07:54 02/02/2023

Thị trường nhiều biến động, nhà đầu tư có cơ hội “săn” tài sản giá rẻ

Anh Nhi

Trong khi nhà đầu tư quốc tế lựa chọn việc tích trữ USD hơn là vàng hay bitcoin thì nhà đầu tư Việt Nam có cơ hội “săn” tài sản giá rẻ và giữ tiền mặt chờ cơ hội lãi suất huy động tăng cao...

Thị trường tài chính thế giới năm 2022 liên tục có những phiên điều chỉnh với biên độ lớn. Năm 2023 tiếp tục được dự báo là năm biến động với thị trường tài chính khi chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt và lạm phát lan rộng. Điều này đỏi hỏi các nhà đầu tư phải có sự chuẩn bị để ứng phó với những đợt điều chỉnh.

Xung quanh chủ đề này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Marc Despallieres, Giám đốc Chiến lược và Giao dịch của Vantage.

Thưa ông, năm 2022 qua đi với rất nhiều biến động như chiến tranh Nga - Ukraine, lạm phát leo thang và suy thoái kinh tế toàn cầu... Những điều này tác động tới thị trường tài chính toàn cầu ra sao, đặc biệt là những thị trường “nhạy cảm” như vàng, bitcoin...?

Hai sự kiện được quan tâm và gây ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là cuộc chiến Nga – Ukraine và lạm phát leo thang tại Mỹ. Phản ứng thị trường là khá dễ hiểu do tâm lý của nhà đầu tư lo ngại rủi ro về chính trị cũng như những bất ổn trong nền kinh tế của Mỹ khi lạm phát không có dấu hiệu dừng lại và lãi suất liên tục được điều chỉnh tăng. Điều này làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trong tương lai, khiến các sản phẩm tài chính như vàng, bitcoin và forex chịu biến động mạnh mẽ.

Cụ thể, đối với vàng, đây là tài sản trú ẩn an toàn đối với nhà đầu tư khi thị trường có biến động. Vì thế, khi chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra, vàng có những đợt tăng mạnh do phản xạ từ nhà đầu tư lo ngại về những rủi ro kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, điều này không giúp vàng duy trì được lâu trên mức 2.000 USD/oz như kỳ vọng của nhiều nhà giao dịch (trader). Lý do là lạm phát tại Mỹ tăng cao kéo theo những đợt tăng mạnh lãi suất liên tục từ Cục Dự trữ LB Mỹ (FED) đã làm “đồng bạc xanh” trở nên hấp dẫn hơn trong khi vàng liên tục có những đợt điều chỉnh giảm. Tới đầu tháng 11/2022 thì vàng lấy lại được đà tăng và hiện đang tiến sát vùng giá 2.000 USD/oz.

Tuy vậy, năm 2022 lại là năm đáng thất vọng của bitcoin. Sau khi đạt đỉnh gần 70.000 USD thì từ đầu năm 2022 đến nay, bitcoin chỉ còn những đợt giảm mạnh. Điều này một phần ảnh hưởng từ lạm phát tăng cao của Mỹ dẫn đến việc bitcoin cũng trở nên kém hấp dẫn.

Thêm vào đó là chu kỳ bitcoin bước vào giai đoạn “ngủ đông” sau thời gian được FOMO (hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư) mạnh khiến giá trị bitcoin bị sụt giảm khá nhiều. Kèm với đó là những sự kiện tiêu cực của crypto khiến niềm tin của nhà đầu tư đối với crypto nói chung và bitcoin nói riêng bị sụt giảm dẫn tới các đợt bán tháo diễn ra nhiều hơn làm giá trị bitcoin sụt giảm hơn 60% tính từ đầu năm 2022 đến nay.

Riêng đối với Forex, sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, những lệnh trừng phạt lên Nga đã làm đồng RUB sụp đổ nhanh chóng, buộc Nga phải dùng nhiều biện pháp “cứng rắn” hơn để phục hồi giá trị đồng tiền. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến lạm phát cũng gây nhiều biến động bất ngờ trong thị trường Forex trong năm nay. Điển hình nhất là sự tăng giá của cặp USD/JPY khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ khi hai nền kinh tế duy trì chính sách trái ngược. Đó là Nhật Bản duy trì chính sách lãi suất âm trong khi mà FED liên tục tăng lãi suất USD đẩy đồng USD mạnh lên và đồng JPY mất giá trầm trọng.

Năm 2023 tiếp tục được dự báo là năm có nhiều biến động khó lường khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Với bối cảnh như vậy, theo ông, các thị trường này sẽ như thế nào?

Năm 2023, lạm phát sẽ vẫn tiếp tục tăng và lan rộng đến nhiều quốc gia khác. Hiệu ứng này sẽ biến năm 2023 trở thành một năm đầy khó khăn khi các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu dừng lại và tình hình chiến sự của Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng.

Do vậy, năm 2023, chúng ta vẫn cần phải theo dõi sát sao về các tin tức cũng như sự kiện trên thị trường. Trong đó, nên tập trung vào các thị trường có thanh khoản cao, phân bổ nguồn vốn hợp lý và cần linh hoạt thay đổi chiến lược để đảm bảo an toàn vốn, cùng với đó là chuẩn bị tâm lý cho các biến động lớn có thể xảy ra trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư thế giới sẽ có động thái như thế nào, thưa ông?

Các nhà đầu tư quốc tế có sẵn nhiều lợi thế về kiến thức cũng như nắm bắt được nhanh các sự kiện lớn. Điều này sẽ giúp họ nhanh chóng thích nghi và tìm được nhiều cơ hội hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng họ sẽ lựa chọn việc tích trữ USD hơn là vàng và bitcoin trong năm tiếp theo.

Riêng các nhà đầu tư ở Việt Nam, chúng ta nên giữ tiền mặt, chờ cơ hội khi lãi suất huy động từ ngân hàng tăng cao (15-18%/năm). Lúc này, nhiều tài sản có giá trị sẽ có thể bị thanh lý do người vay không còn đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng và nhà đầu tư có thể đi “săn” các tài sản bị thanh lý này như bất động sản hoặc các mã cổ phiếu tiềm năng tốt với giá rẻ và chấp nhận giữ chúng trong 2-3 năm tiếp theo.

Với những nhà đầu tư vốn thấp, có thể lựa chọn kinh doanh các sản phẩm vốn thấp, thu hồi vốn nhanh để từ đó xây dựng cho mình một lĩnh vực riêng. Nhưng quan trọng vẫn là quản lý rủi ro và chấp nhận rủi ro nếu mô hình phát triển không như kỳ vọng.

Thực tế chứng minh nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc nhờ vào giai đoạn suy thoái kinh tế. Vì thế, nếu có một kế hoạch khả thi, chúng ta vẫn có thể cân nhắc triển khai. Bên cạnh đó, đầu tư ngắn hạn, lướt sóng ở một số sản phẩm tài chính cũng là lựa chọn tốt nếu chúng ta chưa có dự định hay kế hoạch cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, phải đảm bảo chọn đúng các nhà môi giới uy tín, trang bị kiến thức vững chắc cũng như cập nhật liên tục các tin tức, sự kiện trên thị trường và có chiến lược quản lý vốn hiệu quả để tránh thất thoát hay thua lỗ ngoài kiểm soát.