Thanh khoản tụt giảm, blue-chips vẫn dẫn sóng hút dòng tiền
Giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm khoảng 17% so với phiên trước, nhưng giao dịch vẫn rất sôi động và cổ phiếu tăng giá áp đảo. Nhóm blue-chips VN30 vẫn dang là trụ cột, đưa VN-Index vượt mốc 1.100 điểm, khi chiếm giữ toàn bộ các vị trí dẫn dắt điểm số ở chỉ số này. Không chỉ vậy, thanh khoản rổ VN30 chiếm tới 36,2% tổng giao dịch HoSE, một tỷ lệ cao đột biến...
Giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm khoảng 17% so với phiên trước, nhưng giao dịch vẫn rất sôi động và cổ phiếu tăng giá áp đảo. Nhóm blue-chips VN30 vẫn dang là trụ cột, đưa VN-Index vượt mốc 1.100 điểm, khi chiếm giữ toàn bộ các vị trí dẫn dắt điểm số ở chỉ số này. Không chỉ vậy, thanh khoản rổ VN30 chiếm tới 36,2% tổng giao dịch HoSE, một tỷ lệ cao đột biến.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang có một số đại diện xuất sắc, nhưng sức mạnh tổng thể có phần yếu hơn phiên cuối tuần trước. VCB tăng 3,58%, SHB tăng 2,07%, MBB tăng 1,27%, TPB tăng 1,14% là các blue-chips khá nhất nhóm. Vài mã nhỏ hơn như KLB, NVB, PGB thậm chí tăng trên 5%, nhưng ảnh hưởng hạn chế. Phần còn lại của nhóm tăng yếu dưới 1%, thể hiện sự hạ nhiệt rõ ràng.
Nhóm chứng khoán thậm chí còn tệ hơn, đà đảo chiều giảm đã xuất hiện rất nhiều. Số tăng toàn các cổ phiếu ít quan trọng như AGR, PSI, CSI là hơn 1%. Hơn chục cổ phiếu khác trong nhóm giảm giá, bao gồm cả những mã lớn như HCM, MBS, VCI, FTS, còn lại tham chiếu.
VN30-Index chốt phiên sáng nay tăng 0,88% trong khi Midcap tăng 0,41%, Smallcap tăng 0,41%. Không chỉ vậy, nhóm blue-chips còn đang giao dịch tới trên 36% tổng khớp sàn HoSE, đạt 2.823,2 tỷ đồng. Mức thanh khoản này là giảm tới 30% so với phiên trước, nhưng trong bối cảnh thanh khoản chung giảm, nhóm blue-chips duy trì thị phần cao cho thấy dòng tiền đã được giữ lại tốt hơn. HoSE có 23 mã thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 11 mã thuộc nhóm VN30.
Trái lại, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sáng nay có tín hiệu hạ nhiệt đáng kể. 9 cổ phiếu trên HoSE còn tăng kịch trần trừ HAH, còn lại thanh khoản quá nhỏ để đảm bảo mức giá trần là đáng tin cậy. Không chỉ vậy, trong khoảng 40 mã khác đang tăng từ 2% trở lên, số rất ít đạt thanh khoản quá 10 tỷ đồng, tiêu biểu chỉ có VOS tăng 6,3% với 43,2 tỷ đồng; PVT tăng 4,01% với 75,9 tỷ; NKG tăng 3,47% với 153 tỷ; HSG tăng 3,23% với 259,9 tỷ; PLX tăng 3,01% với 37 tỷ; DGC tăng 2,84% với 182,2 tỷ.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm 17%, đạt 8.569 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 17% còn 7.791 tỷ đồng. Sau phiên sáng bùng nổ kỷ lục đạt gần 10,3 ngàn tỷ đồng cuối tuần trước, mức giá tăng cao đã phần nào làm giảm nhiệt tình đua giá của nhà đầu tư. Thực tế sáng nay thị trường lại đang phát tín hiệu chốt lời: Khoảng 80% cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay trên HoSE đã tụt giá ở mức độ khác nhau, với gần 200 mã tụt trên 1%, tương đương hơn 55%. Toàn bộ 30 mã của rổ blue-chips đều bị ép giá xuống, nhiều mã có biên độ khá lớn: NVL bị ép 2,14% so với giá cao nhất đầu phiên và đảo chiều thành giảm 0,72% so với tham chiếu; PDR bị ép giảm 2,64%, đảo chiều thành giảm 1,34% so với tham chiếu; TPB thậm chí trượt giảm 3,27%, còn tăng 1,14% so với tham chiếu; VJC tụt 2,53%, thành giảm 0,31%...
Hoạt động chốt lời là điều thường xuyên diễn ra, đặc biệt khi giá có phiên bùng nổ mạnh như cuối tuần trước và đầu ngày hôm nay. VN-Index được các mã lớn kéo tăng lên sát đỉnh cao nhất kể từ đầu năm 2023 cũng được xem là va chạm với ngưỡng cản kỹ thuật mạnh. Nhà đầu tư có lý do để hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy vậy quan trọng là dòng tiền vẫn chảy vào thị trường ổn định ở mức cao. Việc chốt lời chỉ đang thúc đẩy dòng tiền vận động mạnh hơn, tìm cơ hội mới ở cổ phiếu khác.