09:08 05/06/2023

Đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp bị thua lỗ năm trong 2022

Tùng Thư

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn tiền chậm nộp cho doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022...

Dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm 2,5 nghìn tỷ đồng nếu miễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2022.
Dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm 2,5 nghìn tỷ đồng nếu miễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2022.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất: miễn tiền chậm nộp tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ trong năm 2022 nhằm hỗ trợ các đối tượng này giảm bớt khó khăn về tài chính, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế đang quản lý là 134.967 tỷ đồng (bao gồm cả nợ đang xử lý và nợ đang khiếu nại), chiếm 9,2% tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2022. 

Số nợ thuế năm 2022 có xu hướng tăng so với các năm trước, nguyên nhân chủ yếu do hậu quả của dịch COVID-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế dẫn đến người nộp thuế gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kết quả kinh doanh thua lỗ nên không có khả năng nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước làm tăng nợ thuế. 

 

Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế đang quản lý là 134.967 tỷ đồng (bao gồm cả nợ đang xử lý và nợ đang khiếu nại), chiếm 9,2% tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2022. Về dự kiến tác động tới ngân sách, việc thực hiện đề xuất này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng. 

Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, người nộp thuế bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ làm tăng thêm gánh nặng về tài chính cho người nợ thuế. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng nộp đủ số tiền nợ gốc của các khoản tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, trong đó có giải pháp: miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. 

Theo đó, tính đến 31/12/2022, cơ quan thuế đã thực hiện miễn 2.116 tỷ đồng tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của 5.753 người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020, (trong đó: năm 2020 miễn tiền chậm nộp với số tiền 929 tỷ đồng, năm 2021 miễn tiền chậm nộp với số tiền là 1.187 tỷ đồng). Giải pháp nêu trên đã thực sự hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm (người nộp thuế gặp khó khăn về tài chính do sản xuất kinh doanh thua lỗ), giúp người nộp vượt qua khó khăn, tập trung nguồn lực để tiếp tục duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm bớt khó khăn về tài chính, tập trung nguồn lực để khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt là doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ trong năm 2022, nhằm giúp các đối tượng này giảm bớt gánh nặng, có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Chính phủ đề xuất giải pháp tương tự như đã thực hiện năm 2020 và 2021 theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 92/2021/NĐCP ngày 27/10/2021 của Chính phủ, cụ thể như sau: miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022. Không áp dụng quy định này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Về dự kiến tác động tới ngân sách, việc thực hiện đề xuất này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ, không có khả năng nộp ngân sách đúng hạn nên ảnh hưởng không lớn đến giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng có tác động giảm gánh nặng tài chính của doanh nghiệp, tổ chức để có thể yên tâm và sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.