“Cổ phiếu vua” trở lại, tiền vào kỷ lục
Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ đã phần nào giúp nhà đầu tư trút bỏ áp lực, dòng tiền đổ vào thị trường cực mạnh. Lần đầu tiên trong năm 2023 tổng giá trị giao dịch 3 sàn vượt qua con số 20 ngàn tỷ, đạt gần 21,2 ngàn tỷ, tăng 28% so với hôm qua. Riêng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh hai sàn HoSE và HNX đã trên 1,1 tỷ đơn vị. Nhóm ngân hàng nổi bật khi chiếm 8/10 vị trí mạnh nhất của VN-Index, đồng thời thanh khoản trong nhóm này chiếm 28,6% tổng khớp sàn HoSE...
Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ đã phần nào giúp nhà đầu tư trút bỏ áp lực, dòng tiền đổ vào thị trường cực mạnh. Lần đầu tiên trong năm 2023 tổng giá trị giao dịch 3 sàn vượt qua con số 20 ngàn tỷ, đạt gần 21,2 ngàn tỷ, tăng 28% so với hôm qua. Riêng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh hai sàn HoSE và HNX đã trên 1,1 tỷ đơn vị. Nhóm ngân hàng nổi bật khi chiếm 8/10 vị trí mạnh nhất của VN-Index, đồng thời thanh khoản trong nhóm này chiếm 28,6% tổng khớp sàn HoSE.
Sức ảnh hưởng của nhóm “cổ phiếu vua” này rất rõ ràng. Trong 10 cổ phiếu tạo điểm nhiều nhất cho VN-Index, 8 mã thuộc nhóm ngân hàng đem lại 7,7 điểm trong tổng mức tăng 12,46 điểm. TCB, VCB, MBB, BID và CTG là top 5 mã dẫn dắt.
Tổng giá trị khớp lệnh các cổ phiếu trên sàn HoSE hôm nay tăng vọt 107% so với phiên trước, đạt 4.829 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ tháng 3/2022. Trong Top 10 mã thanh khoản nhất thị trường phiên này cũng có 6 cổ phiếu ngân hàng là MBB, SHB, STB, VIB, VPB và TCB.
Về biên độ tăng, VIB mạnh nhất với mức kịch trần và thanh khoản cũng lập kỷ lục lịch sử với 21,47 triệu cổ tương ứng 489 tỷ đồng. Ngoài ra NVB, KLB cũng tăng hết biên độ. Tất cả các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng trên các sàn đều tăng giá hôm nay, với mã duy nhất tăng dưới 1% là TPB tăng 0,57%.
Sức mạnh của nhóm ngân hàng là lý do VN30-Index tăng 1,77%, mạnh hơn mức tăng 1,15% ở VN-Index dù tất cả các cổ phiếu kéo điểm cho chỉ số chính đều thuộc VN30. Rổ này có 23 mã tăng/4 mã giảm là SAB, VNM, NVL và JVC.
Khá bất ngờ là nhóm Smallcap phiên này đã suy yếu nhiều, chỉ số đại diện giảm 0,01% và độ rộng chỉ còn 92 mã tăng/89 mã giảm. DRH, OGC, EVG, BMP, LSS, CRE, ITA, KHG, TCH, BCG… là loạt cổ phiếu nóng mấy ngày trước, hôm nay đã quay đầu giảm trên 2% với thanh khoản khá cao, cho thấy có lực xả mạnh.
Hiện tượng đảo dòng tiền trở nên mạnh mẽ phiên này, khi nhóm blue-chips VN30 có thanh khoản tăng đột biến 73% so với hôm qua, đạt 6.403 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm. Cổ phiếu ngân hàng đóng góp tới gần 58% tổng thanh khoản của rổ blue-chips này. Nhờ giao dịch mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng, cùng với một số mã khác như SSI, HPG, khiến thanh khoản của VN30 nổi bật, chiếm 38% tổng thanh khoản HoSE.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn còn khá nhiều mã tăng tốt. HoSE ghi nhận 13 mã kịch trần, ngoài cổ phiếu ngân hàng thì còn VPG, LGL, TTB, TDH, BKG, TGG thanh khoản khá tốt. Nhóm tầm trung ấn tượng là VCG tăng 4,08% với thanh khoản 368 tỷ đồng; CII tăng 4% với 198,6 tỷ; PNJ tăng 3,84% với 55,7 tỷ; GEX tăng 3,64% với 407,5 tỷ đồng; NKG tăng 3,26% với 239,5 tỷ; DGW tăng 3,18% với 92,7 tỷ; DGC tăng 3,11% với 346,3 tỷ đồng…
Sự trở lại của nhóm cổ phiếu tài chính dẫn dắt đã thúc đẩy chỉ số VN-Index có một phiên tăng khá nổi bật 12,45 điểm, mạnh nhất kể từ phiên ngày 8/5 vừa qua. Chỉ số này lên 1.090,84 điểm, đã vượt qua đỉnh cao ngắn hạn đầu tháng 4 vừa qua và tương đương đỉnh tháng 12/2022. Hiện đỉnh cao hơn gần nhất là 1.117 điểm hồi cuối tháng 1/2023.
Khối ngoại hôm nay ghi nhận mức bán ròng khá lớn với 223,4 tỷ đồng trên HoSE, ngoài ra còn bán ròng gần 30 tỷ đồng trên HNX. Bất ngờ là nhiều cổ phiếu ngân hàng bị xả khá lớn như VPB -93,6 tỷ đồng ròng, STB -38,3 tỷ, EIB -21,4 tỷ. Ngoài ra nhiều mã khác cũng bị xả là VNM -71,6 tỷ, HCM -33,4 tỷ, GMD -31 tỷ, MSN -27,5 tỷ, NLG -23,8 tỷ, DPM -23,2 tỷ, HAH -20,5 tỷ. Phía mua ròng có VCB +62,4 tỷ, SSI +50,2 tỷ, VCI +25,3 tỷ, CTG +23,9 tỷ, KBC +20,8 tỷ.