Suy giãn tĩnh mạch chân và các biến chứng
Suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Tuy nhiên biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch.

Hiện nay, chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh đã được xác định. Trong đó, tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do: tuổi tác, tư thế sinh hoạt hay làm việc (phải đứng hay ngồi lâu một chỗ, ít vận động, phải mang vác nặng)… Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: môi trường làm việc (ẩm, thấp), thừa cân, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ, thiếu hụt vitamin, lười vận động…


Theo thống kê, có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường. Có ba biến chứng mà người mắc bệnh suy và giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải nếu không được điều trị đúng cách, là huyết khối (máu đông), xuất huyết (chảy máu) và loét chân. Các tĩnh mạch giãn to nếu không được lấy bỏ sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Các cục máu đông tạo lập trong lòng mạch có thể bong ra, theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao. Các tĩnh mạch giãn to dần đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu. Sự rối loạn biến dưỡng da ở cẳng chân lâu ngày sẽ dẫn đến chàm, tăng sắc tố da và loét chân do ứ đọng. Tình trạng loét chân do tĩnh mạch là một biến chứng rất khó điều trị.
Những con số cần chú ý về bệnh suy giãn tĩnh mạch:- 70% số bệnh nhân là nữ giới.- 35% là người đang đi làm.- 77,6% số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, chỉ đi khám khi bệnh đã quá nặng.- 80% số bệnh nhân điều trị sai bệnh, khiến bệnh nặng thêm.- Hơn 90% số bệnh nhân chủ quan, không điều trị.