11:41 02/06/2023

Dự luật trần nợ “qua ải” Thượng viện, Mỹ thoát bờ vực vỡ nợ

An Huy

“Đêm nay, chúng ta đã tránh được thảm kịch vỡ nợ”, nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện phát biểu sau khi nỗ lực đưa dự luật vượt qua “cửa ải” với 100 nhà làm luật...

Nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, tới họp báo sau khi dự luật trần nợ được Thượng viện phê chuẩn ngày 1/6 - Ảnh: Reuters.
Nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, tới họp báo sau khi dự luật trần nợ được Thượng viện phê chuẩn ngày 1/6 - Ảnh: Reuters.

Thượng viện Mỹ vào đêm ngày thứ Năm (2/6) theo giờ Washington đã thông qua dự luật nâng trần nợ, đưa nước này thoát khỏi vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử. Dự luật được Thượng viện gấp rút phê chuẩn chỉ 1 ngày sau khi Hạ viện có động thái tương tự, trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn ít ngày nữa là có thể hết tiền để trang trải các hoá đơn.

Theo tin từ Reuters, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD với 63 phiếu thuận và 36 phiến chống.

“Đêm nay, chúng ta đã tránh được thảm kịch vỡ nợ”, nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện phát biểu sau khi nỗ lực đưa dự luật vượt qua “cửa ải” với 100 nhà làm luật.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, các thượng nghị sỹ rà soát khoảng một chục yêu cầu sửa đổi, bác bỏ tất cả những yêu cầu này. Với sự phê chuẩn của lưỡng viện Quốc hội, dự luật sẽ được chuyển tới bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden để ký thành luật trước hạn chót là ngày thứ Hai tuần tới.

Dự luật này không nâng tràn nợ quốc gia của Mỹ lên một mức cụ thể, mà đình chỉ trần nợ cho tới ngày 1/1/2025, theo đó cho phép Bộ Tài chính tiếp tục vay nợ để chi tiêu. Cơ quan này đã cảnh báo có thể hết tiền vào ngày 5/6.

Ông Schumer và người đồng cấp của ông bên phía Đảng Cộng hoà, nghị sỹ Mitch McConnell - thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện - đã hoàn thành lời hứa làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy dự luật được đàm phán bởi ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, một người Cộng hoà.

“Nước Mỹ đã có thể thở phào rồi”, ông Schumer nói với Thượng viện.

Trong quá trình đàm phán dự luật, Đảng Cộng hòa không chấp nhận bất kỳ khoản tăng trần nợ nào nếu không có một số cắt giảm chi tiêu trên diện rộng - biện pháp mà họ khăng khăng cho là sẽ bắt đầu giải quyết vấn đề khối nợ quốc gia ngày càng phình to. Trong khi đó, ông Biden đã muốn tăng thuế đối với những người giàu có và các tập đoàn để giúp giải quyết nợ nần - đề xuất mà Đảng Cộng hoà từ chối.

Tuy nhiên, cả hai bên đều không muốn cắt giảm các chương trình chăm sóc sức khỏe và hưu trí An sinh xã hội và Medicare. Cùng với đó, ông McCarthy từ chối xem xét giảm chi tiêu cho quân đội hoặc cựu chiến binh.

Bởi vậy, dư địa cho việc cắt giảm chi tiêu dồn cả vào các chương trình “không thiết yếu”. Cuối cùng, những người Cộng hoà giành được mức cắt giảm ngân sách khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, thay vì 4,8 nghìn tỷ USD như họ mong muốn. Đổi lại, chính quyền của ông Biden không vỡ nợ.

Bộ Tài chính Mỹ về mặt kỹ thuật đã đạt đến giới hạn cho vay vào tháng 1 năm nay. Nhưng kể từ đó, cơ quan này đã sử dụng “các biện pháp bất thường” để huy động số tiền cần thiết để thanh toán các hóa đơn của chính phủ.

Ông Biden, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này đều thừa nhận rằng một vụ vỡ nợ do quốc khố cạn kiệt sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Những hậu quả đó bao gồm ảnh hưởng lan rộng khắp thị trường tài chính toàn cầu, có thể gây ra mất việc làm và suy thoái kinh tế Mỹ và tăng lãi suất đối với các gia đình ở tất cả các khoản vay, từ thế chấp nhà cho đến nợ thẻ tín dụng.

Ông Schumer nhắc lại điều này ngay cả sau khi dự luật nâng trần nợ đã được phê chuẩn. Ông nói một vụ vỡ nợ “gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế nữa. Đó sẽ là cơn ác mộng đối với nền kinh tế của chúng ta và hàng triệu gia đình Mỹ. Sẽ mất nhiều năm để phục hồi”.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan phi đảng phái, ước tính dự luật sẽ tiết kiệm được 1,5 nghìn tỷ USD ngân sách trong 10 năm. Con số này ít hơn mức giảm thâm hụt 3 nghìn tỷ USD, chủ yếu thông qua các loại thuế mới, mà ông Biden đã đề xuất và không được phe Cộng hoà chấp nhận.

Lần gần đây nhất Mỹ ngấp nghé bờ vực vỡ nợ như vừa rồi là vào năm 2011. Cuộc khủng hoảng năm đó đã tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính, dẫn đến lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng và đẩy chi phí đi vay của quốc gia lên cao. Lần này, cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ được đánh giá là ít kịch tính hơn vì ngay từ tuần trước, ông Biden và ông McCarthy đã thể hiện rõ quyết tâm đạt một thỏa thuận với đủ sự ủng hộ của cả hai đảng để được Quốc hội thông qua.