Thanh khoản ảm đạm như kỳ nghỉ Tết, khối ngoại rút ròng ngàn tỷ
Giao dịch chiều nay có sôi động hơn chút ít, nhưng tổng khớp lệnh hai sàn cũng chưa tới 7.500 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Cả ngày thanh khoản khớp lệnh chỉ đạt 13.265 tỷ đồng, thấp tương đương tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán hồi đầu năm. Nhà đầu tư nước ngoài quay lại nhịp độ bán ròng cỡ ngàn tỷ đồng sau một tuần tạm chững lại...
Giao dịch chiều nay có sôi động hơn chút ít, nhưng tổng khớp lệnh hai sàn cũng chưa tới 7.500 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Cả ngày thanh khoản khớp lệnh chỉ đạt 13.265 tỷ đồng, thấp tương đương tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán hồi đầu năm. Nhà đầu tư nước ngoài quay lại nhịp độ bán ròng cỡ ngàn tỷ đồng sau một tuần tạm chững lại.
Giá trị bán ròng trên HoSE chiều nay tăng vọt lên 669 tỷ đồng trên sàn HoSE và tính chung cả phiên đạt 1.143 tỷ đồng. Nếu bao gồm cả HNX và UpCOM, tổng giá trị bán ròng lên tới gần 1.179 tỷ đồng. Phiên gần nhất khối ngoại rút ròng cỡ ngàn tỷ là ngày 19/6 vừa qua và chỉ từ đầu tháng đến nay đã có 6 phiên mức bán ròng đạt trên 1.000 tỷ đồng và trong tháng 5 có tới 7 phiên.
Cũng phải lưu ý là trong mức bán ròng lớn hôm nay có giao dịch rút 791,7 tỷ đồng với chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Dù là chứng chỉ quỹ thường được thỏa thuận nhưng cuối cùng thì quỹ cũng phải bán ra cổ phiếu. Thêm nữa số lượng cổ phiếu bị bán ròng mạnh là nhiều hơn hẳn số mua ròng. Giao dịch mua ròng chỉ tập trung đáng kể vào vài cổ phiếu là MWG +105,2 tỷ, PC1 +52,3 tỷ, KDH +42,4 tỷ, DGC +28,5 tỷ, HPG +26,9 tỷ. Phía bán ròng có FPT -101,5 tỷ, TCB -74,8 tỷ, POW -58,7 tỷ, VPB -54,5 tỷ, CTG -44,1 tỷ, HDB -43,1 tỷ, VNM -43 tỷ, VND -42,9 tỷ, VHM -34,4 tỷ, GAS -23 tỷ.
Tính riêng cổ phiếu trong rổ VN30, mức bán ròng khoảng 365,5 tỷ đồng. Tổng giá trị bán trong rổ đạt 1.618,4 tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng giá trị giao dịch cả rổ (bao gồm cả thỏa thuận). Đây là tỷ trọng rất lớn. Dĩ nhiên không phải cổ phiếu nào bị khối ngoại xả thì giá cũng đỏ, nhưng sức ép vẫn tồn tại và dòng tiền trong nước phải tiêu tốn nguồn lực để hấp thụ.
Trong khi đó dòng tiền nội có biểu hiện rất kém. HoSE khớp lệnh chiều nay tăng 33,5% so với phiên sáng, đạt gần 7.039 tỷ đồng. Rổ VN30 tăng 38,4%, đạt 3.268 tỷ đồng. Phần lớn tiền ở rổ VN30 buổi chiều đổ vào 3 cổ phiếu là FPT, MWG và VPB – chiếm tới 42% tổng giao dịch tăng thêm. Cả 3 mã này đều có cải thiện giá khá ấn tượng: FPT chiều nay tăng 1,07% so với giá chốt buổi sáng, đảo chiều thành công vượt tham chiếu 0,76%. Thanh khoản riêng buổi chiều của mã này đạt 588,4 tỷ đồng. MWG cũng có giao dịch 413,9 tỷ đồng đẩy giá tăng 1,77% so với phiên sáng và được kéo vượt tham chiếu 1,28%. VPB khớp 361,8 tỷ đồng, giá tăng 1,32% so với phiên sáng và quay lại mức tham chiếu. Với giao dịch rất khá buổi chiều, cả 3 mã này giữ vị trí đầu bảng toàn thị trường về thanh khoản cả ngày.
Dòng tiền tổng thể tuy không mạnh nhưng thị trường vẫn có những cổ phiếu thu hút vốn tốt như 3 cổ phiếu nói trên. Độ rộng sàn HoSE cải thiện đáng kể về cuối với 175 mã tăng/214 mã giảm trong khi cuối phiên sáng mới là 138 mã tăng/244 mã giảm. Nhóm tăng có 90 mã vượt quá 1%, thanh khoản tập trung 20,2% tổng khớp sàn HoSE. Nhóm giảm có 82 mã rơi hơn 1% và tập trung 19,5% tổng thanh khoản. Như vậy dòng tiền có sự phân hóa rất rõ ngay cả khi tổng giao dịch suy yếu rất nhiều.
Với sự phân hóa này, khả năng chọn đúng cổ phiếu quan trọng hơn diễn biến của VN-Index. DIG, DCM, PDR, NVL, BVH, EVF là các mã tầm trung tới nhỏ tăng giá tích cực và đều thanh khoản cả trăm tỷ đồng. Nhóm “lin kin” như HID, TDC, MIG, TIP, QCG, TTA, ST8, SAV, TCI thậm chí tăng trên 4% dù chỉ khớp vài tỷ đồng thanh khoản. Phía giảm cũng vậy, TCB, POW, STB, HAH, VRE, VND, BCM, DBC… bị xả rất mạnh. Nhìn chung đại đa số cổ phiếu hôm nay cũng tương tự 2 phiên trước chỉ dao động trong biên độ hẹp, tăng giảm ở mức “nhiễu” thông thường.
Với thanh khoản giảm sâu, biên độ dao động hẹp, thị trường đang cho thấy có sự chững lại từ cả bên mua lẫn bên bán. Không bên nào hành động dứt khoát khiến cung cầu không gặp nhau dù tổng thể dư mua dư bán vẫn rất lớn. Đây là trạng thái cân bằng tạm thời trước khi có một thay đổi đủ lớn, bất kể là theo hướng nào.