09:18 03/07/2023

Các đồng tiền châu Á dưới áp lực mất giá từ USD

An Huy

Sự đặt cược của giới đầu cơ đã khiến một số đồng tiền chủ chốt của châu Á rớt giá xuống mức thấp nhất 7 tháng trong tuần qua, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thể hiện quan điểm chính sách tiền tệ cứng rắn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giới chức ở châu Á đang tìm cách chống lại sự đặt cược trên thị trường tài chính vào khả năng giảm giá của các đồng tiền trong khu vực bằng cách đưa ra cảnh báo, điều chỉnh tỷ giá chính thức, hoặc cân nhắc bán ra ngoại tệ.

Sự đặt cược của giới đầu cơ đã khiến một số đồng tiền chủ chốt của châu Á rớt giá xuống mức thấp nhất 7 tháng trong tuần qua, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thể hiện quan điểm chính sách tiền tệ cứng rắn.

Các quan chức tài chính Nhật Bản mới đây đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng mất giá quá mức của đồng Yên - lời cảnh báo được thị trường xem như một tín hiệu rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Bộ Tài chính nước này có thể sắp triển khai một đợt can thiệp mạnh tay nào đó để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Giới chức Malaysia cũng đã bày tỏ mối quan ngại tương tự về tỷ giá đồng Ringgit, dù không đưa ra dấu hiệu can thiệp. Tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) đã thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày cao hơn kỳ vọng để bảo vệ tỷ giá Nhân dân tệ sau khi đồng tiền này rớt xuống mức thấp nhất 7 tháng so với Đôla Mỹ (USD).

Biến động tỷ giá giữa các đồng tiền ở châu Á và đồng USD phản ánh sự khác biệt về lãi suất và chu kỳ tiền tệ giữa các nền kinh tế châu Á và Mỹ. Biến động này diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc nhưng nhiều ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vẫn phải tăng lãi suất để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng, trong khi một số khác như  PBOC đã chuyển sang nới lỏng, hoặc BOJ duy trì nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng.

Tỷ giá đồng Yên so với USD đã giảm hơn 9% từ đầu năm đến nay; tỷ giá đồng Ringgit giảm khoảng 6%; và tỷ giá Nhân dân tệ giảm khoảng 5%. Cả ba đồng tiền này đều chạm đáy 7 tháng trong tháng 6 và nằm trong số những đồng tiền rớt giá mạnh nhất châu Á năm nay.

KHẢ NĂNG NHẬT BẢN CAN THIỆP VÀO THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI

Với đà mất giá chóng mặt của đồng Yên, giới phân tích tin rằng Tokyo sẽ sớm có hành động can thiệp vào thị trường ngoại hối. Chiến lược gia Carol Kong của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định rằng nhà chức trách Nhật Bản có thể bán ra USD để mua vào đồng Yên nếu tỷ giá đồng nội tệ giảm sâu hơn. “Nhưng chúng tôi cho rằng tốc độ mất giá của đồng Yên, thay vì mức độ mất giá, sẽ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới một quyết định can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản. Khả năng nhà chức trách can thiệp có thể làm gia tăng mức độ biến động của tỷ giá Yên”, bà Kong viết.

Sự trái chiều giữa một bên là chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Nhật Bản và một bên là chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt của Mỹ được xem là động lực chính phía sau sự mất giá mạnh mẽ của đồng Yên so với đồng USD.

“Chúng tôi đang theo dõi hết sức chặt chẽ các diễn biến tỷ giá. Chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp nếu biến động tỷ giá trở nên thái quá”, ông Masato Kanda, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản, nhà ngoại giao tiền tệ cấp cao nhất của nước này, phát biểu.

Ông Shunichi Suzuki, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, cũng nói rằng đang có “những biến động mạnh mẽ và một chiều” trong tỷ giá đồng Yên, điều này có thể dẫn tới hành động của nhà chức trách một khi xu hướng biến động trở nên quá đà. Một diễn biến đáng chú ý trong tuần vừa rồi là Nhật Bản đã gia hạn nhiệm kỳ của ông Kanda, đưa ông trở thành vị quan chức thứ tư trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây phục vụ năm thứ ba liên tiếp trên cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế. Đây là một động thái bất thường, cho thấy khả năng Tokyo sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối, bởi ông Kanda chính là “kiến trúc sư” của các đợt can thiệp khi đồng Yên mất giá mạnh trong năm ngoái.

Nhận định trong một báo cáo, chiến lược gia ngoại hối cấp cao Philip Wee của DBS cho rằng khả năng cơ quan chức năng của Nhật Bản can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ là cao nếu đồng Yên trượt giá về vùng 145-150 Yên đổi 1 USD.  Ngày 22/6 vừa qua, đồng Yên lập đáy mới của 7 tháng ở mức 144,7 Yên đổi 1 USD, thấp nhất kể từ hôm 11/10 năm ngoái.

Cú sụt mới nhất của đồng Yên diễn ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục khẳng định lập trường cứng rắn. “Chúng tôi tin rằng còn phải thắt chặt. Động lực cho điều này là một thị trường việc làm còn đang rất mạnh”, ông Powell phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đăng cai ở Sintra, Bồ Đào Nha trong tuần qua.

Năm ngoái, Bộ Tài chính Nhật Bản đã bơm ra khoảng 68 tỷ USD để mua vào đồng Yên khi đồng Yên giảm giá về mức 150 Yên đổi 1 USD - mức thấp nhất kể từ năm 1990. Đáng chú ý, ông Kanda đã bày tỏ quan điểm không ngại bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ để có USD phục vụ cho việc bảo vệ tỷ giá đồng Yên, dù biện pháp này có thể dẫn tới căng thẳng giữa Nhật với Mỹ.

Một số nhà phân tích và nhà đầu tư đã cho rằng Nhật Bản không có nhiều dư địa để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, vì lượng dự trữ tiền mặt USD của Chính phủ nước này đã giảm đi nhiều do mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Nhật đạt khoảng 1,13 nghìn tỷ USD, chủ yếu là các loại chứng khoán như trái phiếu.

MALAYSIA LO LẮNG NHƯNG CHƯA CÓ ĐỘNG THÁI CAN THIỆP

Triển vọng tỷ giá đồng Ringgit đang bị phủ bóng bởi các yếu tố như bấp bênh chính trị, xuất khẩu sụt giảm, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đồng USD tăng giá, và nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp. Từ mức tỷ giá 4,24 Ringgit đổi 1 USD vào đầu tháng 2, đồng Ringgit đã rớt xuống mức 4,67 Ringgit đổi 1 USD gần đây, tương đương mức giảm 9,2%. Một mức chuẩn lịch sử để so sánh là mốc 4,88 Ringgit đổi 1 USD ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây 1/4 thế kỷ.

Trong những năm gần đây, không hiếm những đợt Ringgit mất giá, nhưng giới chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về đợt giảm giá này của Ringgit. Chính phủ Malaysia tuyên bố không có ý định sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách để giải quyết vấn đề. Phát biểu trước Quốc hội Malaysia mới đây,  ông Ahmad Maslan, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính nước này, nói rằng Chính phủ không có ý định neo buộc tỷ giá Ringgit vào USD vì cách làm như vậy sẽ khiến Malaysia mất đi khả năng theo đuổi chính sách tiền tệ độc lập.

Ngân hàng Trung ương Malaysia tuần trước đã tuyên bố “mức độ mất giá gần đây của đồng Ringgit không phản ánh đúng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Malaysia”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Các đồng tiền châu Á dưới áp lực mất giá từ USD - Ảnh 1