Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 1
Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 2

Ngành chứng khoán - nơi ông cùng lớp các nhà khoa học đầu tiên gom góp tri thức xây nền tảng pháp lý, định hình các nghiệp vụ từ hơn 2 thập kỷ trước, đang ở một giai đoạn vất vả khi quy mô thì lớn nhanh, nhưng chất lượng nhiều mặt trong lòng thị trường vẫn “vàng thau lẫn lộn”. Vậy điểm yếu nằm ở đâu nếu nhìn vào chuỗi liên kết giữa các chủ thể tạo nên thị trường, thưa ông?

Điểm yếu nằm ở chỗ thị trường chưa có được sự vận động đồng bộ. Là định chế bậc cao của nền kinh tế, TTCK rất cần có cơ chế vận động đồng bộ, tương thích và chuyên nghiệp. Một thị trường hoạt động trơn tru sẽ cần các thành tố đóng góp chuẩn mực. Thị trường thăng trầm mấy năm trước có thể là do tác động khách quan, nhưng tình trạng bất thường gần đây là do nội tại. Sắp tới nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì sẽ cần sự quan tâm sâu vào nhiều mặt.

Để hóa giải, tôi nghĩ sẽ không có “cây đũa thần” nào tác động, không ai đủ tầm đưa ra giải pháp, gây dựng lại niềm tin. Ở đây tôi xin mạo muội nêu lên một số vấn đề (chỉ đặt vấn đề) để tìm hướng đi. Trước tiên là vấn đề biến động thái cực, là tình trạng khi “mập bịnh” lúc “ốm đói”, ai cũng biết sẽ cần rà soát nhiều mặt nhưng “ai” làm và làm thế nào? Về mặt pháp lý, thời gian qua ta thường nghe có bất cập, nhiều “lỗ hổng”, nhưng vá chỗ nào, sửa làm sao, tập trung và bổ sung ở đâu, sẽ cần nhìn lại nghiêm túc. Cần nhận diện rõ và liệt kê chi tiết điều gì, hoạt động nào, mảng nào, nghiệp vụ nào, chủ thể hay thành tố nào là điểm mạnh cần phát huy hoặc là điểm yếu cần tập trung điều chỉnh, cải thiện. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác về nhà đầu tư, chủ thể liên quan, quy mô giao dịch, thu hút đầu tư…

Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 3

Về hành lang dẫn hướng thị trường, có thể thấy, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán tuy đã có nhưng chưa sâu, chưa bám sát thực tế vận động và phủ đều các mặt hoạt động; yêu cầu kiểm soát, theo dõi và giám sát (watchdog nói chung) còn lỏng. Về thông lệ hành xử (là phần mềm phẩm chất) chậm hình thành, chưa là yếu tố bổ sung cho cây gậy pháp luật điều chỉnh hành vi thị trường. 

Nhiều mảng hoạt động chưa chặt chẽ, kém phát huy như kiểm toán, tư vấn phát hành, bán riêng, tự doanh. Hoạt động tư vấn phát hành và kinh doanh trái phiếu lỏng về nề nếp và luật lệ, gây nên trình trạng tranh thủ có hại. Một số hoạt động giao dịch trên sàn tuy phong phú, nhưng hiệu dụng còn hạn chế, kém tích cực. Cần rà soát lại nghiệp vụ margin, xem lại mục đích, mức độ và thực tế đóng góp của các sản phẩm phái sinh cho thị trường là gì, nếu đơn giản chỉ phục vụ đánh cược thì không nên.

Hoạt động môi giới cần đặt nặng vai trò tư vấn cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, nhà đầu tư trẻ, thay vì quá chú trọng việc đặt lệnh, “chốt lời, cắt lỗ”. Mặt khác, nhà đầu tư không chỉ đánh đấm trên sàn, mà họ còn cần kiếm lợi trực tiếp từ công ty niêm yết. Họ cần doanh nghiệp có thực lực vững mạnh, có khoản chia cho họ (cổ tức), nghĩa là cần có tiền chứ không chỉ tiếng.

Thị trường tài chính rất nhạy cảm, có yêu cầu chuyên sâu chuyên nghiệp cao, nghiệp vụ tài chính lại đa dạng và khá phức tạp, nên cần sự tham gia đồng bộ và đóng góp tích cực của các thành tố tham gia, sự vận hành chắc tay từ các phía và nhiều bên sẽ giúp thị trường phát triển. Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn có nhiều bộc lộ không mong muốn này, thị trường cần sự quan tâm cải thiện đúng mực về mặt quản lý điều hành để củng cố niềm tin và phát huy tác dụng, cần các hành lang pháp lý bám theo để giữ ổn định và bảo vệ các bên tham gia, nhất là đại chúng.

Đầu năm 2022, sau thời gian thị trường “mập” nhanh và thể trạng dần xuống dốc, tôi có đề nghị các lãnh đạo ngành nên thực hiện một đợt phổ biến kiến thức nền tảng về TTCK cho quần chúng rộng khắp. Mục đích để có nhiều hơn các nhà đầu tư có hiểu biết tối thiểu, giảm thiểu tình trạng đầu tư theo cảm tính bầy đàn, gây bất lợi cho họ và cho thị trường, nhưng điều kiện chưa cho phép.

Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 4

Ở tuổi tạm gọi là lão làng, ông đã dành tặng bạn trẻ lời khuyên “trường học lớn nhất chính là trường đời”. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế khởi nghiệp và số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, phá sản những năm gần đây có thể thấy, “trường đời” quả thực rất khắc nghiệt. Vậy người trẻ cần học điều gì trước khi khởi nghiệp để bớt vấp ngã và nếu có vấp lại đứng lên được, thưa ông?

Trong cuốn sách “Những nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, tôi đã chia sẻ: “Muốn thành công hay thành danh mà không tiếp tục “sau đại học”, thì không chắc và không đủ, kể cả người đã có thạc sỹ hay tiến sỹ. Con đường “sau đại học” ở đây là môi trường thực ngoài đời, là học đời, học việc, là tự học, học để kiếm cơm, vì đam mê hay để đổi đời… Con đường sau đại học như vậy ai cũng học được, không kén bằng cấp đầu vào, không cần “chạy” đầu ra, nhưng chính đây mới là đường dẫn đến thành công. Muốn thành danh thì phải khổ luyện nhiều”, ý này rộng và sâu, chứ không cụ thể điều gì và không riêng cho khởi nghiệp. Quá trình “sau đại học” đó là giai đoạn tích lũy sự dày dạn, đối diện những lên bờ xuống ruộng từ thực tiễn cuộc sống…

Theo quan sát, thời gian qua cùng với các hoạt động thời sự về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc cổ súy start-up đã được đẩy lên cao, điều này tốt thôi, nhưng nếu quá mức sẽ dễ tạo ra những cái đầu “hoang tưởng”, dễ có khoảng trống không có lợi cho “khởi nghiệp cơm gạo” thực tế và thực chất. Xin mở ngoặc, tôi gọi khởi nghiệp cơm gạo (starting a business) là việc bắt đầu một hoạt động kinh doanh trong thị trường đang có, ban đầu thường nhỏ với tinh thần tự lập tự chủ. Khác với startup là sự khởi tạo đột phá có tính mạo hiểm và khắc nghiệt, do cần được các nhà đầu tư thiên thần để mắt, nhưng không dễ.

Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 5

Thời gian qua, sự khắc nghiệt của “trường đời” đã làm cho nhiều bạn trẻ thất vọng, thậm chí trắng tay, là kinh nghiệm cho các trường hợp không chắc bước. Theo tôi, trong quá trình xây dựng cuộc sống, các bạn trẻ cũng nên túc ta túc tắc, kiên trì học, làm, quan sát tích lũy kinh nghiệm theo năm tháng để có độ chín cần thiết. Bởi, sẽ không có cú nhảy vọt nào trong cuộc sống bình thường, nếu bạn không có “bệ phóng” hay “tấm thảm bay”. Hãy nuôi hoài bão nhưng không vội đặt mình trước kỳ vọng cao.

Tôi có người bạn già người Úc, là cha nuôi của gần một ngàn sinh viên Việt Nam trong 25 năm qua, hễ gặp các em là ông nhắc “Dream, Believe and Do”. Đây như một slogan nhắc nhở nhau, em nào cũng nằm lòng. Vâng, “Hãy ước mơ, Hãy tin và Làm”. Ước mơ và tin thì dễ. Làm mới khó. Làm bằng đầu và đi cũng bằng đầu, chứ không phải bằng tay bằng chân. Suy cho cùng thì làm gì cũng bằng cái đầu. Kể cả nhìn cũng bằng đầu chứ không chỉ bằng mắt. Khi biết nhìn bằng đầu, ta sẽ không dễ bị các hào quang “nổi tiếng”, “giàu nhanh”, “sống ảo”, “sống vội” dắt đi, cần nhận ra đó như các hội chứng nguy hại.

Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 6

Ông định nghĩa thế nào về hạnh phúc? Với tư cách là giảng viên Trường doanh nhân PACE và là diễn giả nhiều nơi, ông thường trao truyền bài giảng/khuyên gì cho các  học viên - doanh nhân của mình - khi họ khát khao tạo dựng giá trị và cũng có “hoài bão hiển đạt” như tuổi trẻ ông đã từng trải qua?

Hạnh phúc là gì? Không thể hay khó có một định nghĩa chung nào cho tất cả. Tùy theo mức độ, sự cảm nhận và nhìn nhận, đó có thể là sự vui sướng, thỏa mãn, sự đạt thành, mãn nguyện… Với tôi và có lẽ cũng với nhiều người, cảm thụ về hạnh phúc có cả các điều vừa nói và rộng hơn. Một cách chung nhất, có thể hiểu hạnh phúc là tính tự hưng phấn, có giá trị nhất thời hoặc lâu dài. Hạnh phúc sẽ dài hơn khi ta với tới một tầm hạn nào đó, lúc hiển đạt ước mơ, hay cảm nhận điều hữu ích, cho mình và cho tha nhân. Theo tôi, một gia đình an yên, con cái thành người, có nhiều bạn quý mến là niềm hạnh phúc quý giá ai cũng kiếm tìm, mong đợi.

Tôi làm việc nhiều, giảng dạy nhiều, viết lách và truyền bá nhiều, nhưng thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ dám truyền đạt hay khuyên ai điều gì để có hạnh phúc. Bởi việc cảm thụ hạnh phúc có thể không giống nhau. Có chăng là các khuyến nghị xa gần để có kết quả, như sự khát khao, kiên trì tập trung bền bỉ cho hoài bão hiển đạt. Dù sao thì những gì tôi nói ở đây chỉ là cảm nhận thôi.

Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 7

VnEconomy 14/01/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02 phát hành ngày 09-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tản mạn “học ở trường đời” cùng nhà khoa học Huy Nam   - Ảnh 8