“Có thể nói gần 10 năm qua, Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để góp phần xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí, tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, thực tiễn báo chí truyền thông trong thời gian qua có những biến động sâu sắc để thích ứng với quá trình chuyển đổi số do sự tác động của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của Internet và mạng xã hội. Chính những biến động ấy đã làm cho Luật Báo chí năm 2016 còn nhiều chỗ không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh nhỏ xét từ thực tiễn báo chí. Đó là quy định trong Điều 17 của Luật Báo chí năm 2016 hiện nay không phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng hiện nay.
Trong hệ sinh thái truyền thông mới, báo chí đang chuyển biến theo xu thế truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa nền tảng, đa tiếp nhận. Các cơ quan báo chí đều khai thác các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có số đông người sử dụng như Facebook, YouTube, Tiktok... để đáp ứng nhiều tệp công chúng mới, chuyên biệt và để nối dài, mở rộng thông tin cho các kênh chính thống.
Không chỉ có một kênh, nhiều cơ quan báo chí khai thác cùng lúc hàng trăm kênh miễn phí trên mỗi nền tảng cho từng chuyên mục, chuyên trang khác nhau. Việc phát triển nội dung trên các mạng xã hội cũng là xu thế chung của báo chí thế giới, xu thế báo chí đa nền tảng (multi platform journalism).
Kết quả khảo sát của chúng tôi từ giữa năm 2022 với 142 cơ quan báo chí cho thấy: 100% đơn vị đã khai thác nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới của bên thứ ba như Facebook, YouTube, Instagram, Tik Tok, Spotify, Google Podcast, Apple Podcast... Phát triển nội dung báo chí trên mạng xã hội hay là xu hướng đa nền tảng hoàn toàn không phải là việc sao chép các nội dung đã đăng trên báo hay phát sóng trên đài để đưa lên những nền tảng miễn phí.
Điều 17 Luật Báo chí 2016 (khoản 4) quy định: “Báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn “ đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam”. Nhưng các nền tảng YouTube, Facebook, Tik Tok, Spotify, Google Podcast, Twitter, Instagram... không có máy chủ đặt tại nước ta, cũng như không có tên miền “.vn”.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí cho phù hợp với thực tiễn truyền thông trong sự bùng nổ của kỷ nguyên số, công nghệ số, phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng hiện nay.
Liên quan đến quá trình hội nhập và đa nền tảng hóa báo chí, đã có nhiều vấn đề phát sinh đáng quan ngại cần được luật pháp điều chỉnh như các quy định về chính sách đối với nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cho báo chí hoạt động; các quy định liên quan đến thói quen khai thác, sử dụng sản phẩm tôn trọng sở hữu trí tuệ trên môi trường số và đặc biệt, các quy định về việc khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tạo tác phẩm/sản phẩm báo chí”.
“Kinh tế báo chí là vấn đề tương đối phức tạp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Nếu xem báo chí là một ngành kinh tế, sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa, thì nó phải vận hành theo những quy luật của nền kinh tế, chịu sự điều chỉnh của các quy định về kinh doanh. Như vậy, việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ của cơ quan báo chí sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Sự phát triển kinh tế báo chí dẫn đến sự tác động có tính hai mặt vào đời sống báo chí truyền thông.
Mặt thứ nhất, nó mang lại nguồn lực tài chính quan trọng, bảo đảm cho sự tiếp tục phát triển, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới kỹ thuật tiếp cận công nghệ, mở mang thêm các nguồn thông tin, tài liệu cũng như công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo.
Mặt thứ hai, sự phát triển kinh tế báo chí dẫn tới hiện tượng thương mại hóa báo chí, hay sự xuất hiện những sản phẩm báo chí thuần túy mang tính hàng hóa, chỉ quan tâm thu lợi nhuận, không quan tâm đến chức năng thông tin tuyên truyền hoặc coi chức năng thông tin tuyên truyền như vỏ bọc cho hoạt động kinh tế.
Vậy có nên đánh đồng kinh tế báo chí và tự chủ hay không? Thực chất đây là hai khái niệm khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau. Các cơ quan báo chí tự chủ thì phải tiến hành làm kinh tế báo chí, nhưng không phải cơ quan báo chí nào làm kinh tế báo chí cũng là cơ quan báo chí phải tự chủ. Chính vì vậy, cần phải quy định rất rõ cơ chế tự chủ trong báo chí để tránh những sự hiểu lầm hoặc lợi dụng “cơ chế tự chủ” để thực hiện những mục đích kinh tế khác nhau.
Một vấn đề nữa liên quan đến kinh tế báo chí, đó là việc đặt hàng sản xuất. Đề nghị Luật Báo chí làm rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, ưu tiên hỗ trợ đối với cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn, hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng tổ hợp truyền thông mạnh, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu.
Đề nghị việc đặt hàng cần được quy định rõ trong luật và các bộ, ngành sớm xây dựng cơ chế, quy định mức kinh phí hỗ trợ, đặt hàng các cơ quan báo chí tham gia truyền thông chính sách như: các chính sách mới, chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Từ đó các cơ quan báo chí có cơ sở xây dựng các đề án tuyên truyền phù hợp, hiệu quả”.
