16:08 26/06/2023

Phát triển báo chí đa nền tảng

Nhĩ Anh

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, mạng xã hội và truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí 2016 chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động. Do đó, việc sửa Luật Báo chí là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí đa nền tảng, báo chí số...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, sự phát triển, hoàn thiện Luật Báo chí qua các thời kỳ đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam. Hơn 6 năm qua, Luật Báo chí năm 2016 đã trở thành nền tảng, cơ sở pháp lý để những người làm báo phục vụ xã hội tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển của báo chí. 

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội dưới sức tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, mạng xã hội, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng cao, sự phát triển của chính lĩnh vực báo chí cùng những vấn đề trong thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết cập nhật, bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí 2016.

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BÁO CHÍ ĐA NỀN TẢNG

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đối với việc thúc đẩy thực tiễn chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam, quá trình chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí số lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số.

Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống với 4 loại hình báo chí căn bản sang một nền báo chí gắn liền với các loại hình truyền thông mới, trên nền tảng số. Các chuyên gia nêu thực tế, Luật Báo chí hiện hành chưa có quy định thúc đẩy chuyển đổi số báo chí trong thời đại phát triển công nghệ 4.0.

 
Sửa đổi Luật Báo chí 2016 cần theo hướng xem xét báo chí số trong mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời là điều kiện tiên quyết để xây dựng mô hình tòa soạn số, hội tụ nội dung số + công nghệ số + công chúng số + kinh tế số.

Trọng tâm chuyển đổi số báo chí là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đổi mới mô hình quản lý, tác nghiệp của cơ quan báo chí, tạo ra cơ hội, các giá trị gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng…

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, đích đến của chuyển đổi số báo chí là báo chí số. Để chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn số, mỗi cơ quan báo chí cần xác định được mô hình tòa soạn số là đích của sự chuyển đổi số.

Vì vậy, sửa đổi Luật Báo chí 2016 cần theo hướng xem xét báo chí số trong mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời là điều kiện tiên quyết để xây dựng mô hình tòa soạn số, hội tụ nội dung số + công nghệ số + công chúng số + kinh tế số.

Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số trong một hệ sinh thái số.

Thực tiễn chuyển đổi số báo chí và phát triển báo chí số cho thấy hầu hết các cơ quan báo chí đều nỗ lực lớn trong chuyển đổi số như một đòi hỏi sống còn, phát triển các dòng sản phẩm báo chí số, xây dựng và quản trị tòa soạn số. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất.

Phân tích nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, bà Hằng nhận xét: nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình tòa soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình tòa soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ (nội dung số + công nghệ số + công chúng số + kinh tế số + hệ sinh thái số).

MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CÁC VẤN ĐỀ

Khái niệm báo chí hiện nay không bao hàm được hết vấn đề truyền thông số đặt ra. Nếu không mở rộng phạm vi điều chỉnh, báo chí rất khó cạnh tranh với các loại hình khác. Luật Báo chí chưa bao quát hết các mô hình, vấn đề của báo chí số. Việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn số, nhà báo số, nền tảng số, công cụ số, nhiều khái niệm công cụ của báo chí số, hội tụ các thành tố của báo chí số, các nền tảng số mới chưa được đề cập tới trong Luật Báo chí…

Ngoài 4 loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí, loại hình báo chí số với các thể loại cơ bản như báo chí tự động, báo chí dữ liệu, còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như: mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình…).

Phát triển báo chí đa nền tảng - Ảnh 1

Công cụ pháp lý trong quản trị nội dung, quản trị tòa soạn số trong bối cảnh phát triển AI đang là những thách thức lớn, nhất là vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông và vấn đề sở hữu trí tuệ, khi ChatGPT, AI phát triển tạo nguy cơ sản xuất và phát tán tin giả bằng báo chí tự động. Công cụ pháp lý kinh doanh báo chí số, đặc biệt là công cụ pháp lý cho quản trị tài chính đang là khúc mắc lớn cần có giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, Luật Báo chí 2016 chưa đề cập tới những mảng nội dung này.

Với những phân tích như trên, PGS.TS Hằng kiến nghị về tên Luật nên đổi là Luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh. Theo hướng này, cần bổ sung các thuật ngữ, đặc biệt là các thuật ngữ của báo chí số (sản phẩm báo chí số, sản phẩm truyền thông xã hội, sản phẩm, dịch vụ truyền thông liên nhân cách, sản phẩm truyền thông đại chúng, nền tảng báo chí truyền thông, báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động…).

Quan điểm này cũng được nhiều chuyên gia trong ngành góp ý khi cho rằng luật hiện hành chưa cập nhật thực tiễn phát triển của báo chí như: các phương tiện truyền thông xã hội; sự phát triển của các mô hình báo chí mới; sự mở rộng kênh phân phối các sản phẩm thông tin báo chí...

Do vậy, cần nghiên cứu cân nhắc mở rộng phạm vi điều chỉnh để quản lý được các vấn đề trên. Về tên gọi, theo phạm vi điều chỉnh trên, có thể cân nhắc, mở rộng tên gọi đến truyền thông để bao quát các vấn đề lớn của báo chí truyền thông hiện đại, mở rộng các hệ thống khái niệm, từ đó bổ sung quy định quản lý phù hợp.

Trong tham luận gửi hội thảo, TS. Nguyễn Thị Cẩm Hồng, ThS. Nguyễn Thành Phương (Khoa Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ) đề xuất cân nhắc, xem xét sửa đổi tên luật thành “Luật Báo chí truyền thông”, mở rộng phạm vi điều chỉnh để bao quát các loại hình truyền thông hiện đại; làm rõ khái niệm, thúc đẩy phát triển tổ hợp báo chí- truyền thông, hệ sinh thái báo chí; khái niệm “chủ bút, chủ báo”…; điều chỉnh quy định về mô hình cơ quan báo chí, các loại hình báo chí, thông tin, truyền thông, từ đó bổ sung quy định quản lý phù hợp…

TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng hệ thống thuật ngữ loại hình báo chí truyền thống cũng cần rà soát, bổ sung như cần có hệ thống thuật ngữ Tạp chí, Tạp chí in, Tạp chí điện tử, Tạp chí lý luận chính trị, Tạp chí khoa học… với tiêu chí phân loại rõ ràng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2023 phát hành ngày 26-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phát triển báo chí đa nền tảng - Ảnh 2