Sự bền vững sẽ đồng hành cùng thời trang xa xỉ?
150 thương hiệu thời trang đã tham gia vào một cam kết được dẫn dắt bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Francois-Henri Pinault - người sở hữu tập đoàn Kering.
Ba mươi công ty thời trang, bao gồm cả Chanel, Prada và H&M đã gia nhập hiệp ước do François-Henri Pinault dẫn đầu dưới yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những công ty dẫn đầu trong ngành thời trang đã kí tên vào cam kết khí hậu mới, nhắm đến mục đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050.Không thể phủ nhận tác động của ngành thời trang đối với môi trường. Mỗi năm, chỉ riêng tại Mỹ, đã có hơn 16 triệu tấn chất thải hàng dệt được thải ra. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, số lượng này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Tại Anh, Chương trình Hành động về chất thải và tài nguyên (WRAP) ước tính, số quần áo vứt bỏ tại các bãi rác mỗi năm trị giá 140 triệu bảng.
May mắn thay, người tiêu dùng trẻ đang nhận thức được vấn đề và điều chỉnh thói quen tiêu dùng cho phù hợp. Nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn Deloitte đã tiết lộ, hơn 80% giới trẻ trên khắp Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Mỹ đã nhìn nhận một điều quan trọng là các công ty cần hành xử có đạo đức và thực hiện các bước để giảm thiểu tác động môi trường. Lớp người tiêu dùng ở độ tuổi 25 - 35 dự kiến sẽ chi 150 tỷ USD cho hàng hóa bền vững vào năm 2021.Cam kết khí hậu mang tên "The Fashion Pact" sẽ được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh G7, tại thị trấn Biarritz của Pháp. 32 công ty sở hữu 150 thương hiệu, chiếm 30% của ngành công nghiệp thời trang đã cùng nhau kí vào cam kết, hứa hẹn sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của thời trang đối với môi trường, bảo vệ nền đa dạng sinh học và đại dương.
Cam kết này được thúc đẩy bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau khi ông làm việc cùng người sở hữu tập đoàn Kering – Giám đốc điều hành Francois-Henri Pinault. Các giám đốc điều hành khác cũng sẽ làm việc để giải quyết thách thức lớn của ngành công nghiệp thời trang này, bao gồm Marco Gobbetti của Burberry và Bruno Pavlovsky của Chanel.
Các công ty thời trang đang chịu áp lực từ các nhà quản lý cùng với khách hàng, khi mà những người tiêu dùng trẻ tuổi ngày càng ý thức hơn về vấn đề môi trường. Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu đồng thời nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và đại dương, nội dung bản cam kết tập trung vào việc thành công cắt giảm nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và hạn chế gây ô nhiễm đại dương bằng xơ vi mảnh (microfiber) khi người tiêu dùng giặt quần áo làm bằng vật liệu tổng hợp. Bản cam kết cũng yêu cầu các thương hiệu trong ngành thời trang nắm bắt được xu thế "kinh tế tuần hoàn", trong đó bao gồm các hoạt động tái chế và tái sử dụng sáng tạo, tạo ra những thiết kế có thể dùng lại trang phục cũ…
Mới đây nhất, tỷ phú Bernard Arnault, ông chủ sở hữu hơn 70 thương hiệu xa xỉ như Givenchy, Louis Vuitton, Christian Dior, khẳng định: "Cách mà các thương hiệu duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các sản phẩm của họ, là phải làm nhiều điều hơn nữa thay vì chỉ sử dụng các vật liệu có thể tái chế". Do đó, tập đoàn thời trang cao cấp của Pháp LVMH đã quyết định chính thức bắt tay với Stella McCartney - nhà thiết kế người Anh nổi tiếng với xu hướng thiết kế "Xanh" thân thiện với môi trường.Trong số các thương hiệu cam kết có những cái tên quen thuộc như Chanel, Hermès, chủ sở hữu Versace tập đoàn Capri Holdings và thương hiệu Calvin Klein thuộc tập đoàn PVH, Adidas, Nike, Inditex và H&M, Selfridges, Galeries Lafayette, Nordstrom.