12:16 03/07/2023

Thị trường giằng co, cổ phiếu trụ phân hóa mạnh

Kim Phong

Đà giảm có tín hiệu chững lại khi VN-Index lùi xuống gần ngưỡng hỗ trợ quanh mức giá bình quân 20 ngày. Sáng nay lực cầu vùng giá xanh có tín hiệu tốt hơn, dù không thể duy trì được lực đỡ đủ bền. Sau cú nhảy giá cao nhất đầu tiên, đại đa số cổ phiếu lẫn các chỉ số đều từ từ lịm dần và chốt phiên sáng ở sát mức thấp nhất...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index đang giằng co trên nền thanh khoản thấp.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index đang giằng co trên nền thanh khoản thấp.

Đà giảm có tín hiệu chững lại khi VN-Index lùi xuống gần ngưỡng hỗ trợ quanh mức giá bình quân 20 ngày. Sáng nay lực cầu vùng giá xanh có tín hiệu tốt hơn, dù không thể duy trì được lực đỡ đủ bền. Sau cú nhảy giá cao nhất đầu tiên, đại đa số cổ phiếu lẫn các chỉ số đều từ từ lịm dần và chốt phiên sáng ở sát mức thấp nhất.

VN-Index sau khi mở cửa bật tăng 0,73% so với tham chiếu tương đương hơn 8 điểm, nhưng chạm đáy lúc 11h15 chỉ còn tăng dưới 1 điểm. Chốt phiên sáng chỉ số đang tăng 2,4 điểm hay +0,21%. Rõ ràng là tình trạng trượt giảm chiếm gần như toàn bộ thời gian giao dịch.

Diễn biến giá cổ phiếu cũng tương tự, thống kê cho thấy trên HoSE có tới 90% cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay đã tụt giá với biên độ khác nhau. Hiện chỉ có khoảng 35 cổ phiếu còn đang trên tham chiếu và giữ giá cao nhất phiên. Số này lác đác vài cổ phiếu có thanh khoản tốt như POM tăng 6,98% với 1,4 tỷ đồng giá trị khớp lệnh; SHB tăng 1,6% với 74,5 tỷ; VHM tăng 0,91% với 18,1 tỷ.

Dù vậy thị trường vẫn có tín hiệu tích cực. Đáng kể nhất là độ rộng, số lượng cổ phiếu trượt giá từ xanh thành đỏ cũng có, nhưng chưa đến mức áp đảo. Cụ thể, Lúc 9h30 VN-Index có 253 mã tăng/53 mã giảm, đến cuối phiên là 208 mã tăng/181 mã giảm. Khả năng giữ giá là một trong những tín hiệu về lực cầu vùng giá trên tham chiếu còn tốt, hoặc ít nhất là đủ cân bằng với áp lực bán.

HoSE hiện đang có 82 cổ phiếu tăng trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 25,7% tổng giá trị khớp của sàn. Dòng tiền ở nhóm này khá đa dạng. Nhóm hóa chất nổi bật với DCM với 110,3 tỷ đồng, giá tăng 3,41%, DPM với 103 tỷ đồng, giá tăng 3,02%; DGC với 93,4 tỷ, giá tăng 1,25%. Nhóm bất động sản, đầu tư công có VCG với 84,6 tỷ, giá tăng 2,16%; HHV với 67,8 tỷ, giá tăng 2,3%; LCG với 42,8 tỷ giá tăng 1,88%. Ngoài ra FCN, CTD, VGC, KSB cũng có thanh khoản tốt từ 20 tỷ đồng trở lên.

Nhìn chung mức độ phân hóa ở giá cổ phiếu đang rất sâu sắc nên các nhóm ngành cũng không tăng được đồng loạt. Dòng tiền dồn vào cổ phiếu cụ thể nên lựa chọn cơ hội cũng không theo nhóm ngành. Đây là trạng thái thường thấy trong mùa báo cáo tài chính. Có lẽ thị trường đang cố gắng tìm một điểm tựa cơ bản nào đó, mà lợi nhuận kinh doanh là một yếu tố dễ xây dựng kỳ vọng.

VN-Index trượt giảm trong cả phiên sáng.
VN-Index trượt giảm trong cả phiên sáng.

Nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 sáng nay cũng phân hóa mạnh và là nguyên nhân khiến các chỉ số trượt dốc liên tục. Từ chỗ toàn bộ 30 mã tăng giá đầu phiên, đến trước giờ nghỉ, VN30 chỉ còn 13 mã tăng/14 mã giảm, chỉ số đại diện giảm 0,05%. Rổ này cũng có tới 13 mã trượt giá so với mức đỉnh đầu ngày từ 1% trở lên. VNM, CTG, HPG, TCB, MWG, HDB là các cổ phiếu lao dốc khá nặng, từ mức tăng tốt đầu phiên thành giảm giá cuối phiên. Trong đó, ảnh hưởng tệ nhất lên chỉ số là VNM, giảm tới 1,4% so với giá đỉnh và đang chốt giảm 0,85% so với tham chiếu. TCB cũng trượt giảm 1,53%, hiện đnag giảm 0,46% dưới tham chiếu. HPG trượt giảm 1,51%, đang chốt đỏ 0,38%...

Phía nâng đỡ chỉ số đang có công lớn của BID tăng 1,38%, VHM tăng 0,91%, GAS tăng 1,08%, MSN tăng 0,8%. Trừ VHM, các cổ phiếu còn lại cũng đã trượt giá với biên độ nhất định. Hiện ảnh hưởng giằng co trong nhóm trụ chỉ còn tạo khác biệt về vốn hóa thể hiện lên chỉ số, còn về biên độ thì đều hẹp, không có mã nào giảm tới 1%. Toàn sàn HoSE hiện cũng chỉ có 45 mã đang giảm trên 1%.

Thanh khoản duy trì tương đối tốt sau phiên sụt giảm mạnh hôm qua, giá trị khớp hai sàn niêm yết tăng nhẹ 3%, đạt 4.782 tỷ đồng. HoSE tăng gần 3% với 4.224 tỷ đồng. Khối ngoại mua bán yếu, mới giải ngân được 279 tỷ đồng và bán ra 275,6 tỷ đồng trên HoSE, tức là vị thế ròng không rõ ràng. Cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là HPG +53,1 tỷ, VHC +21,7 tỷ. Phía bán ròng có PNJ -22,4 tỷ và VNM -17,5 tỷ.