“Từ năm 2017 đến năm 2020 là thời điểm kinh tế báo chí “chạm đáy”, lượng báo in phát hành và các hợp đồng quảng cáo của một số cơ quan báo chí giảm, nhiều tòa soạn phải giảm số lượng trang, kỳ xuất bản, trong khi đó một số khác phải tạm ngừng xuất bản bản in. Hậu quả của tình trạng này làm cho doanh thu của nhiều cơ quan báo chí, nhà đài giảm mạnh, trong đó có đài sụt giảm từ 50-70% doanh thu từ quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.
Đánh giá 5 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận sự tham gia điều tiết của Nhà nước bằng nguồn lực tài chính cho báo chí còn thấp, chưa được đồng đều, thường xuyên. Trong quá trình vận hành, có ít cơ quan chủ quản bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền.
Làm thế nào để việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các bộ, ngành bám sát theo chức năng, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, để đạt hiệu quả cao trong công tác thông tin tuyên truyền? Làm thế nào nào để có sự công bằng, hợp lý trong đặt hàng của Nhà nước?...
Nếu như trước đây các cơ quan báo chí chỉ trông đợi nguồn thu lớn nhất từ quảng cáo, thì thời điểm này “chiếc bánh” quảng cáo lại rơi vào các doanh nghiệp sở hữu nền tảng xuyên biên giới, chuyển dịch từ các loại hình báo chí truyền thống sang không gian số. Vấn đề thu phí nội dung đang nổi lên giải pháp kinh doanh mới, một mô hình kinh tế báo chí hợp lý và phù hợp xu thế, giúp các tòa soạn đa dạng nguồn thu, sáng tạo những nội dung hấp dẫn và chất lượng để duy trì hoạt động và tái đầu tư những sản phẩm chất lượng cao.
Tuy nhiên, quy định về thu phí nội dung như thế nào, ai được thu và thu như thế nào cho công bằng lại cần có căn cứ pháp lý rõ ràng. Chính vì vậy, luật và các quy định quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí trong bối cảnh hiện nay cần sớm bổ sung quy định, quy chế để thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới, góp phần chuyển đổi và đa dạng hóa doanh thu báo chí”.
“Các phương tiện truyền thông mới ra đời và phát triển trong một thời gian khá ngắn, tuy vậy, tốc độ và sự biến Hiện nay, khi pháp luật về các phương tiện truyền thông mới còn chung chung, còn nhiều khoảng trống chưa áp dụng tới hoặc áp dụng nhưng đã lạc hậu. Do vậy, các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, cần thiết phải khảo sát, tổng kết thực tiễn, theo sát diễn biến của các phương tiện truyền thông mới để đề xuất, tham mưu và đưa ra các văn bản qui phạm hoàn thiện hơn, đi vào thực tế hơn.
Một ví dụ điển hình là trong những năm gần đây, báo chí trên điện thoại di động đã trở thành một một phương tiện truyền thông mới với nhiều ưu điểm, đã thu hút hầu hết công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều phần mềm đọc báo, các trang thông tin tổng hợp đã ra đời. Hầu hết các kho ứng dụng không quan tâm đến việc phần mềm đọc báo sẽ lấy nguồn tin từ đâu, nhưng khi người sử dụng phần mềm ấy tiếp cận thông tin sẽ mất phí và những chủ thể phần mềm được chia lợi nhuận từ đó.
Không chỉ tự động tổng hợp từ các tờ báo, mà còn lấy cả tin bài từ những trang thông tin tổng hợp đang “hot” trên mạng chỉ nhằm mục đích “câu view”, gây sự chú ý của dư luận. Thực tế tác giả đã sử dụng chúng để “sao - chép” và “bán” thông tin cho người sử dụng.
Vấn đề này hiện vẫn còn đang rất mới và chưa có một quy định rõ ràng. Rất nhiều trang tin online đã chuyển hướng, tìm kiếm bạn đọc qua việc đọc báo trên điện thoại, tuy vậy họ vẫn có sự liên kết chặt chẽ với các trang tin chính của họ và dẫn nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống. Rất khó kiểm soát được những thông tin đăng tải, nhiều thông tin “lá cải” được xen lẫn với những bài báo khác được tạo thành một “luồng” thông tin mới.
Bên cạnh những phần mềm tự sao chép, một số trang thông tin tự ý lấy bài của nhà báo thay đổi nội dung và dẫn nguồn từ một trang thông tin khác. Các phần mềm tổng hợp tin trích dẫn nguồn từ các trang thông tin điện tử thì chưa có văn bản nào để kiểm soát vấn đề này. Bởi vì đến thời điểm hiện tại, ngoài những trang tin tức tổng hợp đã đăng ký với Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử còn rất nhiều website tổng hợp tin tức không rõ nguồn gốc. Như vậy, không khó để các phần mềm này “lách luật” để tránh việc khiếu nại liên quan đến vấn đề bản quyền...
Đây là vấn đề vi phạm bản quyền nghiêm trọng và mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 897/BTTTT- PHTH-TTĐT yêu cầu các trang thông tin tổng hợp thực hiện nghiêm các quy định về báo chí, bản quyền khi cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần phải nghiên cứu, tổng kết, trong đó bản quyền của các bài báo khi được sử dụng trên các phần mềm điện thoại là điều cần sớm phải bàn tới. Trong thời gian tới, để tránh việc vi phạm bản quyền đang có chiều hướng “biến tấu” sang một hình thức mới, cần sớm có một văn bản hướng dẫn cụ thể dành cho các kho ứng dụng và tác giả để bảo vệ quyền lợi của người làm báo”.
VnEconomy 28/06/2023 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2023 phát hành ngày 26-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam