S&P 500 tăng liền hai phiên, giá dầu đi lên bất chấp thống kê bất lợi
Ngoài các cổ phiếu Big Tech giao dịch sôi động, thị trường về cơ bản ảm đạm do nhà đầu tư chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (26/6), với chỉ số S&P 500 tăng phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư chờ dữ liệu lạm phát dự kiến công bố trong tuần này. Giá dầu thô tăng nhẹ khi giảm vào phiên trước, bất chấp số liệu thống kê cho thấy lượng xăng dầu tồn trữ của Mỹ tăng.
Lúc đóng cửa, S&P 600 tăng 0,16%, đạt 5.477,9 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 15,64 điểm, tương đương tăng 0,04%, đạt 39.127,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,49%, đạt 17.805,16 điểm.
Nửa đầu năm nay, Nasdaq đã tăng 18,6%, phần nhiều nhờ đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu Nvidia. Phiên này, cổ phiếu hãng sản xuất con chip khổng lồ đóng cửa với mức tăng 0,3% dù đã giảm trong phần lớn thời gian của phiên. Trước đó, Nvidia đã tăng khoảng 7% trong phiên ngày thứ Tư, sau khi giảm với mức độ tương tự trong phiên ngày thứ Ba.
Không chỉ khiến Nasdaq dịch chuyển, Nvidia - với mức vốn hoá 3,1 nghìn tỷ USD - còn có ảnh hưởng lớn trong S&P 500. Thành quả thăng 150% của cổ phiếu này từ đầu năm đến nay đã làm dấy lên mối lo ngại về sự tập trung quá mức của xu hướng tăng vào một số ít cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn (Big Tech). Mức độ tập trung cao này đặt ra rủi ro thị trường “gãy trụ” nếu cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) hạ nhiệt.
Cổ phiếu Amazon tăng 3,9% trong phiên ngày thứ Tư, đưa giá trị vốn hoá thị trường của công ty lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 nghìn tỷ USD. Trước Amazon, đã có Nvidia, Apple, Alphabet và Microsoft đạt được mốc vốn hoá này.
Ngoài các cổ phiếu Big Tech giao dịch sôi động, thị trường về cơ bản ảm đạm do nhà đầu tư chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng. Thị trường đang khấp khởi hy vọng báo cáo PCE sẽ cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang, mở đường để Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo tốc độ tăng so với cùng kỳ năm ngoái của PCE trong tháng 5 giảm còn 2,6%.
Trong khi đó, giới chức Fed gần đây liên tục kêu gọi kiên nhẫn trong việc giảm lãi suất. Tuần này, Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc lại quan điểm rằng duy trì lãi suất ở mức hiện tại “thêm một thời gian” có lẽ sẽ đủ để đưa lạm phát về tầm kiểm soát.
Xu hướng tăng của thị trường gần đây đã chậm lại, làm dấy lên đồn đoán rằng đà tăng đã cạn. “Giá cổ phiếu bây giờ đắt quá”, Giám đốc đầu tư David Bahnsen của công ty The Bahnsen Group nói với hãng tin CNBC, nhận định rằng các cổ phiếu Big Tech sắp bước vào một thời kỳ điều chỉnh và thức tỉnh.
“Chưa biết liệu biến động tuần qua của cổ phiếu công nghệ có phải là khởi đầu của một sự điều chỉnh sâu hơn, hay thị trường vẫn chưa đến lúc thức tỉnh. Nhưng tâm trạng hào hứng quá mức của nhà đầu tư, hay sự tăng giá quá đà, đều có chung một kết cục”, ông Bahnsen nói.
Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tại thị trường London tăng 0,24 USD/thùng, tương đương tăng 0,28%, chốt ở mức 85,25 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 8 tại New York tăng 0,07 USD/thùng, tương đương tăng 0,09%, chốt ở mức 80,9 USD/thùng.
Dầu tăng giá dù báo cáo thống kê hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn trữ thương mại dầu thô và xăng đều tăng thay vì giảm như dự báo trước đó. Báo cáo này đe doạ làm chệch hướng đợt tăng gần đây của giá dầu.
“Mùa hè, giai đoạn cao điểm của hoạt động lái xe hàng năm, thường là lúc giá xăng tăng và kéo theo giá dầu tăng. Nhưng điều đó hiện tại không xảy ra”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau tại công ty Mizuho Securities, ông Bob Yawger, nhận định với hãng tin Reuters.
Lượng tồn trữ dầu thô thương mại của Mỹ tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, thay vì giảm 2,9 triệu thùng như dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters. Tồn trữ xăng tăng 2,7 triệu thùng, thay vì giảm 1 triệu thùng như dự báo.
Lượng tồn trữ dầu thô hiện vẫn cao hơn khoảng 2% so với mức bình quân 5 năm gần nhất ở thời điểm này của năm. Tuy nhiên, mức tồn trữ tăng lên là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ còn thể vẫn còn yếu.
Giá dầu Brent đã tăng 4,4% trong tháng 6 này và tăng 10,66% từ đầu năm. Giá dầu WTI đã tăng 5% trong tháng và tăng 12,9% từ đầu năm.
Hiện tại, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Các nhà giao dịch đang dõi theo tình hình ở biên giới Israel-Lebanon. Gần đây, Israel và phiến quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã đưa ra những lời đe doạ chiến tranh nhằm vào nhau, sau nhiều tháng nã tên lửa vào đối phương qua biên giới. Thị trường lo rằng nếu Israel tấn công Lebanon, sẽ xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp với Iran - một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - đặt ra nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung dầu.