cũng không thấy!"

Sài Gòn… bao giờ trở lại những tiếng rao? - Ảnh 2

Rồi chừng mươi 15 năm trở lại đây thì chen chúc những âm thanh lúc đầu nghe khó chịu, bực mình, sau rồi cũng quen quen. Tiếng rao phải nói là gây sửng sốt Sài Gòn, tạo hiệu ứng lan tỏa mạng xã hội, tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, đó là "Hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn…" với giọng nam Quảng rất rõ ràng. Hột vịt "dữa" là cách phát âm trại bình dân của "hột vịt vữa" (vữa vừa là danh từ vừa là động từ).

"Hột dịt lộn, hột dịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đê...ê...ê!".

Rồi biến thể của nó: "Hột dịt lộn, hột dịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào, hột dịt lộn xào me đê...ê...ê!".

Nghe riết rồi quen, quen riết rồi thuộc, thuộc thành thân rồi như thân thuộc vì "bỗng dưng" trở thành một phần của hồn cốt Sài Gòn.

Sài Gòn… bao giờ trở lại những tiếng rao? - Ảnh 3

Đã hết đâu! Này nhé, tờ mờ đất, người Sài Gòn còn ngái ngủ, đã nghe tiếng rao đánh thức, không trộn lẫn vô đâu được: "Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon, năm ngàn một ổ"! Mà thơm ngon giòn tan thiệt. Ta nói, sáng sớm cái bụng trống phốc, mới khởi động xong mà xé một góc ổ bánh mì dạo thồn vô miệng một cái nghen, nó ngọt ngọt, thơm thơm, giòn là giòn rụm luôn. Đã gì đâu!

Rồi âm thanh bánh mì rặt Sài Gòn ấy được pha trộn với âm thanh bánh mì một giọng nữ Bắc vào: "Bánh mì nóng giòn đây!".

Rồi nữa, "Bánh chưng, bánh giò đây!"...

Sài Gòn… bao giờ trở lại những tiếng rao? - Ảnh 4

Những âm thanh "du nhập" đã trở thành một phần của Sài Gòn như đã nói, vẫn không lấn át hay làm mất đi những tiếng rao bán, rao mua của một Sài Gòn tuổi trẻ, nhịp đập nhanh.

"Ai... đồng nhôm sắt vụn bán đây!", "De... chai!" (Ve chai), tiếng "De" kéo ngân dài rồi kết thúc đột ngột ở cuối chữ "chai!". Nó rất khác với tiếng rao ve chai "truyền thống" nghe quen tai một thời ở Sài Gòn, nhất là ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ: "De chai, lông dịt, dép đứt, thao nhơm, mủ bể đồ bán hôn!" (Ve chai, lông vịt, dép đứt, thau nhôm, mủ bể...).

Nhưng nói gì nói, kể gì kể, nếu là trẻ con Sài Gòn chính tông, giàu nghèo thây kệ, vẫn không thể không thuộc nằm lòng giai điệu "huyền thoại" của chiếc xe bán kem dạo. Đó chính xác là tiếng kèn, kèn gì thì không rõ, nhưng hễ bọn trẻ con nghe thấy tiếng nhạc vỏn vẹn mấy nốt ấy, chúng đã nhại cho ra bài hát lưu tuyền bao nhiêu năm nay, đến người lớn còn thuộc: "(Tôi nay) không có tiền, (tôi nay) không có tiền, không có tiền thì không có kem". Chủ ngữ "tôi nay" tùy theo nhóm con trẻ mỗi chỗ có thể hát nhại khác nhau, chỗ có chỗ không.

Sài Gòn… bao giờ trở lại những tiếng rao? - Ảnh 5

Những âm thanh quen thuộc ấy là những tiếng lòng, khắc họa một góc, một mảng của cuộc sống ở vùng đất Sài Gòn. Đó là những cuộc mưu sinh lẻ loi, đơn độc của những mảnh đời tha phương cầu thực, gây vui tai, lạ nhĩ, quen lòng, nhưng cũng chất chứa một nỗi buồn tha hương, cơ cực.

Có lúc chúng vang lên cũng làm bực bội lòng người, nhưng chỉ chợt thoáng qua khi ai đó đang cần vài giây phút tĩnh lặng bất thành. Bởi khi âm thanh vui nhộn, ồn ào ấy cất lên, Sài Gòn bỗng chốc rơi vào nốt nhạc trầm, du dương buồn, da diết lặng...

Sài Gòn… bao giờ trở lại những tiếng rao? - Ảnh 6

Một Sài Gòn chất chứa, cưu mang, ôm ấp tất cả vào lòng. Một Sài Gòn phóng khoáng, giang rộng hết cỡ đôi cánh tay, để cho đi không cần mang về.

Một Sài Gòn hồn cốt ngoài tim, hào sảng nghĩa tình, pha chút thói ngang tàng nghĩa hiệp. Tất cả đã làm Sài Gòn trở thành một Sài Gòn không sao chép lại với bất kỳ đâu.

Thực hiện: Xuân Thái